Nhật Bản và Úc bước vào kỷ nguyên mới khi thỏa thuận quốc phòng có hiệu lực
Quân đội Úc và Nhật Bản giờ đây sẽ có thể hoạt động tại các quốc gia đôi bên sau khi thỏa thuận quốc phòng mới nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh song phương có hiệu lực.
Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ Nhật-Úc, còn được gọi là RAA Nhật-Úc, được ký hồi đầu năm 2022 và được xem là một phần trong nỗ lực ngày càng tăng của các đối tác Bộ Tứ nhằm tăng cường mối liên kết an ninh và chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đây là thỏa thuận lực lượng thăm viếng đầu tiên mà Nhật Bản ký kết trong hơn 60 năm qua, sau hiệp ước an ninh với Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận này, các phi cơ F-35 của Nhật Bản sẽ được khai triển tới Căn cứ Không quân Tindal của RAAF, ngay bên ngoài Darwin, trong khi các phi cơ F-35 của Úc sẽ được gửi đến Nhật Bản vào đầu tháng Chín.
Phó Thủ tướng Richard Marles cho biết thỏa thuận này sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai lực lượng quốc phòng và cho phép hợp tác chặt chẽ hơn trong khi “tăng cường năng khả của cả ADF và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.”
Ông Marles nói: “Cả Úc và Nhật Bản đều nhận ra sự phức tạp ngày càng gia tăng trong môi trường an ninh của chúng ta và nhu cầu phát triển mối quan hệ đối tác của chúng ta để trợ giúp cho một khu vực ổn định và thịnh vượng.”
Việc tăng cường mối liên kết này diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nhận xét tại các cuộc đàm phán Đối thoại AUSMIN ở Brisbane hồi tháng Bảy rằng cả Hoa Kỳ và Úc đang tìm cách đưa Nhật Bản vào các chiến lược phòng thủ tương ứng của họ và các tình thế dùng vũ lực sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc gia tăng hành vi bắt nạt.
Trong bài diễn văn khai mạc tại cuộc đàm phán, ông Austin lưu ý rằng cả Úc và Hoa Kỳ đều lo ngại về việc Trung Quốc rời xa trật tự dựa trên luật lệ, đặc biệt là ở các vùng lãnh thổ trên biển.
Ông Austin nói: “Chúng ta cố gắng đạt tới một khu vực mà tất cả các quốc gia đều an toàn và thịnh vượng, nơi mà các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế, và nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình mà không có sự cưỡng bách.”
“Cả hai quốc gia chúng ta đều lo ngại về những nỗ lực đi chệch ra khỏi những nguyên tắc này của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng ta đã và đang chứng kiến sự cưỡng bách đáng lo ngại của CHND Trung Hoa từ Biển Đông, đến Biển Nam Hoa, cho đến ngay tại Tây Nam Thái Bình Dương, và chúng ta sẽ tiếp tục trợ giúp cho các đồng minh và đối tác của chúng ta khi họ tự bảo vệ mình trước hành vi bắt nạt.”
Úc lần đầu tiên tổ chức tập trận chiến tranh hải quân của Bộ Tứ
Sự khởi đầu của RAA diễn ra khi các lực lượng quốc phòng của Nhật Bản, Ấn Độ, và Hoa Kỳ đến Sydney, Úc, để tham gia Cuộc tập trận Malabar lần thứ 27 của Hiệp ước Bộ Tứ (Quad Pact).
Malabar được xem là cuộc tập trận quân sự quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng giao tiếp giữa các đối tác khu vực tham gia. Cuộc tập trận sẽ diễn ra trên bờ biển phía đông nước Úc từ ngày 10/08 đến ngày 21/08.
“Thật vinh dự khi lần đầu tiên tổ chức Cuộc tập trận Malabar ngay tại nước Úc,” ông Marles nói. “Trong hoàn cảnh chiến lược hiện nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta hợp tác với các nước láng giềng của mình và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác quốc phòng.”
“Hợp tác, có chung hiểu biết, và kiến thức cùng với việc huấn luyện sẽ góp phần tạo nên an ninh và thịnh vượng chung cho khu vực của chúng ta.”
Trong khi đó, Chỉ huy trưởng Hải quân Hoàng gia Úc, Phó Đô đốc Mark Hammond, nói rằng các cuộc tập trận mang đến cho các đối tác Bộ Tứ sự huấn luyện quan trọng để họ có thể hoạt động như một đội hoạt động ở mức độ cao.
Ông nói: “Cuộc tập trận quý giá này mang đến nhiều cơ hội để người của chúng ta làm việc và huấn luyện cùng nhau, để sẵn sàng trở thành những đội hoạt động ở mức độ cao sẵn sàng đối mặt với những thách thức phức tạp trong lĩnh vực hàng hải.”
“Cuộc tập trận Malabar là một sự đầu tư vào mối quan hệ giữa Hải quân với Hải quân của Úc, cũng như mối quan hệ giữa 4 lực lượng Hải quân liên quan. Bằng cách này, chúng tôi bổ sung cho các nỗ lực ngoại giao để tăng cường mối bang giao trong khu vực của chúng ta và đóng góp cho một khu vực dựa trên lòng tin và sự tôn trọng.”
Tại một cuộc họp báo ở Sydney, Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết cuộc tập trận này “không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào” và sẽ cải thiện khả năng phối hợp với nhau của 4 lực lượng.
Ông Thomas nói: “Sự răn đe mà bốn quốc gia của chúng ta đưa ra khi chúng ta hoạt động cùng nhau như một Bộ Tứ là nền tảng cho tất cả các quốc gia khác hoạt động trong khu vực này.”
“Châu Đại Dương, các quốc đảo nằm ngay phía đông bắc nước Úc … tất cả các quốc gia của chúng ta hiện đang tập trung vào những quốc gia đó,” ông nói thêm. (T/H, ETV)