Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Melbourne: Đêm nhạc Tri Ân và Tưởng Niệm


Tháng Tư về rồi lại đi, để lại trong tôi nhiều lắng đọng, xót xa và ưu tư. Những sâu lắng đó chưa kịp ra đi theo tháng Tư thì một sự kiện khác lại mang bao hình ảnh kiêu hùng ngày xưa ùa về trong tôi. Tôi muốn nói đến đêm nhạc Tri Ân và Tưởng Niệm vào ngày 7 tháng 5 vừa qua.

Tối 30/4, Cộng Đồng người Việt tỵ nạn Victoria đã có một buổi lễ Tưởng Niệm, do các em nhỏ từ khoá Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc đứng ra tổ chức thật trang nghiêm. Các em trẻ trong lứa tuổi 20-30, thế hệ tiếp nối, đã bắt đầu gánh vác chuyện cộng đồng. Các em làm lễ TƯỞNG NIỆM ngày miền Nam Việt Nam bị cưởng chiếm, một biến cố vô cùng đau thương và bi thảm của lịch sử Việt Nam. Đây là dịp các em bày tỏ lòng TRI ÂN đến với những người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam TỰ DO.

Đêm nhạc Tri Ân và Tưởng Niệm mang một sắc thái khác, mang hình ảnh hào hùng của người lính VNCH ngày trước đến với người nghe qua âm nhạc.

Bước vào hội trường, tôi thật sự ngỡ ngàng vì sân khấu quá đẹp và có ý nghĩa. Đó là kết quả và công sức của nhiều người trong nhiều tuần lễ liền. Sân khấu cho tôi một ấn tượng ngay tức khắc là tôi đang đứng ở một góc của Sài Gòn ngày xưa. Tôi như đang đứng ở góc đường Tự Do với Công Trường Lam Sơn. Bên này là một góc công viên ghế đá, đằng kia là nhà hàng khách sạn Continental phong cách qua bao thời đại. Công trường Lam Sơn trước 1975 có tượng đài chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến sừng sững uy phong, là biểu tượng của ý chí quật cường bảo vệ tự do dân chủ của VNCH. Sau ngày 30/4, bức tượng bị giật sập, cũng như chế độ VNCH bị giật sập trong tức tưởi. Cũng ở Công Trường Lam Sơn này, vào ngày 30/4 1975, Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long, đã tuẫn tiết để bảo vệ danh dự, danh dự của một sĩ quan quân lực VNCH.

Ban Tổ Chức cho biết “Chương trình văn nghệ hôm nay là để TƯỞNG NIỆM, để TRI ÂN những người đã nằm xuống, những người đi xây Tự Do, trên quê hương Việt Nam năm xưa. Hơn ai hết, người Việt Tự Do hiểu được giá trị của sự hy sinh của những người lính VNCH. Chúng ta cũng hiểu được cái đau của người bị bỏ rơi, những người bị đồng minh bội phản, nên hôm nay, chúng ta cũng tri ân những chiến sĩ bảo vệ tự do trên toàn thế giới. CÓ MẤT TỰ DO, MỚI THẤM CÁI GIÁ TRỊ của TỰ DO”.

Thành phần ca sĩ của đêm nhạc Tri Ân và Tưởng Niệm ngoài 2 ca sĩ từ Mỹ qua là Huỳnh Phi Tiễn và Ái Ni, còn lại là những giọng ca vững vàng và quen thuộc trong Cộng Đồng, ai cũng đóng góp tiếng hát của mình tự nguyện tự giác. Ban nhạc cũng vậy, chuyên viên âm thanh và ánh sáng cũng vậy, không thù lao. Đêm nhạc hoàn toàn miễn phí, không bán vé. Đã vậy, mục đích của Đêm Nhạc còn là để làm một nghĩa cử đẹp. Đó là mọi đóng góp của đồng bào trong đêm nhạc đều được gởi giúp cho đồng bào bị lụt lội ở 2 tiểu bang Queensland và New South Wales.

