Wednesday, September 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhà Thơ, Nhà Đấu tranh Thi Vũ Võ Văn Ái qua đời tại Paris


Cáo Phó

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR)

Cơ sở Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam

vô cùng thương tiếc báo tin:

Nhà Thơ, Nhà Đấu tranh Thi Vũ Võ Văn Ái
Pháp danh Nguyên Thái

Sinh ngày 19 tháng 10 năm 1935 tại Việt Nam
Từ trần ngày 26 tháng 1 năm 2023 tại Paris, Pháp quốc

Hưởng thọ 88 tuổi

Thi Vũ Võ Văn Ái là nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo. Cuối năm 1975 tại Paris, sáng lập và Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và đã là Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), Giáo hội bị đàn áp tại Việt Nam.

Từ năm 1964, đại diện cho GHPGVNTN trên thế giới để nói lên quan điểm nhân quyền, dân chủ và hòa-bình- không-Cộng-sản của Phật giáo trong bối cảnh mà phong trào phản chiến khuynh tả quốc tế chỉ ủng hộ cho cuộc nội chiến do Hà Nội lãnh đạo. Thành quả là đã tạo được một phong trào hòa bình thế giới ủng hộ cho nhân dân Miền Nam thay vì chỉ ủng hộ Bắc Việt vả Mặt trận Giải phóng Miền Nam, một công cụ của Đảng bộ cộng sản miền Nam.

Sau năm 1975, ông Võ Văn Ái đóng vai trò tiên phong trên trường quốc tế để nói lên thảm trạng nhân quyền, đàn áp tôn giáo, tù nhân Cải tạo và người Vượt Biển, được báo chí Âu Mỹ đăng tải như những thông tin duy nhất thời bấy giờ. Bức thư ngỏ gửi ông Phạm Văn Đồng tháng tư 1976 đã biến chuyến công du Pháp của ông Đồng thành cuộc tra vấn của báo chí Pháp về Trải Cải tạo. Cuộc họp báo đầu tiên do Quê Mẹ tổ chức tại Paris ngày 28.5.1978 thu hút 60 ký giả, tuyền hình, truyền thanh Âu, Mỹ, Á, chuyển công luận khuynh tả Âu Mỹ ủng hộ Hà Nội thành phong trào mới chống Hà Nội vi phạm nhân quyền. Một bản đồ Việt Nam lần đầu tiên được cơ sở Quê Mẹ công bố ghi rõ địa danh 150 Trại Cải tạo trên toàn quốc với số lượng tám trăm nghìn (800.000) tù nhân gây chấn động lương tri nhân loại.

Thi Vũ Võ Văn Ái –Hình của Nhiếp ảnh gia Na Uy Hans Jørgen Brun

Ngày 28.11.1978, cơ sở Quê Mẹ xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” trong cuộc họp báo tại Paris đưa tàu Đảo Ánh Sáng ra Biển Đông vớt Người Vượt Biển làm cho toàn thế giới quan tâm tới thảm trạng Người Vượt Biển và khiến LHQ phải triệu tập Hội nghị về Người Vượt Biển tại Genève, tại đây Phái đoàn Hà Nội do ông Mai Văn Bộ cầm đầu phải đối diện với Phái đoàn Quê Mẹ do ông Võ Văn Ái hướng dẫn. Năm 1985 ông Võ Văn Ái đến trụ sở LHQ ở Nữu Ước khởi tố vụ kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị. Một hồ sơ 500 trang lần đầu tiên được LHQ thụ lý. Vụ kiện gây chấn động thế giới qua các báo Newsweek, Wall Street Journal, Le Monde, Express… cũng như báo chí khắp thế giới, vào lúc Hà Nội tổ chức ăn mừng 10 năm chiến thắng và mời 200 nhà báo quốc tế về Saigon.

