Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nguyên nhân khiến các ‘đối thủ’ của biến thể Delta như Beta, Mu… dần ‘tuyệt chủng’

Chuyên gia hàng đầu nước Anh về Covid-19 cho biết, sự thống trị của biến thể Delta khiến những biến thể khác dần “tuyệt chủng”. Những biến thể này có còn xuất hiện tại Việt Nam?

Nhiều biến thể nCoV đang tuyệt chủng

Tiến sĩ Jenny Harries, Giám đốc điều hành của Cơ quan An ninh và Y tế của Vương quốc Anh (UKHSA) thông tin, nhiều “biến thể đáng lo ngại” được xác định ở Anh trong năm qua đã biến mất, hoặc đang suy giảm nhanh chóng.

Theo báo cáo của Y tế Công cộng Anh (PHE) vào tháng 6/2021, Delta có khả năng lây lan cao hơn 64% so với Alpha. Hiện tại, Delta chiếm tới 99% số ca bệnh được giải trình tự gene ở Anh.

Hai “đối thủ” chính của Delta là Alpha và Beta, lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi, đã giảm.

Trên thế giới còn các biến thể khác như Mu, lần đầu tiên được xác định ở Colombia và Lambda. Tuy nhiên, cả hai đã không thể tồn tại ở Anh vì chúng không lây nhiễm như Delta.

Điều này cũng đúng với Kappa, lần đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ và Gamma, đến từ Nhật Bản và Brazil. Hai chủng này đều không tồn tại được ở Anh.

Các biến thể mới ít có khả năng phổ biến hơn?

Mặc dù một số biến thể không còn xuất hiện, Tiến sĩ Harries nhấn mạnh, chúng ta vẫn cần cảnh giác đối với những chủng virus mới khi số ca nhiễm mỗi ngày vẫn cao.

Giáo sư Andrew Preston, Đại học Bath, nhận định: “Các biến thể xuất hiện một cách tình cờ. Hiện tại, Vương quốc Anh có số ca bệnh cao hơn đáng kể so với các khu vực khác trên thế giới, vì vậy có nhiều khả năng xảy ra đột biến hơn”.

Các chuyên gia cũng cảnh báo mối nguy, khi chủng Delta tiếp tục tiến hóa. Hiện tại ở Anh đã có 12 phiên bản khác của Delta. Họ cho rằng, nếu có một biến thể mới gây phiền toái, đó có thể là một phiên bản mới của Delta.

Giáo sư Preston lưu ý: “Delta không phải là phiên bản thân thiện của virus, biến thể này vẫn đang giết chết nhiều người trên toàn thế giới”.

Việt Nam đã ghi nhận bao nhiêu biến thể Covid-19

Theo Bộ Y tế, đến tháng 7/2021, tại Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2 gồm: các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.

Riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay, nước ta đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh).

Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh, được WHO xếp vào nhóm “biến chủng gây quan ngại”, có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha. Hơn 60% người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng. Đến nay, bệnh đã có vắc-xin phòng nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Xuất hiện ở đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, biến thể Delta đã làm dịch bùng phát mạnh, với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng khác trước đó, làm tăng mức độ nặng của người bệnh, tăng nguy cơ tử vong.

Bộ Y tế Việt Nam từng phân tích, biến thể Delta gây bùng phát đợt dịch này lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2 – 3 lần so với các đợt dịch trước. Virus biến thể có tốc độ bám dính với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào, từ đó dẫn đến việc phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

Nguyên nhân làm hiệu quả vắc-xin suy giảm

Các nhà khoa học Mỹ đã đánh giá hiệu quả vắc-xin, dựa trên dữ liệu của 9 triệu người trưởng thành ở New York.

Đối tượng khảo sát là những người được tiêm chủng từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2021, và những người chưa tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào.

Theo đó, hiệu quả của vắc-xin Pfizer giảm mạnh nhất (24.6% trong nhóm 18 – 49 tuổi, 19% với nhóm 50 – 64 tuổi và 14% đối với người trên 65 tuổi). Trong khi, các chỉ số tương tự của vắc-xin Moderna là giảm 18%; 11.6%; 9%.

Hiệu quả của vắc-xin chống nguy cơ nhập viện cho người từ 18 – 64 tuổi được giữ ở mức ổn định, hơn 86%. Với những người trên 65 tuổi, hiệu quả của vắc-xin Pfizer giảm từ 95% xuống 89%, và Moderna giảm từ 97% xuống 94%, trong vòng 3 tháng sau tiêm.

Bang New York đã ra mắt bảng theo dõi biến thể và các ca nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vắc-xin (ca bệnh đột phá) vào cuối tháng trước. Theo bản cập nhật mới nhất, tiểu bang ghi nhận hơn 95,000 ca Covid-19 đột phá, chiếm 0.8% tổng số người đã tiêm chủng đầy đủ. Trong số này, chỉ có hơn 6,500 ca phải nhập viện.

Thống kê đã ủng hộ quan điểm của các nhà khoa học rằng, vắc-xin giảm hiệu quả ngăn ngừa các ca nhiễm bệnh sau tiêm, nhưng mức độ suy giảm đã dần bớt đi. Hiệu quả của vắc-xin chống nguy cơ nhập viện vẫn rất cao, dù bệnh nhân nhiễm biến thể Delta.

Chủng Delta chiếm 99.8% tổng số các trường hợp Covid-19 được giải trình tự gene ở New York trong hai tuần khảo sát (từ ngày 12 đến 25/9). Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia Mỹ đánh giá, tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, và những thay đổi trong hành vi của con người như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… có thể tác động nhiều tới hiệu quả của vắc-xin. (C/F)