‘Người phụ nữ bị căm ghét nhất Úc’ LÀ AI?
Kathleen Folbigg từng là ‘người phụ nữ bị căm ghét nhất Úc’ trong vụ án giết cả 4 đứa con. Bà bị tuyên án 40 năm tù và đến nay đã ngồi tù 18 năm. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học mới đây cho thấy có thể bà Folbigg bị oan. Các nhà khoa học, trong đó có 2 người đoạt giải Nobel, đề nghị Thủ hiến tiểu-bang New South Wales (NSW) ân xá và trả tự do cho bà.
Cuộc đời bi kịch
Cuối những năm 1980, bà Kathleen Folbigg kết hôn với ông Craig Folbigg và sinh đứa con đầu lòng tên Caleb khi bà 21 tuổi. Khi mới 19 ngày tuổi, Caleb qua đời. Nguyên nhân cái chết được kết luận là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) vì không có bằng chứng cho bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Gần 2 năm sau, Patrick, đứa con thứ hai của vợ chồng Folbigg, tử vong khi mới được 8 tháng tuổi. Theo thông tin trên giấy chứng tử, cậu bé bị mù, mắc chứng động kinh và chết vì ngạt thở. Đứa con thứ ba, bé gái tên Sarah, tử vong vào ngày 30/8/1993 khi 10 tháng tuổi và cũng được nhận định là bị hội chứng SIDS. Tháng 3/1999, người con cuối cùng của Folbigg, bé gái tên Laura, qua đời khi mới được 18 tháng tuổi vì nguyên nhân “không được xác định”.
Bà Folbigg bị nghi ngờ giết các con do đơn tố cáo của chồng, người sinh nghi sau khi đọc nhật ký của vợ sau khi ly hôn. Cảnh sát bắt đầu điều tra. Ngày 19/4/2001, bà Folbigg bị bắt giữ và bị cáo buộc 4 tội danh giết người. Người bạn thân nhất thời thơ ấu của cô, Tracy Chapman, mô tả Folbigg là một người yêu động vật và là một “người mẹ thực sự tốt”. Thế nhưng, bà Folbigg bị tòa án tuyên phạt 40 năm tù. Báo chí trong nước gọi bà là “nữ sát thủ hàng loạt tồi tệ nhất” của Úc. Bên công tố còn cho rằng bà Folbigg đã thừa nhận tội lỗi trong quyển nhật ký của mình. “Tôi cảm thấy mình là bà mẹ tồi tệ nhất trên Trái đất này, sợ rằng Laura sẽ rời bỏ tôi giống Sarah. Tôi biết đôi lúc tôi nóng tính và tàn nhẫn với con bé và nó đã bỏ đi… Điều này không thể xảy ra lần nữa. Tôi xấu hổ vì bản thân mình. Tôi không thể nói với chồng về nó vì anh ấy sẽ lo lắng về chuyện để con bé ở cùng với tôi”, đó là nội dung trích trong quyển nhật ký của bà Folbigg.
Thực tế bà không thú nhận tội lỗi, không có động cơ rõ ràng và cũng không có ai khẳng định đã nhìn thấy bà giết con. Năm 2015, sau khi các đơn kháng cáo của bà Folbigg bị từ chối, luật sư của bà đệ trình một bản kiến nghị lên Thống đốc tiểu-bang NSW để đề nghị ông chỉ đạo tiến hành 1 cuộc điều tra về những tội danh của bà. Họ tranh luận rằng những bằng chứng mới được đưa ra ánh sáng sau đơn kháng cáo bất thành của bà Folbigg, bao gồm sự hiểu biết ngày càng nhiều về hội chứng SIDS, đã dẫn tới 1 “cảm giác băn khoăn” về bản án của bà. Nếu cựu chánh án Tòa án quận NSW, ông Reginald Blanch, người đứng đầu cuộc điều tra, đồng ý, ông có thể chuyển vụ việc trở lại Tòa phúc thẩm hình sự. Bà Folbigg nói khi xuất hiện trở lại tòa năm 2019: “Tôi không biết tại sao các con tôi chết nhưng tôi không giết chúng”.