Ông Võ Văn Ái là chuyên gia nhân quyền và tôn giáo, từ năm 1986 đến 2021, mỗi năm ông đến LHQ họp Ủy hội Nhân quyền LHQ (nay là Hội đồng Nhân quyền LHQ), phát biểu và cập nhật hồ sơ Nhân quyền LHQ. Hoạt động của ông Võ Văn Ái đã ba lần khiến LHQ phải gửi 3 phái đoàn về điều tra Việt Nam : 1995, Tổ Hành động Chống bắt bớ trái phép do Luật sư Louis Joinet về Việt Nam điều tra các nhà tù và việc băt bớ trái phép từ Bắc đến Nam ; năm 1998, Báo cáo viên LHQ, Đặc nhiệm bất bao dung tôn giáo, Giáo sư Abdelfatta Amor về Việt Nam điều tra đàn áp tôn giáo; 2014, Báo cáo viên LHQ, Đặc nhiệm tự do tôn giáo, Giáo sư Heiner Bielefeldt về Việt Nam điều tra đàn áp tôn giáo. Ông cũng viết nhiều sách về vấn đề tôn giáo và nhân quyền xuất bản tại Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Nhật Bản…

Ông Ái thường xuyên đã đến điều trần về tình trạng nhân quyền và tôn giáo tại Quốc hội Hoa Kỳ và Quốc hội Châu Âu. Ông cũng đóng góp đấu tranh cho tiến trình dân chủ hóa toàn cầu và là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc tế Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, và Đồng chủ tịch Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu.

Diễn từ Khai mạc Hội luận Tôn giáo tổ chức tại Washington DC, Hoa Kỳ, tháng 7 năm 2018 của Cư sĩ Võ Văn Ái –Hình Quê Mẹ.

Ngoài những bài viết đăng khắp nơi trên thế giới, ông Võ Văn Ái là tác giả của 21 cuốn sách thơ, văn, biên khảo xuất bản tại Saigon, Paris, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn, Nhật Bản, Ý.

Năm 2011, ông Võ Văn Ái được Società Libera trao tặng “Giải đặc biệt Quốc tế về Tự Do” cho quá trình lâu đời ông phục vụ cho Tự do và Nhân quyền, dưới sự bảo hộ cao qúy của Tổng thống Ý Đại Lợi và cũng là đối tác của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), nhằm vinh danh “Người Ý hay những nhân vật quốc tế hay các thiết chế đã chứng tỏ xuất sắc, của mỗi người trên lĩnh vực của mình, làm thăng tiến lý tưởng tự do”. Giải thưởng được trao cho nhiều thành phần như văn hóa, nghiên cứu khoa học, báo chí và quản trị tốt chính quyền, và một Giải đặc biệt cao nhất về Tự do. Những người được vinh danh giải trong quá khứ gồm có Tổng thống Ba Lan, Lech Walesa, Lãnh tụ Đại hội Thế giới Uyghur, bà Rebiya Kadeer…

Khi hay tin, nhiều nhân vật quốc tế đã gửi thông điệp chia vui đến cơ sở Quê Mẹ. Chúng tôi xin đăng tải sau đây một số thông điệp tiêu biểu :

Bà Mairead Corrigan Maguire, Giải Nobel Hòa bình, Ái Nhĩ Lan

“Tôi có niềm vui lớn chúc mừng anh Võ Văn Ái nhân dịp Società Libera trao “Giải đặc biệt Quốc tế về Tụ Do”. Giải này hết sức xứng đáng, vì anh Võ Văn Ái đã dâng hiến cả đời trong sự can cường, thương mến và kiên trì phục vụ cho nhân quyền, dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Tôi xin góp lời tôi với rất đông bằng hữu của anh Võ Văn Ái ở Việt Nam và vòng quanh thế giới để cùng chúc mừng và cám ơn anh Võ Văn Ái, thông qua cuộc đời gây cảm hứng của anh và những việc anh làm cho Việt Nam và nhân loại”.

Ông Võ Văn Ái phát biểu tại Hội trường LHQ ở Genève –Hình Quê Mẹ.

