Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

NASA chỉ trích TQ vì không công bố vị trí rơi của tên lửa Trường Chinh


NASA lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì không thông báo thông tin về tọa độ hạ cánh của các mảnh vỡ thuộc về tên lửa Trường Chinh, vốn đã rơi một cách không kiểm soát về phía Trái Đất.

Tên lửa Trung Quốc Trường Chinh 5B.

Theo NBC, trong ngày 31/7 (giờ địa phương), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đã không tuân thủ các quy tắc an toàn, khi để cho các mảnh vỡ của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B rơi tự do qua bầu khí quyển Trái Đất, trước khi hạ cánh xuống vùng biển gần Phillipines.

“Bắc Kinh đã không chia sẻ quỹ đạo cụ thể của các mảnh vỡ thuộc về tên lửa Trường Chinh, đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm. Tất cả các quốc gia tham gia sứ mệnh thám hiểm không gian cần tuân theo các quy chuẩn an toàn, trong đó có việc cung cấp thông tin về các thiết bị trở thành rác vũ trụ rơi trở lại Trái Đất. Với các tên lửa hạng nặng như Trường Chinh, việc này rất quan trọng bởi nó liên quan tới sự an toàn của người dân toàn cầu”, Bil Nelson, quản trị viên NASA cho biết.

Trước đó, phía quân đội Mỹ xác định, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B tiến vào bầu khí quyển Trái Đất trên khu vực Ấn Độ Dương lúc 10h45 sáng 30/7 theo giờ Mỹ, sau đó rơi xuống một vùng biển gần Phillipines. “Mọi người nên liên hệ với Bắc Kinh để được tư vấn trong việc này, chẳng hạn như khả năng phát tán của các mảnh vỡ hay tác động của chúng”, đại diện Bộ Tư lệnh không gian Mỹ cho biết.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B Y3 mang theo môđun thứ hai của trạm vũ trụ Thiên Cung. Hình Reuters

Về phía Trung Quốc, cơ quan không gian nước này cho biết, xác tên lửa Trường Chinh có thể đã rơi xuống biển Sulu, cách đảo Palawan của Phillipines 57km. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng cho rằng, hầu hết các phần của tên lửa đã bị đốt cháy trong quá trình lao qua bầu khí quyển. Trong tuần trước, Bắc Kinh cũng khẳng định, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh sẽ “rơi tự do” về phía Trái Đất, bởi không có nguy cơ an ninh nào được ghi nhận.

“Bạn đang nói về việc thả tự do một thiết bị nặng bằng vài chiếc xe tải xuống một khu vực rộng lớn mà không báo trước. Đây là một rủi ro cao gấp 10 lần tiêu chuẩn an toàn hàng không vũ trụ của Mỹ”, Ted Muelhaupt, chuyên gia tư vấn hàng không vũ trụ nói với NBC.

Thực tế, đây cũng không phải lần đầu các mảnh vỡ thuộc về các chương trình không gian của Trung Quốc gây ra những lo ngại về nguy cơ an toàn. Năm 2021, các mảnh vỡ của một tên lửa Trường Chinh khác cũng rơi xuống Ấn Độ Dương gần Maldives. Vào năm 2020, các mảnh vỡ từ một tên lửa của Trung Quốc đã rơi xuống các ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, khiến vài ngôi nhà bị phá hủy, nhưng may mắn không có ai bị thương. (T/H, VNN)