Những thành phố đắt nhất thế giới dành cho người nước ngoài
CNBC thống kê danh sách thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất dành cho người nước ngoài năm 2020. Trong đó 3 thành phố dẫn đầu là Hong Kong, Tokyo và New York.
Hong Kong (Trung Quốc) một lần nữa được xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới đối với người nước ngoài. Trung tâm tài chính này vẫn giữ tình trạng đắt đỏ trong báo cáo chi phí sinh hoạt 2020 của ECA International, với đại dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị đè nặng lên chi phí thuê nhà.
Tokyo (Nhật Bản) xếp thứ 2, New York (Mỹ) thứ 3 và Geneva (Thụy Sĩ) thứ 4. Các quốc gia này cũng giữ nguyên thứ hạng tổng thể trong top 4, không thay đổi so với năm 2019.
Hạng 5 và 6 tương ứng là Zurich (Thụy Sĩ), London (Anh). 2 thành phố châu Âu đều có xếp hạng cao trong danh sách năm nay khi đồng euro phục hồi và đồng bảng Anh đẩy chi phí sinh hoạt cho người nước ngoài tăng cao. Trong khi đó, các thứ hạng còn lại của top 10 là Tel Aviv (Israel), Seoul (Hàn Quốc), San Francisco (Mỹ) và Yokohama (Nhật Bản), ghi nhận chi phí sinh hoạt giữ nguyên hoặc giảm so với năm ngoái.
Báo cáo chi phí sinh hoạt hàng năm của ECA International so sánh chi phí hàng hóa hàng ngày, bao gồm thực phẩm, phương tiện đi lại và tiện ích, trên 208 thành phố ở 121 quốc gia từ tháng 9 năm trước đến tháng 9 năm sau.
Sự thay đổi của danh sách năm nay chủ yếu do biến động tiền tệ vì đại dịch Covid-19, tác động đến sức chi tiêu. Đồng euro, đồng bảng Anh và đô la Australia mạnh lên, đã đẩy chi phí sinh hoạt ở mỗi thị trường tương ứng lên cao.
Lee Quane, giám đốc khu vực châu Á tại ECA International, nói: “Với việc đồng euro và bảng Anh hồi phục trong năm nay, chi phí sinh hoạt đã tăng lên đối với nhiều người lao động nước ngoài. Những yếu tố này cũng đẩy nhiều thành phố lớn của châu Âu lên thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, với London hiện đắt đỏ thứ 6 trên thế giới, Paris (Pháp) tăng 10 bậc lên thứ 29, Vienna (Áo) và Munich (Đức) lọt vào top 50 toàn cầu”.
Trong khi đó, các đồng tiền châu Á, bao gồm đồng bath Thái Lan, Việt Nam đồng và rupee Ấn Độ, giảm mạnh khiến chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn của mỗi nước đối với người nước ngoài thấp hơn. Riêng Mumbai, thành phố đắt đỏ nhất ở Ấn Độ, tụt 34 bậc xuống vị trí thứ 94 trên toàn cầu.
Ở những nơi khác, các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Brazil, Nga, Venezuela, bị ảnh hưởng bởi giá dầu và nội tệ giảm, kéo theo chi phí sinh hoạt của người lao động nước ngoài. (Z/N)
Thành phố | Thứ hạng năm 2020 | Thứ hạng năm 2019 |
---|---|---|
Hong Kong (Trung Quốc) | 1 | 1 |
Tokyo, Nhật Bản | 2 | 2 |
New York, Mỹ | 3 | 3 |
Geneva, Thụy Sĩ | 4 | 4 |
Zurich, Thụy Sĩ | 5 | 6 |
London, Anh | 6 | 10 |
Tel Aviv, Israel | 7 | 5 |
Seoul, Hàn Quốc | 8 | 7 |
San Francisco, Mỹ | 9 | 9 |
Yokohama, Nhật Bản | 10 | 8 |