Giải mã các uẩn khúc
Như một phần của cuộc điều tra, nhóm pháp lý của bà Folbigg tìm đến giáo sư Carola Vinuesa, đồng Giám đốc Trung tâm Miễn dịch học Cá nhân hóa thuộc trường Đại học Quốc gia Úc, để đề nghị bà tìm hiểu trình tự bộ gene của trẻ em để xem liệu có đột biến gene nào có thể gây ra hội chứng SIDS hay không. Trong cuộc điều tra, nhóm của bà Vinuesa đã giải trình tự bộ gene của bà Folbigg và tìm ra 1 biến thể chưa được báo cáo trước đây trong gene CALM2, gene kiểm soát cách vận chuyển canxi vào và ra khỏi tế bào tim. Các nghiên cứu phát hiện ra các biến thể trong gene CALM 2 có thể gây ra các vấn đề về tim ở trẻ nhỏ. Điều này có nghĩa, chúng là nguyên nhân được công nhận nhiều nhất trong việc gây ra hội chứng SIDS. Khi giải trình tự bộ gene 4 người con của bà Folbigg, họ nhận thấy cả hai cô con gái đều mang đột biến CALM2 giống mẹ.
Sau khi cuộc điều tra kết thúc, thêm nhiều bằng chứng xuất hiện nên bà Vinuesa và nhóm gửi thư cho thẩm phán với nội dung có thể 2 người con gái của bà Folbigg đã tử vong vì biến thể gene. Mặc dù có phát hiện mới nhưng thẩm phán Blanch vẫn quyết định không mở lại điều tra. Sau khi xem xét toàn bộ bằng chứng, bao gồm những quyển nhật ký của bà Folbigg, ông Blanch nói ông vẫn giữ nguyên quan điểm bà Folbigg làm 2 người con gái chết ngạt.
Mạng lưới các nhà khoa học tin vào sự vô tội của bà Folbigg ngày càng mở rộng. Tháng 11/2020, các nhà khoa học đã công bố nhiều bằng chứng thuyết phục hơn. Một nhóm chuyên gia, dẫn đầu là giáo sư người Đan Mạch Michael Toft Overgaard, phát hiện ra biến thể CALM2 ở bà Folbigg và hai con gái của bà có thể gây bệnh, giống như các biến thể CALM2 khác. Họ kết luận rằng biến thể này đã làm thay đổi nhịp tim của 2 người con gái, khiến các em dễ mắc các bệnh về tim, đặc biệt là với loại thuốc 2 em được cho dùng trước khi qua đời. Khi đó, Sarah đang uống thuốc kháng sinh để trị ho, trong khi Laura được điều trị bằng paracetamol và pseudoephedrine vì nhiễm trùng đường hô hấp một thời gian ngắn trước khi qua đời. 3 giáo sư cho biết họ đã liệt viêm tim vào danh sách nguyên nhân gây tử vong của Laura.
Về phía những bé trai, các nhà khoa học tìm thấy các biến thể khác trong gene BSN, 1 biến thể di truyền từ mẹ và 1 biến thể khác có thể đến từ bố. Ở chuột, khi cả 2 bản sao của gene này có vấn đề, chúng có thể chết vì động kinh khi chưa trưởng thành. Các nhà khoa học vẫn đang điều tra xem liệu biến thể này có phải là nguyên nhân gây ra cái chết cho 2 người con trai của bà Folbigg không. Dù các nghiên cứu trên chưa thể đem lại tự do cho bà Folbigg nhưng nó đã bắt đầu có tác động. Các luật sư của bà đã khởi động 1 vụ kiện ở Tòa án Phúc thẩm NSW và lập luận rằng ủy viên của cuộc điều tra năm 2019 đã áp dụng sai luật cho các quyết định của ông.
Nhờ những phát hiện về bộ gene, trong lá thư gửi đến Thống đốc tiểu-bang New South Wales vào giữa tháng 3/2021, 90 nhà khoa học hàng đầu Úc, trong đó có 2 người từng nhận giải Nobel, lên tiếng ủng hộ bà Folbigg. Theo các nhà khoa học, chứng cứ mới về mặt di truyền cho thấy 4 đứa con nhỏ dưới hai tuổi của Folbigg chết vì lý do tự nhiên. Từ đó, lá thư kêu gọi trả tự do cho Folbigg để chấm dứt “bản án oan” này. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một trong những vụ án oan tồi tệ nhất trong lịch sử Úc.
Một phát ngôn viên của Thống đốc Margaret Beazley cho biết, Tổng chưởng lý của tiểu-bang đang cân nhắc bản kiến nghị và sẽ tư vấn cho bà Folbigg. Theo Bộ Cộng đồng và Tư pháp của NSW, có rất ít người từng được tiểu tiểu-bang ân xá. Kể cả khi bà Folbigg được tự do, cuộc chiến pháp lý của bà có thể vẫn tiếp diễn. Bà cần phải đến Tòa án phúc thẩm hình sự để đảo ngược bản án nếu muốn trả lại sự trong sạch cho mình. Ngoài ra, nếu bà muốn được bồi thường cho những năm tháng ở trong tù thì đây sẽ là một vấn đề pháp lý khác. (T/H, PNVN)