Năm 2050: Tuổi thọ của con người có thể tăng lên 120 tuổi
Đài truyền hình SVT của Thụy Điển đưa tin: Đến năm 2050, tuổi thọ của con người có thể tăng lên 120 đến 150 tuổi.
Theo SVT, điều này có thể đạt được nhờ sự phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và kinh nghiệm có được sau đại dịch Covid-19, cũng như những thành tựu mới của y học.
Tiến sĩ Ignat Kulkov (Đại học Malardalen – MDU) nói với SVT những nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy giới hạn tuổi thọ của con người đang được nới rộng. Đáng chú ý, nếu có được cuộc sống tốt, những người từ 70 đến 80 tuổi cũng có thể khỏe mạnh như khi họ 40 tuổi.
“Đeo thiết bị theo dõi sức khỏe kết nối với bác sĩ và bệnh viện, những thiết bị này sẽ giúp bác sĩ có thể đưa ra những khuyến nghị về thay đổi lối sống nhằm cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ” – tiến sĩ Ignat nói.
Tháng 9/2020, cụ bà Kane Tanaka người Nhật Bản đã được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là người sống thọ nhất thế giới, với 117 tuổi 260 ngày. Trước đó, kỉ lục người sống thọ nhất hành tinh ghi nhận trường hợp bà Jeanne Louise Calment (người Pháp) đã sống từ năm 1875 đến năm 1997, khi bà qua đời ở tuổi 122.
Với 2 trường hợp kể trên cho thấy, con người hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ trong điều kiện cuộc sống được cải thiện nhiều mặt. Nhưng đáng tiếc, điều đó đã không chia đều cho mọi người khi mà khoảng cách giàu – nghèo trên thế giới không những không thu hẹp mà còn giãn rộng. Người giàu hoàn toàn có thể tổ chức cuộc sống một cách khoa học, được chăm sóc sức khỏe bằng những phương pháp tiên tiến nhất nên có thể sống lâu, sống khỏe. Ngược lại, người nghèo không thể làm được điều đó.
Một kết quả nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) và Đại học Y Harvard (Mỹ) công bố trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 30/7 cho thấy những người nghèo chỉ có thể sống khỏe trong độ tuổi từ 18 đến 40, sau đó suy giảm. 75% số người nghèo mắc 3 bệnh khi bắt đầu bước vào tuổi 55 (trong khi ở người giàu chỉ mắc 1 bệnh). Trong khi đó, giáo sư John McGrath (Viện Não – Đại học Queensland) cho rằng tuổi khởi phát bệnh sớm nhất ở người nghèo là 15 tuổi, còn ở người sống trong gia đình giàu có là 29.
Tuổi thọ kéo dài là đáng quý, nhưng bên cạnh đó còn phải sống khỏe, không ốm đau bệnh tật triền miên. Mà điều đó lại phụ thuộc vào điều kiện sống của mỗi người. Thực tế cho thấy người nghèo luôn thuộc nhóm nguy cơ khi mà chế độ dinh dưỡng không bảo đảm và cũng không có cơ hội để được thụ hưởng những thành quả của y học tiên tiến. (T/H, DDK)