Sunday, November 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhìn lại 1 năm biểu tình Hồng Kông: Bắc Kinh có giành được quyền kiểm soát?

Một năm trước, một triệu người Hồng Kông đã tràn xuống đường phố để biểu tình phản đối Luật dẫn độ. Mặc dù chính quyền Hồng Kông khi đó đã rút lại dự luật, nhưng bàn tay của Bắc Kinh vẫn không ngừng tìm cách khống chế và kiểm soát khu vực hành chính đặc biệt này.

Nhìn lại 1 năm biểu tình

Vào tháng 2 năm 2019, Đặc khu Trưởng Carrie Lam đã giới thiệu bản thảo của Luật dẫn độ lên cơ quan lập pháp thành phố. Lần đầu tiên, luật này có thể cho phép Hồng Kông bàn giao các nghi phạm hình sự cho các cơ quan thực thi pháp luật Đại lục.

Đối với nhiều người Hồng Kông, đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận, bởi vì ký ức về những doanh nhân và các chủ hiệu sách “bị mất tích” – một số  trong những người này đã “thú tội”, sau đó đã được phát trên truyền hình nhà nước Trung Quốc – vẫn còn mới.

Hồng Kông: Kỷ niệm 1 năm chống Dự luật Dẫn độ trước Hội đồng Lập pháp (Ảnh: Adrian/Vision Times).

Các cuộc biểu tình đã nổ ra từ giữa tháng 3 khi một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã tập trung tại sảnh của chính quyền Hồng Kông và hô vang khẩu hiệu “Carrier Lam đã phản bội Hồng Kông”, “Hãy dừng Đạo luật Dẫn độ”.

Mặc dù trên danh nghĩa, các cuộc biểu tình chống lại Luật dẫn độ, nhưng vấn đề cốt lõi – cũng giống như các cuộc biểu tình ô dù năm 2014 và phong trào “Chiếm giữ Trung tâm” – là phản đối việc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông. Nó cũng là để biểu đạt câu trả lời cho câu hỏi ai sẽ định hình tương lai lãnh thổ này: cử tri Hồng Kông hay chế độ độc tài Bắc Kinh.

Nguyên tắc cai trị “một quốc gia, hai chế độ” có giá trị trong 50 năm và hết hạn vào năm 2047. “Sau đó thì sao?” là một câu hỏi mà các cư dân trẻ phải đối mặt.

Vào ngày 3/4/2019, phiên họp lần thứ nhất giới thiệu dự luật đã diễn ra tại cơ quan lập pháp thành phố. Tại đó, các đại diện đã chỉ trích Bắc Kinh và bày tỏ sự không hài lòng về việc “bán rẻ” cho Bắc Kinh. Việc trình bày dự luật bị gián đoạn 11 lần bởi những lời chen ngang lớn tiếng và những tiếng la hét trong phòng.

Trên đường phố bên ngoài, người dân biểu tình lên tiếng phản đối dự luật. Vào ngày 9/6, hơn một triệu người đã biểu tình trên các con đường, theo các nhà hoạt động. Lý do cho cuộc biểu tình quy mô lớn này là phiên họp lần thứ hai thông qua đề cương dự luật tại cơ quan lập pháp được hoạch định vào ngày 12/6. Những người biểu tình đã diễu hành một cách hòa bình qua khu vực chính phủ trong 7 giờ.

Nhưng cuộc biểu tình đã kết thúc bằng bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát. Cảnh tượng tương tự đã lặp lại vào ngày 12/6 khi những người biểu tình đã chặn con đường đến tòa nhà Quốc hội để ngăn phiên họp lần thứ hai thông qua đề cương dự luật dẫn độ.

Vào buổi tối muộn, khoảng 2.000 người biểu tình, phần lớn là giới trẻ, đã tập trung canh thức suốt đêm trước cơ quan lập pháp. Phiên họp thứ hai này đã bị hoãn lại.

