Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

HRW: Nhân quyền Quốc tế phản đối các bản án tàn bạo đối với dân Đồng Tâm

HÀ NỘI – Ngay sau khi tin tức về những bản án tuyên đối với 29 người dân Đồng Tâm được đưa ra, đại diện Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights watch-HRW) và Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cùng đưa tuyên bố với nội dung phản đối những bản án cũng như vụ xử này.

Vào chiều Thứ Hai ngày 14 tháng 9, tòa án Hà Nội công bố án tử hình đối với ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Ngoài ra ông Lê Đình Doanh là con của ông Công cũng bị tuyên án tù chung thân trong phiên tòa mà nhiều luật sư đã chỉ trích là có nhiều sai sót về mặt tố tụng.

Hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức cho biết sẽ kháng án.

Ba người khác cùng bị cáo buộc tội danh giết người là ông Bùi Viết Hiểu bị 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và ông Nguyễn Văn Tuyển là 12 năm tù giam.

Những người dân này bị cáo buộc gây cái chết cho ba cán bộ công an trong số hơn 3 ngàn quân tấn công vào xã Đồng Tâm rạng sáng 9-1-2020, với lý do là để bảo vệ quân đội xây tường rào sân bay Miếu Môn và các mục tiêu quan trọng trong xã. Về phía người dân, cụ Lê Đình Kình bị lực lượng công an giết chết.

HRW calls for charges against activists to be dropped | Free Malaysia Today
Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Khu Vực Á Châu của HRW.

Sau khi nghe tuyên án, ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Khu Vực Á Châu của HRW trụ sở tại New York tuyên bố, “Những bàn án nặng nề, trong đó có hai án tử hình, tuyên đối với các bị cáo Đồng Tâm không hề gây ngạc nhiên. Cũng giống tất cả mọi cấp tòa xử khác, tòa án Hà Nội không hề độc lập vì hội đồng xét xử phải đưa ra những phán quyết được định trước do đảng cộng sản.

“Giới cai trị tại Việt Nam đang đi bước ngược lại nhằm chứng tỏ bộ mặt cứng rắn nhất có thể đối với những người dân làng Đồng Tâm. Lý do chỉ vì giới lãnh đạo Việt Nam lo lắng tính phản kháng, thách thức của cộng đồng dân làng có thể truyền lan ra dù rằng người dân Đồng Tâm phải bị những hình phạt nặng nề nhất.”

Các nạn nhân trong vụ đàn áp cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm bị kết án ngày 14 Tháng Chín, 2020. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Ông Phil Robertson nêu rằng Đại Hội Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn ít tháng nữa sẽ diễn ra, và phiên xử diễn ra vội vàng dưới sự kiểm soát của đảng để tuyên án nặng nề đối với các bị cáo. Tiến trình tố tụng bị vị phạm nghiêm trọng, cố tình gây hại đến công tác xét xử công bằng.

Theo HRW thì Việt Nam một lần nữa cho thế giới thấy họ đang cùng với Trung Cộng áp dụng án tử hình, một loại hình phạt độc ác không nên áp dụng cho bất cứ ai, mà nhất là đối với dân làng đã đứng lên để bảo vệ đất đai của họ.

Ông Lê Đình Công, nạn nhân của vụ cưỡng chế đất Đồng Tâm nhưng bị chế độ Hà Nội kết án tử hình. (Hình: TTXVN)

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cũng lên tiếng cho rằng những bản án vô nhân đạo được đưa ra sau một phiên xử hoàn toàn không công bằng. Ân Xá Quốc tế cũng phản đối án tử hình trong bất cứ mọi trường hợp, không hề có ngoại trừ dù người bị tuyên án là ai, bản chất và tình huống phạm tội là gì đi chăng nữa.

Ngoài sáu người nêu trên, 23 bị cáo còn lại đã bị buộc tội “chống người thi hành công vụ” và bị những bản án 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam. Theo luật sư Lê Văn Luân có 13 người lãnh án tù treo và được trả tự do ngay tại phiên toà.
Riêng trường hợp bà Bùi Thị Nối bị tăng hình phạt. Phía công tố (viện kiểm sát) đã đề nghị từ 4 đến 5 năm tù giam cho bà, nhưng tòa phán quyết 6 năm tù.