Ông Carl Gershman, Chủ tịch Tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, Hoa Thịnh Đốn

“Anh Võ Văn Ái chính thực là quán quân của lý tưởng tự do. Đã qua những năm dài, đen tối từ khi Miền Nam Việt Nam thất thủ năm 1975, anh Võ Văn Ái đã làm cho thế giới nhớ tới trách vụ của mình đối với nhân dân Việt Nam và sự khước từ kiên định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quyết không khuất phục để chế độ độc tài toàn trị kiểm soát. Anh luôn luôn nói và hành động với nhân phẩm tự tại, nhưng anh không nhượng bộ trong quyết tâm bảo vệ quyền chính trị và quyền tín ngưỡng của người dân Việt. Anh có sự can cường trong niềm tin và sắt đá trong ý chí. Ai ai trong Phong trào Dân chủ Thế giới cũng tôn kính anh, và nhân danh Tổ chức Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, tôi đón mừng anh và chúc mừng anh nhân dịp nhận Giải Quốc tế về Tự do. Chẳng ai xứng đáng hơn trong sự vinh danh này”.

Ông Thor Halvorssen, Chủ tịch sáng lập Diễn Đàn Tự do Oslo, Chủ tịch Sáng hội Nhân quyền, New York

“Anh Võ Văn Ái đã dâng hiến đời anh trong cuộc đấu tranh bất bạo động cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Là một trong những nhà lãnh đạo dám lên tiếng và kiên quyết nhất trong phong trào dân chủ cho quê hương anh. Anh Võ Văn Ái là người đầu tiên làm cho thế giới quan tâm tới hơn nửa triệu người bị võ đoán bắt giam “Trại Cải tạo”. Với cuộc dấn thân không dời chuyển cho công lý, anh gây cảm hứng cho những ai đấu tranh cho nhân quyền vòng quanh địa cầu. Giải thưởng này thật xứng đáng dành cho anh đồng thời phát hiện sự uyên thâm của những ai đã chọn anh. Tôi góp mặt với các bạn trong lễ mừng anh Võ Văn Ái – cột trụ trong cuộc đấu tranh cho nhân phẩm – và hy vọng những kẻ đồng tâm can đảm tại Việt Nam sẽ được khuyền khích rằng số phận bi thảm của họ dưới chế độ ác độc ngày càng được thế giới thừa nhận”.

Bà Souhayr Belhassen, Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Paris

“Nhân danh Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), tôi chào mừng anh vừa được “Giải đặc biệt Quốc tế lần thứ 9 về Tự Do” mà tổ chức Societa Libera bên Ý trao tặng. Thật là một vinh sự được cộng tác với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của anh để cho Việt Nam phải tôn trọng các quyền cơ bản.

“Cuộc đấu tranh cho tự do thực sự ở Việt Nam đang tiếp diễn. Nhà cầm quyền Việt Nam đã lấy những biện pháp khắc khe ngăn chặn sự trỗi dậy của xã hội dân sự, và những ai kêu gọi cho nhân quyền, dân chủ đều bị bịt họng, đàn áp, hăm dọa hay bắt giam. Trong bóng tối của sự lặng câm do chính phủ Việt Nam củng cố, điều quan trọng hơn cả là sự lên tiếng của những nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam được nghe khắp nơi trên toàn quốc, trong khu vực và trên toàn thế giới.

“Do đó, Giải Quốc tế Tự do là sự công nhận rất xứng đáng về những nỗ lực không mệt mỏi của anh để yêu sách mọi người phải tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cũng như đóng góp tiếng nói mạnh mẽ cho đa số thầm lặng tại Việt Nam, nơi ngưỡng vọng và hành xử cho những tự do cơ bản gặp nhiều hiểm nguy to lớn.

“Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền sẽ tiếp tục kiên định đứng bên anh và tất cả những người Việt Nam bảo vệ nhân quyền, hậu thuẫn việc anh làm sáng tỏ cuộc đàn áp tự do tại Việt Nam và yêu sách chính quyền phải tôn trọng những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của họ”.

