Nhớ khán giả, ca sĩ hải ngoại hát ‘online’ để phục vụ
LITTLE SAIGON, California – Ảnh hưởng dịch COVID-19, không đi ca được, phần đông ca sĩ hải ngoại tại Little Saigon giải tỏa tình trạng “ngứa ngáy nghề nghiệp” của mình bằng cách hát trực tuyến.
Ca sĩ Nguyên Khang tâm sự: “Dĩ nhiên sự hạn chế thu nhập tạo cho tôi nhiều khó khăn, nhưng nỗi khổ lớn lao nhất của bất cứ ca sĩ nào là không có chỗ để ca. Nói ngắn gọn, ca sĩ cần phải có khán giả.”
Theo tình hình trước mắt, Nguyên Khang cho rằng phải đến Tháng Sáu sang năm thì các “show” ca nhạc mới được tổ chức một cách bình thường như trước được. “Đây là điều làm tôi rất lo ngại,” ca sĩ Nguyên Khang than thở. “Dĩ nhiên, tài chánh là một chuyện, nhưng, là nghệ sĩ, tôi có những vấn đề khác phải bận tâm.”
Ngoài chuyện tài chánh, vấn đề làm người ca sĩ với giọng ca trầm ấm đầy nam tính này phải bận tâm là nỗi nhớ sân khấu. Nguyên Khang tâm sự: “Tôi ca không hoàn toàn vì tiền. Tôi ca vì muốn có dịp được tương tác với khán giả gần xa. Không có khán giả thì giọng ca có hay tới đâu, bài hát có hay tới đâu cũng là vô nghĩa.”
“Nguyên Khang Câu Chuyện Âm Nhạc” mỗi tối Thứ Bảy
Bây giờ, sau gần hai tháng ở nhà, Nguyên Khang đã thấu hiểu sự cần thiết của khán giả đến dường nào. “Tôi đã hiểu thế nào là nỗi nhớ khán giả, nhớ sân khấu,” anh nói. “Nó là con đường hai chiều. Khán giả cần nghe nhạc, ca sĩ cần khán giả. Chính sự cổ võ nhiệt tình của khán giả đã làm ca sĩ hát hay hơn, trình diễn có chiều sâu hơn, có ‘hồn’ hơn.”
Nguyên Khang không ngần ngại thú nhận rằng ngoài ca hát ra, anh không có sở trường khác. “Từ trước tới giờ tôi chỉ biết ca hát thôi. Bây giờ không được hát nữa, thiệt tình, tôi không biết làm gì,” anh chia sẻ. “Ở nhà lâu, nỗi nhớ sân khấu, nhớ khán giả càng lúc càng tăng cao.”
Khi được hỏi chọn giữa tiền và khán giả, Nguyên Khang nhanh nhảu nói ngay: “Khán giả. Dĩ nhiên là khán giả dù rằng tiền thì ai cũng cần hết.”
Nguyên Khang giải quyết nhu cần cần ca hát và cần được tiếp cận với khán giả trong thời gian này bằng cách thực hiện một chương trình trực tuyến tên “Livestream Nguyên Khang Câu Chuyện Âm Nhạc” trên Facebook của mình hằng tuần vào mỗi Thứ Bảy lúc 8 giờ tối California.
“Câu Chuyện Âm Nhạc” của Nguyên Khang là chương trình do anh tự nghĩ ra, không hoàn toàn chú trọng đến phần trình diễn, ca hát mà là cơ hội để ca sĩ gần gũi với khán giả hơn.
“Tôi muốn phá bỏ sự ngăn cách giữa ca sĩ và khán giả,” Nguyên Khang trình bày. “Qua phần trò chuyện, ca sĩ có thể chia sẻ vui buồn hoặc kỷ niệm đáng nhớ với khán giả như chia sẻ với bạn bè mình.”
Anh thêm: “Nhờ đó, khán giả sẽ thấy ca sĩ cũng không khác gì so với mình. Ca sĩ cũng có những tâm tư, nguyện vọng, niềm vui và nỗi lo âu như bao nhiêu người khác.”
Mỗi tuần, Nguyên Khang sẽ mời một vị khách để “Câu Chuyện Âm Nhạc” thêm phong phú.
Với tiếng cười thân mật, Nguyên Khang nói: “Lâu nay không làm ra tiền mà tôi còn xài tiền nữa. Mà phải xài vì cần mua sắm máy móc để thực hiện “Câu Chuyện Âm Nhạc” cho ‘pro’ chứ.”
Ngoài ba máy quay loại chuyên nghiệp, Nguyên Khang còn cần nhiều trang thiết bị khác nữa. “Cũng may, anh Trúc Hồ và anh Quốc Khanh bên đài SBTN hỗ trợ cho tôi nhiều thứ nữa,” anh kể. “Mình tôn trọng khán giả nên phải làm thiệt hết mình, làm tới nơi tới chốn mới được.”
Hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Năm, “Câu Chuyện Âm Nhạc” của Nguyên Khang được trình làng lần đầu. “Chương trình rất suôn sẻ, khán giả cũng đón nhận rất nồng nhiệt làm tôi rất lên tinh thần tuy phần kỹ thuật có trục trặc đôi chút. Tôi tin chắc rằng lần sau, chương trình sẽ hoàn hảo hơn nữa,” anh nói. “Tôi cám ơn khán giả vô cùng.”
“Âm Nhạc & Đời Sống” mỗi tối Thứ Sáu
Cũng để giải quyết nhu cầu “ghiền hát” cho ca sĩ, nhạc sĩ Trúc Sinh và ca sĩ Quốc Khanh thuộc nhóm Motif Music Group (MMG) đồng tổ chức chương trình “Âm Nhạc & Đời Sống” hằng tuần vào mỗi Thứ Sáu lúc 8 giờ tối California trên YouTube.
