Nhà nghiên cứu bác bỏ tuyên bố sai sự thật rằng nghiên cứu cho thấy vắc-xin ngừa COVID gây ra bệnh AIDS
Tom Wark
Ngày 25 tháng 3 năm 2025
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Một nghiên cứu mới cho thấy vắc-xin mRNA có thể khiến con người mắc bệnh AIDS.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Sai. Nghiên cứu phát hiện ra những khác biệt nhỏ về miễn dịch, và không liên quan đến vắc-xin.

AAP FactCheck – Một nghiên cứu về mô hình miễn dịch ở những người đã chích vắc-xin không cho thấy các mũi chích mRNA gây ra bệnh AIDS, bất chấp những tuyên bố trên mạng.
Nghiên cứu đã quan sát thấy những khác biệt nhỏ về miễn dịch ở một số người tham gia, mà theo tác giả là không giống với AIDS, và nghiên cứu không phát hiện ra rằng các vắc-xin gây ra những khác biệt đó.
Tuyên bố đó xuất hiện trong một bài đăng trên Facebook chia sẻ ảnh chụp màn hình bài đăng trên X, với nội dung: “Vâng, Yale vừa xác nhận điều mà chúng ta đã nói sẽ xảy ra trong nhiều năm. Các mũi chích mRNA đang khiến mọi người mắc bệnh AIDS.
“66% số người tham gia, [khoảng] 585 ngày sau khi chích, có mức tế bào T CD4 thấp hơn một nửa so với mức cần thiết.”

Nghiên cứu tiền xuất bản của Đại học Yale năm 2025 được đề cập trong bài đăng đó đã xem xét các đặc điểm miễn dịch của hội chứng hậu chủng ngừa (post-vaccination syndrome – PVS), một tập hợp các triệu chứng mãn tính được báo cáo bởi một số ít người sau khi chích vắc-xin ngừa COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh máu của 42 người báo cáo mắc PVS, chưa được cơ quan y tế chính thức công nhận, với máu của 22 người trong nhóm đối chứng khỏe mạnh đã được chích vắc-xin.
Các nhóm đối tượng nghiên cứu bao gồm những người đã được chích vắc-xin mRNA cũng như vắc-xin vectơ vi-rút.
Nghiên cứu quan sát thấy sự khác biệt nhỏ về miễn dịch giữa hai nhóm, bao gồm hai loại tế bào máu: Tế bào t CD4 có mức thấp hơn và tế bào t CD8 TNFa+ có mức cao hơn.
“Những phát hiện này cho thấy những khác biệt tiềm ẩn về miễn dịch ở những cá nhân mắc PVS, cần được nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về tình trạng này và cung cấp thông tin cho các nghiên cứu trong tương lai về các phương pháp chẩn đoán và điều trị,” báo cáo kết luận.
Đồng tác giả nghiên cứu Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học của Đại học Yale, cho biết những khác biệt nhỏ được quan sát thấy ở tế bào t giữa những người tham gia có PVS không giống với những trường hợp mắc bệnh AIDS.
“Tuy nhiên, không có thay đổi nhỏ nào trong số này được coi là ‘suy giảm’ tế bào T và chắc chắn không phải là dấu hiệu của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS),” bà nói với AAP FactCheck.

Tiến sĩ Iwasaki cho biết, ở bệnh AIDS, mức độ tế bào t, được gọi là bạch cầu, giảm 200 tế bào trên một milimét khối, nhưng những người tham gia mắc PVS có số lượng tế bào t trong “mức bình thường”.
Bà cho biết: “Không có số lượng bạch cầu nào khác biệt giữa nhóm mắc PVS và nhóm đối chứng,”
Nghiên cứu lưu ý rằng không thể loại trừ chắc chắn rằng những người tham gia chưa từng bị nhiễm COVID-19 trong quá khứ xa.
Tiến sĩ Iwasaki xác nhận rằng “nghiên cứu nhỏ” này không phát hiện ra rằng các vắc-xin ngừa COVID-19, chẳng hạn như vắc-xin mRNA, đã gây ra sự khác biệt về khả năng miễn dịch được quan sát thấy trong nhóm mắc PVS.
“Cần có các nghiên cứu lớn hơn để xác thực những phát hiện này. Nghiên cứu của chúng tôi không khẳng định rằng các vắc-xin đang gây ra những thay đổi miễn dịch,” bà nói.
“Chúng tôi đang báo cáo rằng đây là những gì chúng tôi quan sát thấy ở những người mắc PVS.”
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần nghiên cứu thêm để phân biệt giữa “kết quả có ý nghĩa và biến động ngẫu nhiên trong dữ liệu”. (AAP)