Nguy cơ mất trí nhớ tăng cao khi về già nếu không ngủ ngon ở tuổi 30
Mặc dù người trưởng thành cần ít nhất 7 tiếng để ngủ mỗi đêm, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ ba người Mỹ thì có một người không ngủ đủ giấc.
Một nghiên cứu được đánh giá ngang hàng gần đây cho biết, những gián đoạn giấc ngủ mà một người trải qua trong độ tuổi 30 hoặc 40 có thể dẫn đến suy giảm nhận thức khi họ lớn tuổi hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Thần kinh vào ngày 3 tháng 1, đã xem xét mối liên hệ giữa số lượng và chất lượng giấc ngủ ở những người từ giữa tuổi 30 đến cuối 40 với hiệu quả nhận thức của họ.
Nghiên cứu đánh giá 526 người trong 11 năm. Các nhà nghiên cứu đã xem xét đến sự phân mảnh và tình trạng gián đoạn ngắn trong giấc ngủ. Nghiên cứu tính toán rằng người tham gia có mức độ phân mảnh giấc ngủ trung bình là 19.2%, nghĩa là khoảng 1/5 giấc ngủ của họ bị gián đoạn.
Những người tham gia cũng được yêu cầu hoàn thành các bài kiểm tra trí nhớ và tư duy. Trong quá trình nghiên cứu, 45.6% người cho biết họ có chất lượng giấc ngủ kém, với thời gian ngủ trung bình là 6.1 tiếng mỗi ngày. Những người trong độ tuổi 30 và 40 có giấc ngủ bị gián đoạn nhiều nhất được phát hiện có nhiều khả năng gặp vấn đề về trí nhớ và tư duy trong một thập kỷ sau đó.
Trong số 175 người trải qua giấc ngủ gián đoạn nhiều nhất, 44 người có hiệu quả nhận thức kém sau mười năm. Ngược lại, trong số 176 người trải qua giấc ngủ gián đoạn ít nhất, chỉ 10 người bị suy giảm nhận thức.
Điều này có nghĩa là, trong khi hơn 25% người có giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên cho thấy khả năng nhận thức giảm dần theo thời gian, thì chỉ 5.68% những người có giấc ngủ ít bị gián đoạn nhất gặp phải tình trạng tương tự.
Nghiên cứu cho biết: “Mối liên hệ giữa sự phân mảnh giấc ngủ và hiệu quả nhận thức không khác nhau giữa chủng tộc hoặc giới tính. Nghiên cứu cho biết thời gian ngủ khách quan hoặc chất lượng giấc ngủ chủ quan không liên quan đến nhận thức ở tuổi trung niên. Sự phân mảnh giấc ngủ cao hơn có liên quan đến nhận thức kém hơn ở đàn ông và phụ nữ da đen và da trắng trung niên. Chất lượng giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe nhận thức ngay từ khi bước vào tuổi trung niên”.
Giấc ngủ của người tham gia được theo dõi bằng máy đeo tay trong suốt thời gian nghiên cứu. Họ cũng ghi chép thời gian ngủ và thức dậy vào nhật ký, đồng thời hoàn thành một khảo sát về chất lượng giấc ngủ.
Tác giả nghiên cứu, Yue Leng từ Đại học California, San Francisco, cho biết: “Do các dấu hiệu của bệnh Alzheimer bắt đầu tích tụ trong não vài thập kỷ trước khi các triệu chứng xuất hiện, việc hiểu sớm mối liên hệ giữa giấc ngủ và nhận thức trong cuộc sống là rất quan trọng, từ đó nắm được vai trò của các vấn đề về giấc ngủ như một yếu tố rủi ro của bệnh này”.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chất lượng giấc ngủ, chứ không phải số lượng giấc ngủ, mới là yếu tố quan trọng nhất đối với sức khỏe nhận thức ở độ tuổi trung niên”.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Lão hóa Quốc gia và Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (Hoa Kỳ).