Các ca sĩ tham dự chương trình, không có thù lao.
Thấm thoát mà “Âm Nhạc & Đời Sống” đã được bảy kỳ rồi. “Lần đầu tiên, chúng tôi mời ca sĩ Nhật Lâm, lần thứ nhì Đoàn Phi, rồi Hồ Hoàng Yến, Hoàng Thục Linh, Nguyên Khang, Diễm Liên, Mai Thanh Sơn… vì chúng tôi hiểu ca sĩ nào cũng cần phải hát hết. Mấy tháng rồi không được trình diễn, họ rất khó chịu,” nhạc sĩ Trúc Sinh nói. “Từ ca sĩ đến khán giả, ai ai cũng hưởng ứng chương trình này.”
“Âm Nhạc & Đời Sống” có hình ảnh và âm thanh cao đạt tiêu chuẩn cao.
Theo Trúc Sinh, “Âm Nhạc & Đời Sống” với ca sĩ Hồ Hoàng Yến có nhiều lượt “view” nhất. “Đó là tập ba và có tới hơn 350,000 lượt ‘view,’” anh giới thiệu.
Hồ Hoàng Yến, trong lần ra mắt khán giả trong “Âm Nhạc & Đời Sống” đã bắt đầu bằng nhạc phẩm “Bão Tình” của Hoàng Trọng và Lan Đình.
“Âm Nhạc & Đời Sống” cũng có “format” như “Câu Chuyện Âm Nhạc,” là pha trộn phần trình diễn của ca sĩ với phần nói chuyện đời thường của các giọng ca nổi tiếng. “Qua bảy chương trình, tôi nhận thấy phần nói chuyện cũng lôi cuốn nhều khán giả khắp nơi,” Trúc Sinh nói. “Phần nói chuyện không hề được chuẩn bị nên rất tự nhiên, rất thật.”
Càng ngày khán giả khắp nơi càng ồ ạt yêu cầu ban tổ chức giữ luôn chương trình sau khi không còn dịch COVID-19 nữa.
“Muốn ‘Âm Nhạc & Đời Sống’ tồn tại lâu dài, khán giả có thể ủng hộ ở PayPal.Me/MotifMusicGroup hoặc Zelle hay Venmo: Motif Music,” Trúc Sinh nói. “Chi phí về kỹ thuật rất cao.”
Từng xuất hiện trên “Âm Nhạc & Đời Sống,” ca sĩ Mai Thanh Sơn cũng chia sẻ một nỗi bận tâm như các đồng nghiệp là vấn đề tài chánh bế tắc. “Ca sĩ tuy làm có ra tiền nhưng cũng phải xài tiền nhiều nên thực sự, tôi không biết tiền của mình đâu hết cả. Chỉ biết là thời gian qua, tôi gặp khó khăn.”
“Nhưng vấn đề cần giải quyết gấp là nhu cầu cần trình diễn,” Mai Thanh Sơn nói. “Thật khó mà diễn tả được nỗi nhớ khán giả của ca sĩ. Có thể nói là ‘ghiền’ đó.”
Thở dài, anh tiếp: “Nói thật, ngay bây giờ, có ai mời hát là tôi nhảy lên máy bay đi liền. Bất chấp tất cả.”
Thích đọc lại những góp ý của khán giả
Ca sĩ Thanh Thảo, ca sĩ nổi tiếng với “Tình Yêu Của Tôi” cũng rất nhớ khán giả. Cô dùng một từ ngữ rất dân gian để nói về nỗi nhớ sân khấu, nhớ khán giả của cô: “‘Mắc hát.’ Đó là cách nói của những người dưới quê tôi và tôi thấy rất chính xác.”
Cũng như các đồng nghiệp, Thanh Thảo tìm đến với khán giả trên Facebook của cô mỗi Thứ Bảy lúc 9 giờ tối, giờ California.
“Đó là những lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Tôi hát những nhạc phẩm do khán giả yêu cầu trên Facebook, những nhạc phẩm tôi ít hát trên sân khấu hay trong CD. Có những nhạc phẩm tôi ca đã là một phần ký ức tuổi thơ hoặc kỷ niệm thuở yêu đương của họ. Tôi trân quý những chia sẻ đó,” Thanh Thảo tâm sự. “Tôi cũng thích đọc lại những góp ý của khán giả, nhất là những lời phê bình đóng góp.”
Đây là thời gian Thanh Thảo muốn dành cho khán giả bằng tấm lòng của một người ca sĩ thuần túy. “Tôi muốn khán giả vô nghe ca nhạc mà thôi, không bận tâm đến chuyện tiền bạc. Tôi không muốn kiếm tiền cách này,” Thanh Thảo dứt khoát. “Tuy nhiên, nếu ai cần giới thiệu sản phẩm thì tôi nhận tiền.”
Nguyên Khang thì lại nghĩ khác. Anh nói: “Tôi hát online là để giải tỏa đầu óc với khán giả thôi, nhưng nếu mỗi người vô nghe yêu chuộng ‘Câu Chuyện Âm Nhạc’ cho tôi $1 hay mỗi tháng tôi được $3,000 là tôi quá mừng rồi.”
Nguyên Khang giải thích lý do: “Bình thường, mình đi ca, bầu ‘show’ trả tiền cho mình từ tiền thu của khán giả. Bây giờ mình nhận tiền trực tiếp từ khán giả, có khác gì đâu.”
Có thể nói, trong đại dịch COVID-19 này, hầu như tất cả ca sĩ đều trình diễn trên Facebook hay YouTube để gần với khán giả, để nhớ khán giả. (Đằng-Giao, N/V)