Ông Robert LaGamma, Chủ tịch Hội đồng thuộc Cộng đồng các quốc gia Dân chủ, Hoa Kỳ

“Tôi rất hài lòng được tin anh nhận Giải Quốc tế Tự do tại Ý cho cuộc đời anh phục vụ nhằm thăng tiến lý tưởng nhân quyền. Tôi nói thay cho tất cả các bạn của anh trong Ban Thường vụ Quốc tế Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, rằng chúng tôi rất tự hào để cùng anh trong giây phút này, giây phút mà anh được thừa nhận các đóng góp của anh. Chúng tôi chỉ biết tưởng tượng ra biết bao là khó khăn anh gặp phải trong bao nhiêu năm trường dấn thân cho một dân tộc bị áp chế. Cuộc đấu tranh của anh thật dũng cảm, trái ngược với con người khiêm tốn và tự quên mình của chính anh. Sự thừa nhận cuộc dấn thân bất khuất của anh sẽ là tín hiệu khích lệ cho những ai đang hậu thuẫn các quyền cho người dân bình thường ở bất cứ đâu”.

Bà Therese Jebsen, Chủ tịch Sáng hội Rafto, Na Uy

“Nhân danh Sáng hội Rafto, chúng tôi xin biểu tỏ lời chúc mừng nồng hậu đến anh Võ Văn Ái. Thật là xứng đáng cho anh nhận “Giải Quốc tế Tự do” năm 2011. Qua bao nhiêu năm, Sáng hội Rafto đã theo dõi và hỗ trợ cho công trình không mệt mỏi và tự thân chịu hy sinh của anh cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Qua tinh thần cao cả đầy phẩm chất, khả năng, kiên trì, và can cường của anh Võ Văn Ái, anh đã tác động sâu sắc chúng tôi, và chúng tôi thật lấy làm hân hạnh và tự hào để có thể cất lời chào mừng anh trong thời điểm đặc biệt hôm nay”.

Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu, Đài Loan

“Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu (WFDA) nồng nhiệt chào mừng anh Võ Văn Ái, Chủ tịch Diễn Đàn Dân chủ Á châu, (là thành viên trong Ban Thường vụ của Diễn Đàn Thế giới Dân chủ hóa Á châu) vừa được trao “Giải Quốc tế Tự do” năm 2011 (…) Chúng tôi tin rằng giải này phù hợp cho sự biểu lộ lòng cảm phục anh qua bao nhiêu thập niên quên mình phục vụ cho lý tưởng tự do, dân chủ và hòa bình cho quê hương anh cũng như trong các khu vực thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng giải này sẽ làm cho thế giới biết thêm về tình trạng nhân quyền khốc liệt đang tiếp diễn tại Việt Nam cũng như tăng cường tình liên đới toàn cầu giữa những người đấu tranh bảo vệ tự do và nhân quyền”.

Dân biểu Quốc hội Ý, Ông Matteo Meccaci, Báo cáo viên về Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Nhân đạo của Hội đồng An ninh và Hợp tác thuộc 56 Quốc hội ở Châu Âu, Trung Á và Châu Mỹ

“Hoan nghênh anh ! Tôi nói thật với anh, rằng anh là nguồn cảm hứng cho chúng tôi từ bao nhiêu năm trường. Cuộc tranh đấu kiên cường của anh cho tự do, theo tinh thần bất bạo động, mặc biết bao nỗi khó khăn, kể cả sự kiện “thế giới tự do” chấp nhận Việt Nam như một đối tác chiến lược cho việc phát triển kinh tế. Cuộc tranh đấu kiên cường của anh cho tự do phải được công nhận và ghi nhớ ngày nào dân Việt được hưởng Tự do, ngày đó chúng tôi sẽ có mặt bên anh [nơi quê hương anh]”.

Ông Georges Matthews, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, New Delhi, Ấn Độ

“Xin anh hãy nhận lời chào mừng nồng nhiệt của tôi. Từ ngày tôi gặp anh lần đầu, tôi đã hết lòng kính ngưỡng cuộc đấu tranh không nao núng của anh cho tự do và dân chủ. Sự thừa nhận quốc tế hôm nay đối với suốt cuộc đời anh làm cho tất cả chúng tôi tự hào. Anh đang đóng vai trò gương mẫu cho những ai đấu tranh cho tự do và bình đẳng”. (T/H, VCHR)