Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nguyễn Phương Hằng bị bắt với cáo buộc vi phạm Điều 331


Sau một thời gian bị nhiều người tố cáo, tối hôm Thứ Năm 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị bắt và khởi tố với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật hình sự CSVN.

Bà Nguyễn Phương Hằng lúc bị đưa về đồn công an hôm 24/3. Hình Nguoi Lao Dong

Bà Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam tại Bình Dương, khiến báo đảng tốn nhiều giấy mực với các buổi livestream tố cáo nhiều người thuộc giới nghệ sĩ, bóc phốt các trường hợp ăn chặn từ thiện…

Trước đó, bà Hằng bị Công an TP.HCM áp lệnh hoãn xuất cảnh để phục vụ công tác điều tra, xác minh liên quan đến đơn thư tố cáo của nhiều cá nhân như ông Nguyễn Đức Hiển (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, ca sĩ Vy Oanh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh…

Ở chiều ngược lại, bà Hằng gửi đơn đến Bộ Công an và Công an TP.HCM tố cáo một số nghệ sĩ, cá nhân “ăn chặn” tiền của mạnh thường quân.

Tuy nhiên, Bộ Công an và Công an TP.HCM sau đó xác nhận rằng những người bị bà Hằng tố cáo “không vi phạm pháp luật”.

Bà Nguyễn Phương Hằng thu hút công chúng bình dân vì tài hoạt ngôn và mạnh miệng bóc phốt người nổi tiếng
Xe của Viện Kiểm sát, công an đang đậu trước biệt thự của bà Nguyễn Phương Hằng
Barie tại giao lộ Điện Biên Phủ -Nguyễn Thông được nhiều cảnh sát túc trực ngăn không cho người dân ra vào khu vực. Hình Pháp Luật

Chửi “báo chí cách mạng”

Hồi tháng 11/2021, bà Hằng gây tranh cãi trong một buổi livestream khi để một khách mời mạnh miệng nói: “Báo chí của Cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng …”

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cho rằng phát ngôn như vậy “có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam”.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn bình luận trên trang cá nhân rằng “Bất kể khen chê ra sao, bà Hằng là một hiện tượng độc đáo”.

Ông Bổn đưa ra quan sát rằng “… xưa nay báo chí [quốc doanh] được nâng niu, quyền lực chỉ sau công an và quân đội, hầu như không ai dám đụng tới trừ bà Hằng” và nhận định “Chờ coi diễn biến ra sao nhưng keo này mà bà vẫn ung dung tự tại hoặc chỉ bị phạt hành chính thì rõ ràng là một chuyện lạ. Và càng làm mấy nhà báo quốc doanh ôm hận!”

Nhà bà Hằng đang trong tình trạng đóng cửa. Hình Pháp Luật
Bên trong biệt thự của bà Hằng

“Bày tỏ lòng trung thành với sự nghiệp đốt lò của Nguyễn Phú Trọng”

Hồi tháng 10/2021, Đài RFA Việt ngữ dẫn ý kiến bình luận:

“Điều kỳ lạ là trong xứ sở được Đảng lãnh đạo toàn diện, ‘bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao’, mọi ý kiến, tưởng chừng như cả hơi thở không hợp ý Đảng và Nhà nước đều bị khởi tố bắt giam xét xử thì bà Nguyễn Phương Hằng lại được hưởng quy chế dân chủ đặc biệt.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch đang bị xét xử về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ mà cáo trạng không thấy ghi nhận hành vi viết sai sự thật vẫn bị kết án nặng nề vì để người khác lợi dụng xuyên tạc. Nhiều người chỉ than vãn vì tình trạng quẫn bách trong dịch bệnh cũng bị bắt giam.

Hàng trăm cảnh sát cơ động có mặt phong tỏa các tuyến đường quanh nhà bà Phương Hằng. Hình Pháp Luật
Tổ công tác của Công an TP.HCM làm việc trong căn biệt thự đã nhiều giờ qua

Riêng bà Phương Hằng vẫn ung dung một cõi trời Nam. Bộ Thông tin – Truyền thông có nhắc nhở, bà có hứa thôi nhưng rồi lại tiếp tục livestream. Hoang mang hơn nữa bà còn có clip tâm sự nỗi lòng với ông Nguyễn Phú Trọng, bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng trung thành với sự nghiệp đốt lò như là một đảng viên thứ thiệt. Ngay với hàng tá đơn bà Hằng tố cáo người khác và ngược lại các cơ quan điều tra cũng tuần tự nhi tiến mời các bên đến ghi nhận, lắng nghe.

Cách thức ứng xử cởi mở, trân trọng của cơ quan công quyền với bà Phương Hằng cho thấy Việt Nam là đất nước tự do ngôn luận nhất thế giới. Đặc biệt trên mạng xã hội lại hình thành một lực lượng mới nguy hiểm hơn AK 47 nương theo, tán dương các lập luận tố cáo người khác không cần chứng cứ của bà Phương Hằng và gọi đó là “quyền tự do ngôn luận”.

Các fan cuồng của bà Phương Hằng đã đưa ra một lập luận pháp lý lộn ngược đầu là người bị tố cáo phải chứng minh mình vô tội. Sau livestream tố cáo ông Tường Vân loạn luân lại rõ lên làn sóng dư luận yêu cầu ông cụ 91 tuổi và các cháu bé phải đi xét nghiệm ADN để chứng minh là trong sạch.

Một bài đăng trên trang cá nhân của bà Hằng hồi tháng 2/2022

Ở một góc độ khác, thử hỏi ai sẽ hưởng lợi sau các livestream của bà Phương Hằng? Chắc chắn là mùa lũ lụt năm nay người dân vùng lũ chỉ còn trông đợi vào Mặt Trận Tổ Quốc. Hiếm có cá nhân, tổ chức nào dám đứng ra vận động quyên góp. Nếu có thì cũng bị dư luận xem xét với sự dè dặt.

Với chứng cứ hiện tại về 13 tỷ bỏ quên của Hoài Linh và các kết quả sắp tới, chắc chắn Nhà nước có cơ sở để ra đời một quy định mới dành cho các tổ chức, cá nhân ngoài quốc doanh một khe cửa thật hẹp, thậm chí là trói tay. Những mầm mống của hoạt động tín ngưỡng, từ thiện bé nhỏ nhất dù ở quy mô gia đình như “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” cũng sẽ bị bóp nát từ trong trứng nước.

Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. (T/H)