Áp lực công chúng lên Carrie Lam tăng lên, buộc bà phải lùi bước vào ngày 15/6. “Chính phủ đã quyết định đình chỉ dự luật,” bà nói. Nhưng điều đó không nghĩa là kết thúc nó. Một lần nữa, đã có một cuộc biểu tình quy mô lớn mà các nhà tổ chức tuyên bố có 2 triệu người tham gia, trong khi cảnh sát đưa ra con số là 330.000 người.

Vào ngày 1/7, ngày kỷ niệm Hồng Kông trả về Trung Quốc, hơn nửa triệu người đã xuống đường. Hàng ngàn người biểu tình tập trung để phản đối lễ chào cờ hàng năm. Những người khác đã cố gắng đột chiếm Quốc hội. Họ đã phá vỡ các cửa sổ tòa nhà chính phủ và cố gắng xâm nhập bằng vũ lực.

Trong nửa cuối năm 2019, các cuộc biểu tình đã trở nên phân tán, thường xuyên và “sáng tạo” hơn.

Các hoạt động tại sân bay quốc tế Hồng Kông, một trong những cảng hàng không quan trọng nhất châu Á, đã bị hoãn lại nhiều lần.

Cảnh sát Hồng Kông hiện đã áp dụng  hành động cứng rắn đối với người biểu tình, hơi cay và đạn cao su đã được sử dụng, ngoài ra còn có vòi rồng. Để nhận diện “những kẻ nổi loạn,” chính phủ Hồng Kông đã ban hành lệnh cấm che mặt. Vào thời điểm đó, đã có sự suy đoán liệu chính phủ trung ương có gửi các binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đồn trú tại Hồng Kông đến để lập lại trật tự không. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Những người biểu tình từ lâu đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát. Theo quan điểm của họ, cảnh sát đã sử dụng lực lượng không cân xứng chống lại người biểu tình. Họ cũng yêu cầu bà Lam từ chức, thực hiện bầu cử tự do và công bằng.

Vào ngày 17/11, một cuộc chiếm đóng và bao vây khuôn viên Đại học Bách khoa Hồng Kông kéo dài 12 ngày bắt đầu. Trong khi những người bạo loạn ném bom xăng vào cảnh sát và đốt cháy các chướng ngại vật, cảnh sát đã sử dụng các xe bọc thép và bắn hơi cay.

Cảnh sát sau đó đã thu giữ hơn 3.800 bom xăng và 500 chai hóa chất. 1.377 người bị bắt, trong đó không có nhiều sinh viên Đại học Bách khoa. Chi tiết cá nhân của 318 trẻ vị thành niên đã được lập hồ sơ, sau đó được cho phép trở về nhà.

Một số hình ảnh trong ngày kỷ niệm tròn một năm sự kiện 12/6:

Người Hồng Kông kỷ niệm tròn một năm sự kiện phản đối Dự luật Dẫn độ ngày 12/6. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times)
Ngày 12/6, người Hồng Kông tổ chức hoạt động kỷ niệm 1 năm phản đối Dự luật Dẫn độ ở bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Hoạt động diễn ra ở khắp 18 khu vực tại Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Ngày 12/6, người Hồng Kông tổ chức hoạt động kỷ niệm 1 năm phản đối Dự luật Dẫn độ ở bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Hoạt động diễn ra ở khắp 18 khu vực tại Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Ngày 12/6, người Hồng Kông tổ chức hoạt động kỷ niệm 1 năm phản đối Dự luật Dẫn độ ở bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Hoạt động diễn ra ở khắp 18 khu vực tại Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Ngày 12/6, người Hồng Kông tổ chức hoạt động kỷ niệm 1 năm phản đối Dự luật Dẫn độ ở bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Hoạt động diễn ra ở khắp 18 khu vực tại Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Ngày 12/6, người Hồng Kông tổ chức hoạt động kỷ niệm 1 năm phản đối Dự luật Dẫn độ ở bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Hoạt động diễn ra ở khắp 18 khu vực tại Hồng Kông. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Ngày 12/6, người Hồng Kông tổ chức hoạt động kỷ niệm 1 năm phản đối Dự luật Dẫn độ ở bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Hoạt động diễn ra ở khắp 18 khu vực tại Hồng Kông. Hình ảnh một người dân ở khu vực Sa Điền cầm tấm áp phích “Trời diệt Trung Cộng”. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Cảnh sát được bố trí canh phòng ở khu vực Sa Điền. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Cảnh sát chặn người dân ở khu vực Vượng Giác. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).
Cảnh sát chặn người dân ở khu vực Vượng Giác. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times).

