Thursday, December 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ngoại trưởng Úc cảnh báo về ‘nguy cơ xung đột lớn hơn’ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương


Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã cảnh báo rằng Úc sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh leo thang sau khi Trung Quốc tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự quy mô cao ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực ngoại giao trước tình hình leo thang căng thẳng.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết thế giới phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hiện hữu. Hình Reuters

Phát biểu trước báo giới bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York ngày 20/9, Thượng nghị sĩ Wong cho hay: “Tôi cho rằng hiện nay có lẽ chúng ta đang đối mặt với nguy cơ xung đột cao hơn nhiều năm qua. Chúng tôi đã chỉ ra rằng đây là những tình huống chiến lược nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều năm qua và điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta phải tăng cường nỗ lực để đảm bảo quản lý được cạnh tranh”.

Thượng nghị sĩ Wong cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Úc trong việc hình thành một liên minh địa chiến lược giữa các cường quốc “tầm trung”, những nước có khả năng thực thi một cách tích cực nền văn minh chính trị toàn cầu.

Bà nói: “Các quốc gia trên thế giới không phải là siêu cường cần phải tiếp tục ủng hộ, khuyến khích, thúc giục và có thể gây áp lực chung để khuyến khích các cường quốc hành động có trách nhiệm và đó là nỗ lực chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi”.

“Úc có quan điểm về thượng tôn pháp luật và chúng tôi sẽ luôn bày tỏ quan điểm đó”.

Bình luận của Thượng nghị sĩ Wong được đưa ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng lệnh cấm sử dụng các sản phẩm của Apple trong các cơ quan và công ty nhà nước.

Foreign Minister Wong delivers Australia’s National Statement at the UN | DFAT

Động thái này khiến Apple mất hơn 3%, tương đương 312 tỷ USD, vốn hóa thị trường chỉ trong hai ngày, khiến cổ phiếu (AAPL) của hãng này xuống mức thấp nhất trong một tháng.

Chính sách này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài.

Gần đây nhất, ĐCSTQ đã đạt được thành công trong việc sản xuất chất bán dẫn của riêng mình. Chất bán dẫn rất quan trọng đối với điện thoại thông minh và ĐCSTQ trước đó thường nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Ông Matthew Bey, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Mỹ, cho biết: “Trung Quốc đang tìm cách hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt và điều này sẽ đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính chiến thuật trong kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng như các hạn chế khác để đạt được mục tiêu chiến lược tương tự”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông không tìm kiếm xung đột thực sự với Trung Quốc nhưng nói rằng Mỹ sẽ “đẩy lùi hành động gây hấn và đe dọa”.

Ngoại trưởng Penny Wong cho biết LHQ cần cải cách. Hình Reuters

“Khi nói đến Trung Quốc, tôi muốn nói rõ ràng và nhất quán – chúng tôi tìm cách quản lý sự cạnh tranh giữa các nước một cách có trách nhiệm để nó không dẫn đến xung đột”, ông Biden nói tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc hôm 19/9.

Đáp lại, Thượng nghị sĩ Wong cho biết bà ủng hộ lập trường của ông Biden về việc “quản lý có trách nhiệm” tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và kêu gọi các nước Liên hợp quốc tăng cường nỗ lực duy trì sự ổn định.

Bà nói: “Tôi nghĩ các cường quốc sẽ làm những gì các cường quốc làm”.

“Điều chúng ta không muốn và không ai trên thế giới muốn, đó là sự cạnh tranh ngày càng leo thang thành xung đột”.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong cuộc họp báo chung ở Makati, Philippines, ngày 18/5/2023. Hình Pool/Getty

Tranh cãi về cách tiếp cận với Bắc Kinh

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang, các quốc gia nhỏ hơn, chẳng hạn như Úc, đang tranh luận về cách định vị chính mình.

Những người tin rằng lập trường cứng rắn hơn đối với chính quyền Bắc Kinh là không cần thiết, cho rằng việc tiếp tục phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc là điều rất quan trọng.

“Trung Quốc là một đất nước cô độc. Họ sẽ làm bất cứ điều gì để có được một mối quan hệ đúng đắn với chúng tôi. Chúng tôi cung cấp quặng sắt để giúp cơ sở công nghiệp của họ tiếp tục hoạt động và không nơi nào khác có được nó ngoài chúng tôi”, cựu Thủ tướng Paul Keating cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc.

Tuy nhiên, ông Keating cũng đặt câu hỏi về tính xác thực của những cáo buộc cho rằng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp.

Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating trong một cuộc phỏng vấn tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc. Hình The Guardian

Ông nói: “Tôi không bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc, nhưng có những tranh cãi về bản chất của việc người Trung Quốc đối đầu với người Duy Ngô Nhĩ. Điều gì sẽ xảy ra nếu người Trung Quốc nói, ‘Hãy nhìn xem, còn những người thổ dân chết trong tù trong hệ thống hiện tại của anh thì sao?’. Đó không phải là một quan điểm chính đáng đối với họ sao?”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Tự do Victoria James Paterson lại tỏ ra hoài nghi về mối quan hệ với Bắc Kinh.

“Hãy tin tưởng mọi người ngay lần đầu tiên họ cho bạn thấy họ là ai. Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ cho chúng ta thấy họ là ai ở Tây Tạng, họ còn cho chúng ta biết họ là ai ở Tân Cương, họ đã cho chúng ta thấy họ là ai ở Hong Kong, và giờ họ đang cho chúng ta thấy họ là ai ở Đài Loan”, Thượng nghị sĩ Paterson nói với chương trình hỏi đáp của ABC vào năm ngoái.

“Là một quốc gia, chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ những nỗ lực chung của các đồng minh nhằm ngăn cản những thay đổi đơn phương và mạnh mẽ đối với hiện trạng”. (T/H, NTD)