Nữ hoàng Anh sẽ được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và chồng bà, Hoàng thân Philip sẽ được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioNTech trong vài tuần tới.
Theo SCMP ngày 6-12, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và chồng bà, Hoàng thân Philip, sẽ được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, hai thành viên hoàng gia này sẽ không được hưởng sự ưu tiên mà phải chờ đến lượt của mình, cùng lúc các liều vắc-xin đầu tiên dành cho những người trên 80 tuổi ở các viện dưỡng lão.
Tờ The Daily Mail ngày 6-12 cho biết Nữ hoàng có thể sẽ công khai việc tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 nhằm “khuyến khích nhiều người hơn đi tiêm chủng” trong bối cảnh người dân vẫn còn do dự và hoài nghi về tính hiệu quả của vắc-xin.
Các quan chức y tế ở Anh đã đặt ra các tiêu chí dựa trên độ tuổi và tính dễ bị tổn thương để quyết định xem những ai là người được ưu tiên tiêm chủng trước.
Những người lớn tuổi sống tại các viện dưỡng lão và những người chăm sóc sẽ được tiêm ngừa trước, sau đó sẽ đến những người từ 80 tuổi trở lên và các nhân viên chăm sóc y tế ở tuyến đầu.
Vào ngày 2-12, Anh trở thành quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 sau khi nước này phê duyệt khẩn cấp vắc-xin do Pfizer và BioNTech hợp tác sản xuất.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) cho hay việc phê duyệt vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về mức độ an toàn của nó.
Anh đã đặt trước tổng cộng 40 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioBTech, đủ để tiêm chủng cho khoảng 20 triệu dân (khoảng 1/3 dân số của Anh) và dự kiến sẽ nhận được 800.000 liều ở lô đầu tiên để có thể bắt đầu triển khai việc tiêm chủng từ ngày 8-12.
Theo số liệu thống kê từ trang Worldometer, Anh đã ghi nhận 1.723.242 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 61.245 ca tử vong, là nước bị dịch hoành hành nặng thứ bảy trên thế giới.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lưu ý rằng vắc-xin không phải là viên dược thần kỳ nhằm chống lại đại dịch COVID-19.
“Có vắc-xin không có nghĩa là sẽ không có ca nhiễm COVID-19. Và không phải ai cũng có thể nhận được vắc-xin vào đầu năm tới” – ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cảnh báo. (PLO)