Mì gói VN chứa chất độc bị cấm ở nước ngoài, trong nước vẫn tiêu thụ bình thường!?
Đã rất nhiều lần, các loại thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước tiên tiến bị tiêu huỷ hoặc trả về do thành phần có chứa chất gây hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn được tiêu thụ trong nước một cách bình thường.
Phát hiện hàng loạt sản phẩm của VN chứa chất độc
Sản phẩm mì ăn liền Omachi hương tôm chua cay, thuộc tập đoàn Masan, bị phát hiện có chứa hàm lượng thuốc trừ sâu ethylene oxide (EO) chưa được cấp phép. Sở Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) thông báo như vậy hôm 23/8.
Trước đó, vào ngày 12/7, sản phẩm mì sườn hầm ngũ quả, cũng của thương hiệu này, có dư lượng EO trong gói bột gia vị. Kết quả là hơn 1.4 tấn mì Omachi hương tôm chua cay và 720 kg mì ăn liền Omachi sườn hầm ngũ quả bị phía Đài Loan trả lại hoặc tiêu hủy.
Ở thị trường Châu Âu, ngày 22/7, Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS), thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn nhận được cảnh báo của EU về một số sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam chứa EO vượt ngưỡng.
Theo đó, Đức gửi cảnh báo mì ăn liền hương vị gà, cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu có chứa chất cấm EO vượt ngưỡng quy định của EU.
Cộng hòa Malta cũng ra cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia sử dụng nguyên liệu sản xuất từ gạo biến đổi gen.
Ba Lan đưa ra với sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam Vifon. Nước này cũng đã trả lại lô hàng vi phạm.
Nước Campuchia hồi đầu tháng tám cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất EO. Động thái này diễn ra sau khi một loạt các nước EU đưa ra cảnh báo đối với các sản phẩm mì ăn liền do Việt Nam sản xuất.
Từ nhiều năm nay, các loại thực phẩm sản xuất từ Việt Nam đã nhiều bị châu Âu cảnh báo có chứa dư lượng chất cấm vượt ngưỡng cho phép.
Điển hình, vào hồi tháng 8/2021, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được cảnh báo của EU đối với sản phẩm mì khô vị bò gà bị thu hồi tại thị trường Na Uy.
Cùng thời điểm này, mì gói ăn liền Hảo Hảo vị chua cay và miến Good, thuộc Công ty Cổ phần Acecook, bị một loạt các nước EU thu hồi và gởi cảnh báo tới Cục An toàn thực phẩm của Việt Nam. Nguyên do được phía EU cho biết là sản phẩm này chứa trái phép chất EO.
Nước ngoài tiêu huỷ, VN vẫn tiêu thụ
Vì sao các sản phẩm mì, miến ăn liền của Việt Nam liên tục bị các nước tiên tiến cảnh báo chứa chất độc, có nguy cơ gây ung thư, tổn hại đến sức khoẻ, nhưng nó vẫn được sản xuất tiêu thụ trong nước một cách bình thường?
Giải trình với Bộ Công thương, đại diện Công ty Cổ phần Acecook nói rằng các sản phẩm bị nước ngoài tiêu huỷ là dành riêng cho thị trường nước đó. Còn các sản phẩm được bán trong nước vẫn đáp ứng đúng tiêu chuẩn của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có quy định về việc cho phép hay cấm sử dụng hợp chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay thực phẩm. Vào tháng 9/2021, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy định về mức giới hạn chất EO bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Bà Minh, một người tiêu dùng ở TPHCM, không muốn nêu rõ họ tên, nói với RFA rằng lời biện minh đó là không thoả đáng. Theo bà, sức khỏe người dân Việt Nam phải được coi trọng như người ở các nước tiên tiến:
“Đối với tập đoàn Masan thì đây không phải là cái bê bối đầu tiên của họ. Năm 2019, 18,000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật. Lúc đó thì bên Việt Nam họ chạy các bài báo nói rằng phải ăn một ngày hai chai tương ớt mới có nguy cơ ung thư.
Nhưng mà mình lại nghĩ rằng mạng sống hay sức khỏe của người Việt Nam nó không thấp hơn mạng sống của những người dân của các nước tiên tiến.”
Theo quan điểm của ông Phan Châu Thành, một doanh nhân ở Ba Lan, kinh doanh chuỗi siêu thị thực phẩm và cũng nhập khẩu rất nhiều các loại hàng hóa từ Việt Nam, cho biết tình trạng EU cảnh báo các sản phẩm của Việt Nam, có thể xuất phát từ nguyên nhân tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của khối EU cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Chi phí sản xuất hàng để xuất khẩu sang Châu Âu do đó mà cũng cao hơn hẳn. Các doanh nghiệp chỉ sản xuất số lượng vừa đủ để xuất đi Châu Âu, còn lại thì vẫn làm theo tiêu chuẩn của Việt Nam để tiết kiệm chi phí. Có thể các công ty này đã xuất nhầm các lô hàng để bán trong nước ra thị trường Châu Âu, nên mới xảy ra các vụ việc như vừa qua:
“Vấn đề nằm ở chỗ là nhà máy không có một cái tiêu chuẩn nào cả. Mỗi thị trường họ làm một kiểu để đáp ứng. Nhiều lúc họ nhầm lẫn, có nghĩa là cái mặt hàng đúng ra là xuất đi châu Âu là nó sạch thì lại đưa sang Châu Á, hoặc là ngược lại, dẫn đến tình trạng bị mất uy tín.”
Để giải quyết tình trạng này, ông Thành cho rằng Việt Nam cần ban hành một quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn, đồng thời phải hà khắc với các công ty sản xuất để họ không dám làm ẩu trên sức khoẻ của người dân.
Phóng viên RFA liên hệ với một số cơ quan quản lý thị trường và an toàn thực phẩm để trả tìm câu trả lời cho vấn đề nêu trên.
Ông Nguyễn Lộc An, vụ phó Vụ Thị trường Trong nước, thuộc Bộ Công Thương, nói với RFA rằng ông không biết gì về vụ việc nêu trên.
Khi RFA gọi điện đến phòng chuyên môn của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người Tiêu dùng thì cán bộ ở đây nói họ có biết về các vụ việc này, nhưng không thể trả lời báo chí. (T/H, RFA)