Một nghiên cứu gần đây khác cho thấy, những người trên 60 tuổi chỉ cần mất 1% giấc ngủ sâu mỗi năm có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên 27%.
Trong một cuộc phỏng vấn, Giáo sư Mattew Pase, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Mặc dù chúng ta nghĩ rằng chứng mất trí nhớ là một tình trạng của tuổi già, nhưng trên thực tế, các bệnh góp phần gây ra chứng mất trí nhớ có thể bắt đầu từ 10 đến 20 năm trước khi khởi phát”.
Ông nói, nếu mọi người mắc chứng mất trí nhớ ở độ tuổi 70, tình trạng này thường bắt đầu phát triển vào khoảng giữa cuộc đời, đồng thời khuyến nghị mọi người nên duy trì mức độ ngủ sâu khi có tuổi.
Chất lượng giấc ngủ
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người trưởng thành cần ít nhất 7 tiếng ngủ mỗi đêm. Tuy nhiên, theo báo cáo, cứ ba người Mỹ thì có một người không ngủ đủ giấc.
“Mọi người thường cắt giảm giấc ngủ vì công việc, nhu cầu gia đình hoặc thậm chí để xem một chương trình hay trên tivi. Nhưng nếu việc không ngủ đủ giấc trở thành một phần thường xuyên trong thói quen của bạn, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường loại 2, huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ, sức khỏe tâm thần kém và thậm chí là chết sớm”, cơ quan này cho biết.
Trong một cuộc khảo sát của Gallup năm 2022, chỉ 32% người Mỹ cho biết họ “ngủ rất ngon” hoặc “rất tốt” vào đêm trước. Những người tự đánh giá cao sức khỏe tâm thần tổng thể của họ được phát hiện có khả năng ngủ ngon cao gấp sáu lần so với những người tự đánh giá sức khỏe tâm thần của họ “kém” hoặc “trung bình”.
Giấc ngủ ngon có thể mang lại lợi ích rất lớn cho cơ thể. Thứ nhất, nó có thể dẫn đến giảm cân. Trong khoảng từ 22 giờ tối đến 2 giờ sáng, hormone tăng trưởng được sản xuất, giúp phân hủy chất béo ở người lớn. Giữa 3 giờ sáng và 5 giờ sáng, một hormone gọi là cortisol được sản xuất, có thể phá vỡ đường và chất béo.
Thứ hai, giấc ngủ chất lượng có thể giúp làm sạch tâm trí. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy trong giai đoạn “giấc ngủ sóng chậm”, não sẽ ổn định các chức năng nhận thức và trí nhớ.
Trong giai đoạn này, dịch não tủy sống sẽ loại bỏ các chất thải trao đổi chất khỏi cơ quan, bao gồm beta-amyloid, sự tích tụ của chất này liên quan đến bệnh Alzheimer.
CDC chỉ ra rằng trong khi việc ngủ đủ giấc là quan trọng, thì “chất lượng giấc ngủ tốt” là vô cùng quan trọng. “Các dấu hiệu của chất lượng giấc ngủ kém bao gồm cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi ngay cả sau khi ngủ đủ giấc, thức dậy nhiều lần trong đêm và có các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ”.
Cơ quan này gợi ý một số thói quen để cải thiện giấc ngủ. Cơ quan này khuyên mọi người nên kiên trì với các thói quen ngủ của mình và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối, thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng. Phòng ngủ phải “yên tĩnh, tối, thư giãn và nhiệt độ thoải mái”.
Trước khi đi ngủ, hãy tránh ăn nhiều và đồ uống như rượu hoặc caffein. “Loại bỏ các thiết bị điện tử như TV, máy tính và điện thoại khỏi phòng ngủ”. Ngoài ra, hoạt động thể chất vào ban ngày có thể giúp một người dễ ngủ hơn vào ban đêm, CDC cho biết. (T/H, NTD)