Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhìn từ Nga-Ukraine: Tại sao Việt Nam nên lo lắng hơn Đài Loan


+ Ở châu Á, Việt Nam, chứ không phải Đài Loan, phải đối mặt với kiểu cô lập chiến lược giống như Ukraine, do học thuyết ‘ba không’ về trung lập địa chính trị.

+ Tệ hơn nữa, khi các lệnh trừng phạt sâu rộng đánh vào Nga, Hà Nội nhiều khả năng không còn có thể dựa vào Moscow như là một nguồn cung cấp khí tài quân sự và đầu tư chiến lược

South China Morning Post – Richard Heydarian – 30 Mar, 2022

(Richard Heydarian là một học giả tại Manila và là tác giả của cuốn Asia’s New Battlefield: US, China and the Struggle for Western Pacific và sắp tới là cuốn “Duterte’s Rise”).

Quang cảnh giàn khí đốt Lan Tây, do Rosneft Việt Nam, một đơn vị thuộc công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft, vận hành ở Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam, năm 2018. Hình Reuters

“Chúng tôi đã bị bỏ lại một mình để bảo vệ nhà nước của mình,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, đồng thời kêu gọi người dân của ông giữ vững tinh thần trước cuộc xâm lược của Nga. “Ai sẵn sàng chiến đấu bên cạnh chúng ta? Tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một sự đảm bảo về tư cách thành viên Nato? Mọi người đều sợ hãi,” ông nói thêm, nhấn mạnh tình trạng bi đát của Ukraine.

Ngay cả khi có một loạt các biện pháp trừng phạt được tung ra đối với Moscow và cung cấp vũ khí tối tân cho Kyiv, phương Tây vẫn nói rõ rằng họ không sẵn sàng kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, cũng như đối đầu quân sự với Nga.

Xung đột Ukraine đã gây ra những làn sóng chấn động khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Theo cách hiểu thông thường, thì tình cảnh tương đồng gần nhất với Ukraine là Đài Loan.

Rốt cuộc, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng “mọi phương cách cần thiết” để thống nhất hòn đảo tự trị. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, rõ ràng là Việt Nam chứ không phải Đài Loan, mới phải đối mặt với kiểu cô lập chiến lược giống như Ukraine.

Đài Loan đã có quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với Hoa Kỳ, và họ đã có hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1955 đến năm 1980. Ngược lại, Việt Nam, theo học thuyết “ba không”, đã tránh xa các liên kết địa chính trị công khai với các cường quốc nước ngoài.

Chính sự trung lập trên thực tế này có thể khiến Việt Nam bị phơi lưng trong một môi trường địa chính trị ngày càng bất ổn ở châu Á. Đối mặt với các tranh chấp biên giới và hàng hải với một Trung Quốc đang trỗi dậy, Việt Nam có thể phải vật vã để nài xin hỗ trợ quân sự từ một nước Nga bị cô lập hoặc một nước Mỹ thờ ơ, trong trường hợp xảy ra xung đột lớn trong tương lai.

Kể từ khi nổi lên với tư cách là một quốc gia độc lập, Việt Nam đã có mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Trong hơn 1.000 năm, các triều đại đế quốc ở Trung Quốc đã cố gắng thực hiện quyền độc tôn đối với miền Bắc Việt Nam, đỉnh điểm là các cuộc chiến tranh vào các thế kỷ 13, 15 và 18.

Thế nhưng, như các chuyên gia về Việt Nam như Keith Weller Taylor đã lập luận, quan hệ Trung-Việt thường được đánh dấu bằng những quãng thời gian chung sống hòa bình lâu dài. Theo cách nói của nhà sử học Julia Lovell, Trung Quốc cũng “đóng vai trò là hình mẫu chính trị, văn hóa, ngôn ngữ cho Việt Nam” qua nhiều thế kỷ.