2 MC, 1 nam trong quân phục binh chủng Nhảy Dù mũ đỏ oai phong và 1 nữ trong chiếc áo dài VN thướt tha đã dẫn dắt người nghe đi hết một chương trình 20 bài hát về lính, buồn có, vui có và hào hùng cũng có. Tôi không có cái cảm giác 2 MC đang nói bằng lời nói bình thường mà là họ nói bằng âm nhạc, quyện liên tục vào 20 bài hát về lính được trình bày bởi hơn 20 tiếng hát; đơn ca có, song ca có, và hợp ca cũng có.

Chương trình văn nghệ bắt đầu bằng một hoạt cảnh ngắn. Hoạt cảnh Sài Gòn hổn loạn ngày 30/4 năm đó đã làm cho tôi xúc động. Tôi quay qua nói nhỏ với bà xã ngồi bên cạnh là “Xúc động quá!”, không nghe bà nói gì, sau mới biết lúc đó bà cũng nghẹn ngào rơi nước mắt. Tôi ngày ấy cũng là một chứng nhân, giờ thấy lại được mình bàng hoàng trong dòng người hổn loạn đó. Trong những giờ phút cuối cùng của Sài Gòn, trong tiếng súng đạn ầm vang và khói súng mịt mờ sân khấu, người lính Dù Huỳnh Phi Tiễn tức tưởi buông súng bước ra thốt lên tâm tư bi tráng:

“Muôn lớp trai đi nghìn sau theo dấu chân đi vào thiên lý”

Biết bao người xong nợ xương máu chưa trở về

Người đi vào tối vẫn lưu danh cho đời mãi

Nó anh hùng ngày mai”.

Huỳnh Phi Tiễn sau đó đã đưa người nghe đi ngược dòng thời gian, hồi nhớ lại Sài Gòn năm xưa với tâm tình của những thanh niên thời chinh chiến, tâm tình của những người lính cầm súng bảo vệ quê hương qua những nhạc phẩm “Xin anh giữ trọn tình quê”, “Chúng mình 3 đứa”, “Một mai giã từ vũ khí”, … Rồi Ái Ni với dáng dấp của một em gái hậu phương thổi vào trong đêm những âm thanh vui nhộn đượm tình “Người yêu lý tưởng”, “Anh cứ hẹn”, … ủng hộ tinh thần chiến đấu của các anh lính chiến. Đằng sau hình ảnh của những em gái hậu phương là những người vợ lính thầm lặng. Họ là những phụ nữ tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với quà gặp mặt nhỏ nhoi. Họ là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.

Những bài hát khác về lính đã được trải dài trong đêm như “Chiều trên Phá Tam Giang”, “Tình thư của Lính”, “Vườn tao ngộ”, “Tuyết trắng”, “Hoa biển”, “Con đường xưa em đi”, “Qua cơn mê”, “Chiều tây đô”, … Những giọng ca vững vàng và quen thuộc của Cộng Đồng là những Hoàng Trang, Hoàng Hiệp, Lâm Phương, Thảo Nguyên, Triệu Minh, Đoàn Sơn, Tony, Linh Lam, Mai Hương, Cẩm Yến, … đã dùng âm nhạc đưa người nghe trở lại những ngày miền Nam chiến trận leo thang, để TRI ÂN và TƯỞNG NIỆM những người lính đã hy sinh nằm xuống cho chúng ta được sống, những người mang thương đau vì chúng ta, nhưng đã bị lãng quên, nhưng chưa được nhắc tên. Chúng ta hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Hãy giữ gìn và bảo vệ tinh thần Vị Quốc Vong Thân của họ như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc.

“Nghìn lời hát không vơi tình ẩn khuất trong tôi, Cảm ơn anh, cảm ơn anh, người chiến sĩ vô danh” đó là lời ca tiếng hát của một nhóm giọng ca nữ đã thay chúng ta gởi lời tri ân chân thành từ trái tim những người Việt Nam đến các quân binh cán chính đã từng phục vụ trong quân lực VNCH.

Kết thúc chương trình là bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” do ban hợp ca của Hội Phụ Nữ Cộng Đồng khởi xướng để rồi cả hội trường cùng hát vang lên lời ca nêu cao tinh thần quật cường sôi sục ý chí truyền thống của người dân Nam:

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên”.

Vĩnh Thao

Tháng 5/2022