Mùa trượt tuyết ở Úc có thể rút ngắn một nửa do Trái Đất ấm lên
Mùa trượt tuyết trung bình tại Úc sẽ giảm từ 105 ngày xuống còn 50 ngày vào năm 2050 nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức cao, do nhiệt độ ấm hơn và lượng tuyết giảm.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng đến năm 2050 mùa trượt tuyết ở Úc có thể sẽ ngắn đi hơn 50% nếu Trái Đất tiếp tục ấm lên.
Ngày 5/6, Đại học Quốc gia Australia (ANU) và nhóm hoạt động bảo vệ khí hậu Protect Our Winters Australia (POW) phát hành một báo cáo cho biết mùa trượt tuyết trung bình tại tất cả các khu trượt tuyết ở nước này sẽ giảm từ 105 ngày xuống còn 50 ngày vào năm 2050 nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức cao, do nhiệt độ ấm hơn và lượng tuyết giảm.
Trong trường hợp lượng khí thải này ở mức trung bình, báo cáo dự đoán rằng vào năm 2050, mùa trượt tuyết trung bình sẽ ngắn đi 44 ngày so với mức trung bình 105 ngày trong giai đoạn từ năm 1981 đến 2010. Còn trong trường hợp lượng khí thải thấp, mùa trượt tuyết sẽ ngắn đi 28 ngày vào năm 2050 trước khi bắt đầu tăng lên vào năm 2080.
Đồng tác giả của báo cáo trên, bà Ruby Olsson tại Viện Khí hậu, Năng lượng và Giải pháp chống thảm họa thuộc ANU nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề Biến đổi Khí hậu và hỗ trợ các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết cũng như các cộng đồng đang sinh sống phụ thuộc vào dãy núi Alps của Úc.
Bà Olsson nêu rõ: “Chúng ta cần hỗ trợ các khu nghỉ dưỡng dễ bị tổn thương để đa dạng hóa hoạt động du lịch quanh năm. Chúng ta càng hạn chế được nhiều tác động do Biến đổi Khí hậu bằng cách giảm lượng phát thải khí nhà kính thì càng giảm được chi phí để giúp các doanh nghiệp, cộng đồng và môi trường thích nghi với Biến đổi Khí hậu và chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Chờ đợi để hành động sẽ làm tăng nguy cơ phải đóng cửa các khu nghỉ dưỡng hoặc nguy cơ các loài động, thực vật bị tuyệt chủng. Vì vậy, thập kỷ này là thời điểm quan trọng để hành động khẩn cấp chống Biến đổi Khí hậu”.
Ngoài việc gây thiệt hại ngành du lịch trượt tuyết của Úc, báo cáo trên cũng cảnh báo rằng lượng tuyết giảm ở dãy núi Alps có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và an ninh nguồn nước.
Báo cáo cho biết nước từ tuyết tan chảy cung cấp trung bình 9,600 gigalít nước (9,600 tỷ lít nước) mỗi năm cho lưu vực Murray-Darling – khu vực nông nghiệp sản xuất 1/3 nguồn cung ứng thực phẩm của Úc.
Cũng theo báo cáo này, Biến đổi Khí hậu sẽ làm giảm 24% lượng mưa ở dãy núi Alps, bao gồm các tiểu bang New South Wales và Victoria và Vùng Lãnh thổ Thủ đô Australia, vào năm 2050./. (T/H, VN+)