Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam – Nhà báo độc lập, tác giả một số sách nổi tiếng, Phạm Đoan Trang, bị nhà cầm quyền CSVN bắt vào buổi tối Thứ Ba, 6 Tháng Mười, ở Sài Gòn.

Nhiều facebooker loan báo tin này trên trang cá nhân vào hôm 7 Tháng Mười, giờ Việt Nam: “Chị Phạm Đoan Trang đã bị công an đọc lệnh bắt lúc 23 giờ 30 đêm hôm qua tại nhà trọ.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang với cuốn sách nổi tiếng “Chính Trị Bình Dân” được bán cả trên mạng Amazon. (Hình: FB Phạm Đoan Trang)

Theo trang facebook Phạm Thanh Nghiên, một ngày sau khi Phạm Đoan Trang bị bắt, hôm 7 Tháng Mười cũng “là ngày thứ 2 và cũng là phiên cuối cùng diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ.”

Vẫn theo trang này, Phạm Đoan Trang bị cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo điều 117 (Bộ Luật Hình Sự 2015).

Blogger Phạm Đoan Trang của Việt Nam được nhận giải Tự do Báo chí năm 2019. Photo RSF.
Blogger Phạm Đoan Trang của Việt Nam được nhận giải Tự do Báo chí năm 2019. Photo RSF.

Phạm Thanh Nghiên, bạn đấu tranh dân chủ của Phạm Đoan Trang, cho hay: “Trong nhiều lần tâm sự, tôi và Phạm Đoan Trang đều đề cập đến chuyện cô ấy sẽ bị bắt. Vấn đề là vào thời điểm nào mà thôi. Trang luôn tỏ ra bình thản. Điều lo lắng lớn nhất (tất nhiên) là về mẹ cô ấy. Bà cụ đã 80 tuổi và xa con suốt ba năm nay. ‘Tôi chưa tù mà đã lấy của mẹ tôi những ba năm rồi, ông ạ (cách gọi thân mật).’ Trang nói với tôi, vẻ day dứt và khổ sở.”

Phạm Thanh Nghiên cũng như nhiều người và ngay cả Phạm Đoan Trang cũng hiểu chuyện cô bị chế độ Hà Nội bắt bỏ tù để trả thù cho những chuyện cô làm chống chế độ CSVN là điều khó thoát.

Trang bìa Báo cáo Đồng Tâm, phiên bản thứ ba, công bố ngày 25-9-2020.
Trang bìa Báo cáo Đồng Tâm, phiên bản thứ ba, công bố ngày 25-9-2020. Nội dung của ấn phẩm – dày 128 trang bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, được công bố hồi cuối tháng 9 – nói về vụ đụng độ giữa công an và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hồi đầu tháng 1/2020 do tranh chấp đất đai, khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, và ba công an thiệt mạng.

Phạm Đoan Trang, năm nay 42 tuổi, là một blogger nổi tiếng khi chưa có Facebook và trở thành một facebooker có hàng ngàn người theo dõi qua các bài viết sắc sảo về tình hình thời sự Việt Nam. Từng làm phóng viên cho một số báo nhà nước trước khi tham gia đấu tranh dân chủ hóa đất nước, cô được coi như cái gai trong mắt chế độ Hà Nội.

Cách đây hơn một năm, Phạm Đoan Trang để lại một bức thư, đề ngày 27 Tháng Năm, 2019, cho bạn bè trong giới đấu tranh với tựa đề “Nếu Tôi Có Đi Tù…” vừa được facebooker Will Nguyễn công bố.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố giải Tự do Báo chí Tầm ảnh hưởng cho nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 12/09/2019. Photo chụp từ Facebook Le Trung Khoa.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố giải Tự do Báo chí Tầm ảnh hưởng cho nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 12/09/2019. Photo chụp từ Facebook Le Trung Khoa.

Ngay dòng đầu tiên của bức thư, Phạm Đoan Trang viết: “Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.”

Trong bức thư, Phạm Đoan Trang cũng lưu ý thêm “xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ hai con mẹ đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều: xin bảo vệ họ.”

“Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tin tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.”

Phản Kháng Phi Bạo Lực, sách của Phạm Đoan Trang
Phản Kháng Phi Bạo Lực, sách của Phạm Đoan Trang. Nhà hoạt động nữ nêu ra những cuốn sách bà mong phổ biến nhiều nhất là Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực, Chúng ta làm báo, Politics of a Police State, và các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

Suốt ba năm qua, Phạm Đoan Trang đã phải thay đổi chỗ ở liên tục, tránh né sự săn đuổi của công an, từng bị đánh đập nhiều lần rất dã man, cuối cùng thì bị bắt.

Phạm Đoan Trang là tác giả của những tập sách “Chính trị bình dân,” “Phản kháng phi bạo lực,” Cẩm nang nuôi tù,” “Politics of a Police State,” “Cách làm kách mệnh.” Tất cả đều in lậu tại Việt Nam và phải phát hành lén lút.

Mọi đầu sách đều được xuất bản dưới danh nghĩa của “Nhà Xuất Bản Tự Do” mà cô là một trong những người chủ xướng. Người giao sách cũng như người đọc khi bị khám phá đều bị công an bắt giữ, đánh đập dã man.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang (ôm đàn) và facebook Phạm Thanh Nghiên. (Hình: FB Phạm Thanh Nghiên)

Đầu năm nay, Phạm Đoan Trang cùng một số người viết và công bố tập tài liệu về cuộc đàn áp của nhà cầm quyền CSVN tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Ngày 29 Tháng Chín, cô còn viết trên trang Facebook là, “Bản báo cáo Đồng Tâm lần thứ nhất được công bố ngày 16 Tháng Giêng, đúng một tuần sau vụ tấn công ‘trứ danh’ của công an vào Đồng Tâm. Ấn bản đầu tiên đó được viết bằng tiếng Anh, và mình lần đầu tiên trong đời bị một đợt mất ngủ kỷ lục: mỗi ngày chỉ ngủ khoảng ba giờ. Đúng một tháng sau vụ tấn công, ngày 9 Tháng Hai, ấn bản thứ hai ra đời, song ngữ Anh-Việt.

Hơn bốn tháng sau, vào ngày 24 Tháng Sáu, ba trong số năm tác giả và biên tập viên của báo cáo đã bị bắt. Đó là chị Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương-Trịnh Bá Tư. Chỉ còn trơ lại Will Nguyễn và mình. Ngày 25 Tháng Chín, ấn bản lần thứ ba, đầy đủ nhất từ trước tới nay của ‘Báo cáo Đồng Tâm’ ra mắt độc giả, cũng song ngữ, và dày gấp đôi ấn bản Tháng Hai. Và mình vẫn kịp lập một kỷ lục cá nhân kỳ lạ: Sụt 7kg trọng lượng cơ thể.”

Facebooker Phạm Thanh Nghiên viết rằng: “Tôi không ngạc nhiên về việc bạn tôi bị bắt, nhất là sau những gì cô ấy viết về Đồng Tâm và bản báo cáo mới phổ biến trên truyền thông.”

Phạm Đoan Trang còn là một trong những người đồng sáng trang web Luật Khoa Tạp Chí (luatkhoa.org) như một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam. Năm 2017, cô được trao tặng giải thưởng Homo Homini 2017 từ tổ chức People In Need, vinh danh chị là “một trong những nhân vật hàng đầu của bất đồng chính kiến Việt Nam đương đại.” (T/H, N/V)