Anh hùng dân tộc Việt Nam Hồ Chí Minh nói quan hệ Trung-Việt “khăng khít như môi với răng”, đồng thời ghi nhận “ý nghĩa đặc biệt” đối với người Việt Nam về “sự thắng lợi của người Cộng sản ở Trung Quốc”. Xét cho cùng, Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ hướng dẫn về mặt tư tưởng mà còn hỗ trợ quân sự trong các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và chống Mỹ của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự ganh đua trong Chiến tranh Lạnh đã làm tổn hại đến quan hệ Trung-Việt vào cuối thế kỷ trước. Hai nước láng giềng đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới bạo lực và bất phân thắng bại vào năm 1979, cuộc chiến này giống một cách kỳ lạ với tình trạng bế tắc hiện tại sau một tháng Nga xâm lược Ukraine. Sau đó, xung đột lan ra Biển Đông, với cuộc giao tranh trên Bãi đá ngầm Johnson (Đá Gạc Ma) vào năm 1988.

Các nhà hoạt động Philippines và Việt Nam trưng bày các biểu ngữ trong cuộc biểu tình về tranh chấp Biển Đông của họ trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati, Metro Manila, vào ngày 6 tháng 8 năm 2016. Hình Reuters

Tuy nhiên, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Việt Nam đã cố gắng tập trung vào phát triển kinh tế. Trong khi đó, họ đã tìm cách ổn định quan hệ với Trung Quốc thông qua mối quan hệ bền vững giữa các bên, cũng như học thuyết “ba không”, vốn cấm Hà Nội thiết lập một liên minh quân sự với các cường quốc nước ngoài, cho xây dựng các căn cứ quân sự nước ngoài và đứng về phía một siêu cường chống lại nước khác.

Xung đột Ukraine có thể gây rắc rối cho Việt Nam. Đầu tiên, Hà Nội có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hợp tác quốc phòng quy mô lớn với Moscow, quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với các lĩnh vực tài chính và quốc phòng.

Trong nhiều thập kỷ, Nga là nguồn cung cấp khí tài quân sự quan trọng cho Việt Nam, cũng như đầu tư năng lượng, kể cả ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng hiện tại, hai bên đang gặp khó khăn để thậm chí có thể tiến hành các giao dịch bình thường. Hơn nữa, Việt Nam có nguy cơ lôi cuốn các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nếu nước này tiến hành các thỏa thuận quốc phòng lớn với Nga trong tương lai.

Và, khi một nước Nga bị cô lập ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nước này có thể phải xem xét lại quyết định trang bị và viện trợ cho các đối thủ của Bắc Kinh như Việt Nam. Trong khi đó, cuộc chiến tranh lạnh mới giữa một bên là phương Tây, một bên là Trung Quốc và Nga, có thể sẽ làm sâu sắc thêm những ranh giới ý thức hệ đang kéo dài giữa Mỹ và Việt Nam.

Bất chấp việc bình thường hóa quan hệ song phương giữa hai cựu thù và các chuyến thăm cấp cao của hải quân Hoa Kỳ tới các cảng của Việt Nam, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn tất một thỏa thuận quốc phòng lớn nào. Những bất đồng kéo dài về các vấn đề nhân quyền và sự né tránh của Hà Nội trong bất kỳ quan hệ đối tác quân sự công khai nào với Washington, đã ngăn cản bất kỳ hợp tác quốc phòng có ý nghĩa nào.

Chính sách đối ngoại “Dân chủ Trên hết” của chính quyền Biden, nhấn mạnh sự thống nhất giữa các nền dân chủ trong cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu chống lại các cường quốc độc tài, đã chỉ củng cố thêm sự nghi ngờ của chế độ cộng sản Việt Nam về bất kỳ mối liên kết địa chính trị nào với phương Tây.

Nếu không có sự hỗ trợ chiến lược đáng kể từ Nga hoặc phương Tây, Việt Nam sẽ ngày càng phải đối mặt với Trung Quốc. Nhận thấy sự cô lập chiến lược của Việt Nam, Bắc Kinh có thể bị cám dỗ để khẳng định mình hơn nữa ở các vùng biển lân cận với cái giá phải trả rơi vào đối thủ Đông Nam Á này của họ.

Gần một tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã công bố một hoạt động khoan thăm dò lớn ở Vịnh Bắc Bộ, chỉ cách cố đô Huế của Việt Nam 60 hải lý. Đáp lại, Hà Nội chỉ có thể kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng [vùng đặc quyền kinh tế] và thềm lục địa của Việt Nam, dừng lại và không tái diễn bất kỳ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình”.

Trong khi thế giới chứng kiến ​​sự kháng cự dũng cảm của Ukraine, Việt Nam đang lặng lẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập chiến lược của chính mình. (T/H, basam)