Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Mỹ chuẩn bị sách lược mới chống Trung Quốc trên Biển Đông

WASHINGTON DC, Hoa Kỳ – Chính phủ Mỹ những ngày cuối nhiệm kỳ Tổng Thống Donald Trump đưa sách sách lược mới chống Trung Quốc trên Biển Đông.

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm 9 Tháng Giêng, 2021 đề cập tới sách lược mới của Mỹ nhằm đối phó với chủ trương của Trung Quốc dùng các lực lượng bán quân sự lấn dần trên Biển Đông. Trước sức mạnh, họ dần dần có thể đạt được mục đích nuốt trọn khu vực trong khi tránh được chiến tranh.

Tàu tuần duyên Mỹ Bertholf. (Hình: AFP/Getty Images)

Ngày 17 Tháng Mười Hai, 2020, chính phủ Mỹ công bố một tài liệu dài 30 trang với tựa đề “Lợi thế trên biển: Thắng thế với sự phối hợp mọi lãnh vực sức mạnh hải quân.” Trong đó, nhấn mạnh ngoài hai lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến, còn cả lực lượng tuần duyên (coast guard), tức lực lượng bán quân sự lâu nay không được dùng đối phó với các “vùng xám” mà Bắc Kinh đang diễn trò.

Theo tài liệu vừa kể, sự phối hợp ba lực lượng trên biển gồm hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên sẽ được tiến hành để đối phó với cả Nga và Trung Quốc, hai thế lực đang là những nguy cơ tiêu biếu nhất, đe dọa an ninh, hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Tài liệu xác định ưu tiên cạnh tranh với Trung Quốc căn cứ theo sự phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự, gia tăng hung hăng và biểu lộ rõ ý muốn thống trị các vùng biển tranh chấp cũng như muốn lập trật tự thế giới phục vụ tham vọng bá quyền của họ.

Bắc Kinh vẫn chưa hành động như một thành viên có trách nhiệm của thế giới, mà chỉ bành trướng sức mạnh quân sự ngày một lớn mạnh nhằm nhanh chóng phục vụ tham vọng độc tài. Tài liệu trên nhận định, điều đó là “mối đe dọa toàn diện nhất đối với nước Mỹ, các đồng minh và tất cả các quốc gia hậu thuẫn một hệ thống tự do và rộng mở.”

Bởi vậy, đã đến lúc nước Mỹ phải có một kế hoạch toàn diện hơn, tức phải đưa lực lượng tuần duyên thêm vào với hải quân và thủy quân lục chiến chống lại các lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông.

Hiện người ta vẫn chưa biết lực lượng tuần duyên Mỹ đóng vai trò gì, được sử dụng thế nào, để đối phó với lực lượng Trung Quốc. Nhưng ít nhất, các tàu tuần duyên Mỹ được trang bị tối tân mọi mặt hơn hẳn tàu hải cảnh của Trung Quốc, kể cả võ khí.

Tháng Sáu, 2019, từng có tin một tàu tuần duyên Mỹ đã tới Philippines tập luyện với cảnh sát biển của nước này. Mỹ cũng đã viện trợ cho Việt Nam 24 xuồng cao tốc và một tàu cho cảnh sát biển Việt Nam 3,250 tấn lớp Hamilton. Có tin, Mỹ sẽ giao cho CSVN thêm một tàu lớp Hamilton nữa vào cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa thấy tin tức được chuyển giao.

Trung Quốc ngoài lực lượng hải quân ăn trùm các nước nhỏ ở khu vực, họ còn hàng chục tàu hải cảnh cỡ lớn và hàng ngàn tàu “dân quân biển” ngụy trang dưới vỏ bọc tàu đánh cá. Ngư dân tức dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện quân sự và được trả lương. Những tàu này đi hàng đoàn từ vài chiếc tới vài chục chiếc, uy hiếp ngư dân, cảnh sách biển các nước khác ở vùng biển tranh chấp.

Tàu cá Trung Quốc đậu tại bến trong khi có lệnh cấm đánh cá. (Hình: AFP/Getty Images)

SCMP dẫn ý kiến của ông Derek Grossman, một nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Rand Corporation, cho rằng khi Mỹ tính đưa lực lượng tuần duyên tới Biển Đông là có ý định “dùng sức cơ động nhiều hơn, ít tính chất lực lượng sát thương hay không sát thương hơn để chống lại lực lượng Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp mà Bắc Kinh hiện diện thường xuyên coi như của mình.

“Mỹ có thể cản trở một cách hiệu quả các hành động của Trung Quốc theo cách này, nhưng cũng hiểu được là Bắc Kinh có thể leo thang xung đột bằng cách đưa lực lượng hải quân tới đối phó, dẫn đến sự tham dự của hải quân Mỹ,” ông Grossman nói trên SCMP.

Tháng Bảy năm ngoái, Mỹ ký với Việt Nam một bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên thực thi luật pháp trên biển và nghề cá qua các chương trình chia sẽ thông tin và kỹ thuật hầu chống lại các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Nguy cơ xung đột có thể mỗi ngày một gia tăng nếu không có những luật lệ rõ ràng về những “vùng xám” và những định danh thế nào là dân sự, thế nào quân sự. Năm ngoái, giới chức hải quân Mỹ đã cảnh cáo Bắc Kinh rằng hải quân Mỹ sẽ đối xử tàu đánh cá “dân quân biển” của Trung Quốc như đối phó với hải quân của họ. (N/V)