Thursday, December 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Mất ngủ, khó ngủ có nên tự ý dùng thuốc?


Ngày càng nhiều người trẻ, thậm chí cả thanh thiếu niên cũng mắc chứng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ. Vậy khi bị mất ngủ, khó ngủ có nên tự ý mua thuốc về dùng?

Mất ngủ, khó ngủ có nên tự ý dùng thuốc?

1. Mất ngủ là gì?

Cùng với dinh dưỡng, tập thể dục, giấc ngủ là một trong ba trụ cột của sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị người lớn nên ngủ 7- 8 giờ mỗi đêm. 

Các tình trạng liên quan đến rối loạn giấc ngủ:

  • Khó ngủ.
  • Thức dậy vào giữa đêm sau khi ngủ và không thể ngủ lại (mất ngủ dai dẳng).
  • Không thể ngủ lại sau khi thức dậy sớm.
  • Kết hợp các yếu tố trên.

Mất ngủ có thể cấp tính, kéo dài một đêm, thậm chí vài tuần, hoặc mạn tính, nếu một người bị ảnh hưởng bởi nó ít nhất ba đêm một tuần trong ba tháng.

Mất ngủ, khó ngủ có nên tự ý dùng thuốc?- Ảnh 1.
Chứng mất ngủ không còn là“riêng” đối với người già, ngày càng nhiều người trẻ mắc chứng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ.

Nguyên nhân gây mất ngủ là do môi trường, làm việc theo ca, căng thẳng, thói quen ngủ kém, tình trạng bệnh lý tiềm ẩn (bao gồm đau, bệnh tim hoặc tuyến giáp, mãn kinh, trầm cảm, ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản), sử dụng một số loại thuốc, sử dụng chất kích thích caffeine nicotin và rượu…

Phụ nữ có nhiều khả năng bị mất ngủ hơn nam giới. Do sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và sau mãn kinh, các tình trạng sức khỏe như trầm cảm, lo lắng, đau cơ, hoặc u nang buồng trứng cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Người lớn tuổi (trên 60 tuổi), những người trải qua các thay đổi về thể chất hoặc môi trường hoặc mắc bệnh mạn tính cũng có thể bị mất ngủ.

2. Khi nào cần dùng thuốc ngủ?

Mất ngủ có ảnh hưởng lớn đến chức năng nhận thức và chức năng miễn dịch, đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mất ngủ cần có biện pháp điều trị đúng đắn tùy theo nguyên nhân cụ thể và dùng thuốc ngủ khi cần thiết. Vì vậy, việc có nên uống thuốc ngủ hay không cần phải được đánh giá dựa trên mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngủ của bệnh nhân và lý do cụ thể gây ra chứng mất ngủ. 

Bạn nên tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ nếu khó ngủ ít nhất ba đêm một tuần trong ba tháng hoặc nếu chứng mất ngủ cản trở cuộc sống hàng ngày như: Cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh, khó tập trung hoặc ngủ gà gật vào ban ngày.

Mất ngủ, khó ngủ có nên tự ý dùng thuốc?- Ảnh 2.
Chỉ nên sử dụng thuốc ngủ khi cần thiết, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

3. Một số loại thuốc điều trị mất ngủ

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc dùng trị mất ngủ, điển hình như:

– Thuốc benzodiazepin: Bao gồm estazolam, flurazepam (dalmane), temazepam (restoril), quazepam (doral) và triazolam (halcion). Mặc dù vẫn được bác sĩ kê đơn sử dụng, nhưng các thuốc benzodiazepin có thể gây nghiện hơn và thường không được dùng lâu dài.

Các loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ, khiến người bệnh cảm thấy uể oải vào buổi sáng, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.  Ngoài ra, nếu ngừng sử dụng thuốc benzodiazepin trong thời gian dài đột ngột sẽ có nguy cơ xảy ra “triệu chứng cai thuốc” như run tay, đánh trống ngực, trầm cảm, thậm chí có thể gây co giật.

– Thuốc kháng histamin: Các thuốc này bao gồm diphenhydramine (benadryl), doxylamine (unisom)… có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, được sử dụng trong một số trường hợp mất ngủ cụ thể. Tác dụng gây ngủ thường không mạnh và mỗi người có cảm giác buồn ngủ khác nhau.

 Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm cũng có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ trong một số trường hợp. Các thuốc này bao gồm: Mitazepine, quetiapine, trazodone (desyrel)… thường được kê đơn ở liều thấp hơn, ít gây ra tác dụng phụ hơn.

– Melatonin được coi là một trong những loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn an toàn hơn, được dùng khi mất ngủ do thay đổi múi giờ (đi du lịch)…

Tóm lại, mất ngủ là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ở cả người khỏe mạnh lẫn người mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, mất ngủ có thể là triệu chứng của rối loạn não và thần kinh. Vì vậy, khi có triệu chứng mất ngủ người bệnh cần đi khám, để đánh giá và bắt đầu điều trị chứng mất ngủ kịp thời, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ càng sớm càng tốt.

Chỉ nên sử dụng thuốc ngủ khi cần thiết, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và nên bắt đầu ở liều thấp nhất để giảm thiểu tần suất sử dụng, không nên sử dụng liên tục trong thời gian dài để giảm nguy cơ xảy ra phản ứng phụ do sử dụng thuốc ngủ. (T/H, SKDS)