Ông Lê Đình Chức, nạn nhân của vụ đàn áp nhưng bị chế độ Hà Nội kết án tử hình. (Hình: Thanh Niên)

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho những người dân Đồng Tâm, đưa ra ý kiến về các bản án với đài RFA, “Tôi không biết phải nhận xét như thế nào nhưng mà bây giờ hôm ở tòa tôi cũng đã nói nói rồi, trong vụ án này đã có 4 người chết rồi cần phải điều tra xem xét lại 4 cái chết đó.

“ Chưa có đủ căn cứ 3 người đó chết là do ông Công, ông Chức và những người khác. Bây giờ nếu chúng ta thêm hai án tử hình và một án chung thân nữa thì tôi cho rằng đó là một bản án không tiếp tục thuyết phục!”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến sống tại Hà Nội nói với đài RFA, “Tôi bảo cả đảng Cộng Sản này nó điếc và nó mù hết rồi! Bởi vì nó điếc và nó mù cho nên là nó chỉ áp đặt ý muốn của nó mà thôi, và như thế đó là một bọn hết sức tàn bạo, vô nhân đạo, phản dân.”

Tòa án Hà Nội mở phiên xét xử đối với 29 người dân với cáo buộc “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ, từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 9 tuần qua.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trương Việt Toàn từ chối triệu tập chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (đang bị tạm giam trong một vụ án tham nhũng), đại diện Bộ Quốc Phòng và công an thành phố Hà Nội. Thẩm nói là mấy người này “không liên quan đến vụ án.”

Mặc dù sau đó đại diện công an thành phố Hà Nội đã có mặt, trong khi một số nhân chứng như bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình không được triệu tập tới tòa.

Có 19 trong 29 bị cáo cho biết bị bức cung, nhục hình trong đó ông Lê Đình Công nói “bị đánh mười ngày như một.”

Khi nói lời sau cùng, có gần 20 người dân có phát biểu gần giống nhau khi cùng xin được hưởng mức án khoan hồng, gửi lời cảm ơn giám thị trại tạm giam giáo dục giúp họ nhận ra lỗi lầm.

Ngay khi vụ việc ngày 9-1-2020 xảy ra, vợ ông Lê Đình Kình và một số nhân sĩ trí thức ở Hà Nội đã gửi đơn tố cáo vụ án giết người xảy ra ở Đồng Tâm đối với ông Lê Đình Kình nhưng không được xem xét do công an Hà Nội cho rằng “nội dung đơn không đúng sự thật”.

Cũng trong ngày 14 tháng 9, bà Dư Thị Thành, vợ góa của cụ Lê Đình Kình, người bị lực lượng chức năng bắn chết tại nhà vào rạng sáng ngày 9 tháng 1, đã công bố đơn tố cáo khẩn cấp.

Đơn được gửi đến ba lãnh đạo Việt Nam hiện nay gồm Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và Bộ Trưởng Công An Tô Lâm.

Nội dung đơn tố cáo nêu đích danh thiếu tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công An Việt Nam khi gọi ông Lê Đình Kình là “địa chủ, cường hào mới.”

Bà Dư Thị Thành nói rằng khi người phát ngôn Bộ Công An có cáo buộc như trên thì ông Lê Đình Kình chưa hề bị khởi tố với bất cứ tội danh nào. Ngoài ra cho đến khi bị lực lượng chức năng bắn chết ông Kình cũng chưa hề có tiền án nào. Ông chỉ là một người trung thành với Đảng Cộng Sản mà rồi vẫn bị đảng giết chết chỉ vì chống tham nhũng.

Bà Dư thị Thành nêu rõ vào khi Đơn Tố Cáo Tội Giết Người mà bà gửi đến các cơ quan thẩm quyền vào ngày 3 tháng 3 vừa qua đến nay vẫn chưa được giải quyết thì ông thiếu tướng Tô Ân Xô lại xúc phạm đến chồng bà.

Bà Thành yêu cầu Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội và Bộ Trưởng Công An hãy xác minh, làm rõ thái độ của Tô Ân Xô là vu khống đối với người đã khuất. Do đó ông Tô Ân Xô phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về phát ngôn bị cho là không có căn cứ đó.

Ngoài ra bà Dư Thị Thành còn đề nghị Bộ Công An giải thích cho tất cả mọi người khái niệm “địa chủ, cường hào” thời đại hiện nay bao gồm những yếu tố gì. (V/D)