Điều gì sẽ xảy ra trong năm 2020 và sau đó nữa?

Cuộc chiến dân sự giữa các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và lực lượng an ninh đã leo thang không như dự kiến, khiến Bắc Kinh quyết tâm củng cố lực lượng của phe thân Trung Quốc tại Hồng Kông.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn trong một năm qua rõ ràng đã khiến Bắc Kinh muốn nắm lấy quyền kiểm soát nhiều hơn tại Hồng Kông. Chiến thắng áp đảo của các nhân vật chống Bắc Kinh trong cuộc bầu cử địa phương Hồng Kông ngày 24/11/ 2019 cũng có thể là một nguyên nhân.

Việc bổ nhiệm người đứng đầu mới của Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hồng Kông cũng là yếu tố đáng lưu ý trong bối cảnh này. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giữ lại Đặc khu trưởng Carrie Lam, nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ông đã bổ nhiệm ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) 65 tuổi vào vị trí quan trọng nhất ở Hồng Kông.

Ông Lạc, người đến Hồng Kông từ “bên ngoài”, đã có biểu hiện xuất sắc trong việc “làm sạch” tỉnh Sơn Tây đầy tham nhũng. Không có nghi ngờ gì khi ông Tập hy vọng ông Lạc sẽ đạt tiến bộ trong việc “thuần hóa” tình trạng không thể dự đoán trước tại Hồng Kông.

Vào cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan lập pháp “chấp thuận mà không cần suy nghĩ” của Trung Quốc – Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã bật đèn xanh cho Luật an ninh quốc gia mới can thiệp vào Luật Cơ bản của Hồng Kông. Biện pháp này cho phép truy tố bất kỳ người dân Hồng Kông nào tổ chức các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh hoặc đưa ra các tuyên bố chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc.

Những cáo buộc như “phá hoại quyền lực nhà nước” có thể được đưa ra để chống lại những người có quan điểm đối lập như đã áp dụng tại Đại lục.

Luật an ninh quốc gia mới sẽ cung cấp nền tảng để ông Lạc thực hiện việc này.

Đại dịch virus corona mới tại Đại lục đã tạm thời làm phong trào biểu tình tại Hồng Kông lắng xuống. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống Luật an ninh quốc gia mới và sự bất tuân lệnh cấm tụ họp vào ngày 4/6, ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, lại một lần nữa làm nổi bật tình hình căng thẳng tại đặc khu.

Nhà chính trị và là luật sư dân chủ nổi tiếng Hồng Kông Martin Lee nói rằng ông vừa lạc quan vừa bi quan khi nói đến tương lai của Hồng Kông. Ông tin rằng Bắc Kinh sẽ đặt các tòa án độc lập trước đây của Hồng Kông dưới sự kiểm soát của họ, giống như họ đã kiểm soát các nhánh lập pháp và hành pháp.

“Họ (giới trẻ Hồng Kông) nên sẵn sàng kéo dài cuộc chiến này. Họ trẻ hơn những nhà lãnh đạo Trung Quốc, do đó họ có lợi thế. Quan trọng là hiện giờ họ có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Rất nhiều người lớn tuổi cũng đứng về phía họ. Đó là lý do tại sao bất cứ khi nào có cuộc đụng độ, người dân trong khu vực lân cận sẽ bước ra,” ông Lee nói. (T/T)