Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những người lính sẽ luôn được tưởng nhớ


Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, có khá nhiều thi hài của những người lính Việt Nam Cộng hoà (VNCH) được đưa về nghĩa trang nhưng chưa kịp an táng. Họ, sau đấy, đã an nghỉ bên nhau trong một khu mộ tập thể. Không có con số cụ thể nhưng những người trông coi nghĩa trang trước 30-4-1975 nói lại là lên tới hàng trăm người.

clip_image002
Khu mộ tập thể những người lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận trong những ngày trước 30-4-1975 luôn được chăm sóc chu đáo. Sài Gòn-Biên Hòa 20-4-2023. Hình FB Truong Huy San

Cho dù không mộ chí và cùng một mặt bằng, khu mộ ấy luôn ở trong tầm mắt của những cư dân sống xung quanh. Đầu thập niên 2000s, một nhà đầu tư về đây… những cư dân này đã “bàn giao” cho anh. Sau khi, xác định ranh giới, khu mộ đã được xây tường bao, đắp cao lên và thường xuyên nhang khói.

Năm ngoái, sau khi dự lễ khánh thành Đền thờ Liệt sỹ Trường Sơn trên đường 20 (ngôi đền được hai cựu binh Trường Sơn, nhà báo Nguyễn Đức Quang và nhà báo Trần Thế Tuyển (báo SGGP) vận động vốn xã hội xây nên), tôi trở về quê ủng hộ nhà báo Hoàng Anh Minh, một người sinh sau chiến tranh, khi biết anh vận động xây đền thờ liệt sĩ bên Hồ Kẻ Gỗ.

Bên mộ liệt sĩ chống quân Trung Quốc, E567, Cao Bằng 17-2-2023. Hình FB Truong Huy San
Đền thờ Liệt sĩ hy sinh trước 1973 đang được chúng tôi vận động xây dựng bên hồ Kẻ Gỗ [Hình chụp sáng 25-4-2023]. Hình FB Truong Huy San

Nơi bây giờ là lòng hồ, vào năm 1972, Quân đội NDVN đã cho xây một sân bay dã chiến. Hai mươi ngày trước khi ký Hiệp định Paris [7-1-1973], Mỹ ném B52 phá hủy sân bay. Chỉ riêng đợt bom ấy, có 32 nam nữ TNXP hy sinh. Cũng nơi bây giờ là lòng hồ, trong chiến tranh là con đường 22 huyết mạch. Không biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống.

Nhiều người giờ đây vẫn nằm lại dưới lòng hồ.

Cùng nhà phê bình, cựu binh Phạm Xuân Nguyên đưa hài cốt em trai Phạm Xuân Minh [hy sinh ở Campuchia] từ nghĩa trang Tây Ninh về Hà Tĩnh. Hình FB Truong Huy San

Hơn 10 năm trước, đã có một nhóm người từ miền Nam ra, phát tâm, đóng góp để xây ở đấy một am thờ khiêm nhường. Chúng tôi nghĩ, họ xứng đáng được tưởng nhớ.

Mỗi khi vào Nam, ra Bắc, tôi vẫn dành một ít thời gian thăm các nghĩa trang. Tôi cũng đã từng đến viếng những người lính VNCH an nghỉ tại Nghĩa trang Biên Hòa. Cho dù mai sau, lịch sử đánh giá như thế nào về cuộc chiến tranh kết thúc vào ngày 30-4-1975; cho dù sẽ có những nhà chính trị bị nhìn nhận lại; những người lính đã chiến đấu quả cảm vì lòng yêu nước, vì lý tưởng và cả vì bổn phận công dân sẽ luôn được nhân dân tưởng nhớ và trân trọng.

Huy Đức

Nguồn: FB Trương Huy San