Thursday, December 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nghị định 147: Tự do ngôn luận và quyền riêng tư tiếp tục bị siết chặt?


Nghị định 147 sắp có hiệu lực, sẽ như “chiếc đinh đóng vào quan tài”, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Một nhà hoạt động người Việt Nam tìm kiếm thông tin trên internet ở Hà Nội vào năm 2017. Hình RFA

Với việc Nghị định 147 sắp có hiệu lực vào ngày 25/12, nhiều ý kiến cho rằng đây là bước đi tiếp theo nhằm gia tăng kiểm soát không gian mạng tại Việt Nam, đồng thời tác động trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế của người dân, đặc biệt là những người kinh doanh qua mạng.

Nghị định này không chỉ được xem như công cụ quản lý mạng xã hội, mà còn khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xâm phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư.

Thắt chặt quản lý mạng xã hội và kinh doanh trực tuyến

Nghị định 147 là bản nâng cấp từ các quy định trước đó, nhắm tới việc giám sát chặt chẽ hơn nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là hoạt động livestream và quảng cáo trực tuyến – những hình thức kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ.

Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam từ ngày 25/12. Hình CNet

Theo đó, người dùng mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube phải xác minh danh tính. Tại Việt Nam, các nền tảng nội địa như Zalo hay ZingMe cũng phải yêu cầu người dùng cung cấp thông tin định danh cá nhân. Chỉ những tài khoản đã xác thực mới được phép đăng thông tin, bình luận hoặc thực hiện livestream.

Thông tin định danh này sẽ được lưu trữ và cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần. Điều này, theo đại diện Cục An ninh mạng, sẽ giúp quá trình điều tra, xử lý vi phạm trên không gian mạng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, việc này đồng nghĩa với nguy cơ bị theo dõi chặt chẽ hơn khi hoạt động trực tuyến.

Chị M., một người bán hàng online tại Hưng Yên, chia sẻ: “Bán hàng online giờ phổ biến lắm. Ai cũng bán, nhưng giờ nhà nước quản lý chặt thế này, việc kinh doanh chắc sẽ khó khăn hơn. Tôi cũng không rõ là họ làm để kiểm soát thu thuế hay còn mục đích gì khác.”

Theo quy định mới, người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút/ngày. Hình Dân Trí

Tự do ngôn luận tiếp tục bị thu hẹp

Không chỉ tác động đến việc kinh doanh, Nghị định 147 còn đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý nội dung trên không gian mạng. Các tài khoản đăng tải thông tin vi phạm pháp luật hoặc bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia sẽ bị khóa vĩnh viễn.

Thậm chí, những tài khoản cá nhân bị xác định đăng nội dung dạng báo chí mà không được cấp phép cũng có thể bị xử lý. Ông P., 24 tuổi ở Sài Gòn, bày tỏ quan điểm:

“Cấm người dân đăng thông tin dạng báo chí là đánh đồng quyền tự do ngôn luận với nghiệp vụ báo chí. Thay vì hạn chế, nên kiểm tra nội dung để bảo đảm thông tin minh bạch và chính xác.”

Tính từ thời điểm ban hành Luật an ninh mạng vào năm 2018, chính phủ đã ban hành thêm 3 nghị định khác liên quan đến việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bao gồm Nghị định 27 năm 2018, Nghị định 53 năm 2022. Ảnh chụp từ màn hình

Một nhà hoạt động giấu tên lo ngại: “Việc lưu trữ thông tin cá nhân với mục đích quản lý là con dao hai lưỡi. Mặt tích cực là giúp điều tra các vi phạm, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, lạm dụng thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư và tự do ngôn luận.”

Từ khi Luật An ninh mạng ra đời vào năm 2018, Việt Nam đã liên tục bổ sung các nghị định nhằm kiểm soát chặt chẽ nội dung trên mạng.

  • Nghị định 27 (2018): Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phát hiện và lọc tự động nội dung bị cho là “xấu, độc” hoặc gây hiểu lầm.
  • Nghị định 53 (2022): Quy định doanh nghiệp phải gỡ bỏ nội dung vi phạm liên quan đến an ninh quốc gia trong vòng 24 giờ và báo cáo tình hình giám sát định kỳ 3 tháng/lần.
  • Nghị định 147 (2024): Tập trung vào quản lý hoạt động livestream, xác minh danh tính người dùng và yêu cầu lưu trữ thông tin cá nhân.
Nghị định 147 vừa ban hành vào hôm 9/11 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Hình PLDN

Các quy định này, theo một số chuyên gia, không chỉ nhằm bảo đảm an ninh mạng mà còn giúp nhà nước kiểm soát thông tin và hoạt động của người dân trên không gian mạng một cách chặt chẽ hơn.

Trong khi một số người cho rằng các biện pháp này cần thiết để chống lại lừa đảo, tin giả và bảo vệ an ninh quốc gia, nhiều người lại bày tỏ quan ngại về nguy cơ lạm quyền và đàn áp tự do ngôn luận.

Ông H., 37 tuổi tại Hà Nội, nhận xét: “Những quy định này đang triệt tiêu quyền tự do báo chí và ngôn luận của người dân. Nó khiến những phong trào dân báo trước đây không còn đất sống.”

Nghị định 147 sắp có hiệu lực, sẽ như “chiếc đinh đóng vào quan tài”, đánh dấu thêm một bước thắt chặt đối với tự do ngôn luận tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ngay cả túi tiền của người dân cũng nằm trong diện bị kiểm soát. 

Một nhà hoạt động giấu tên đề xuất: “Thay vì siết chặt tự do trên không gian mạng, nhà nước nên tập trung vào việc tạo ra môi trường pháp lý minh bạch để ngăn chặn lạm quyền và bảo vệ quyền lợi người dùng internet.”

Nghị định 147, dù mang mục tiêu chính là kiểm soát và quản lý hoạt động trên không gian mạng, đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Khi không gian mạng ngày càng gắn bó mật thiết với đời sống của hàng triệu người dân, sự cân bằng giữa quản lý và bảo vệ quyền tự do cá nhân sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của xã hội. (T/H, D/V)