Tuesday, January 21, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam Công Bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2024

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam


Thông cáo báo chí, ngày 18/11/2024

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) đã công bố kết quả Giải Nhân Quyền Việt Nam (GNQVN)  năm 2024 qua một buổi họp báo trên Facebook và Youtube vào hồi 8 giờ sáng (giờ California, tức 5 giờ chiều ở Tây Âu, và 11 giờ đêm ở Việt Nam) ngày Thứ Hai 18 tháng 11 năm 2024.

Buổi sinh hoạt được điều phối bởi cô Tâm An, Tổng thư ký MLNQVN. Sau khi TS  Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều Hành MLNQVN, tóm lược sự hình thành, mục đích, quá trình tổ chức GNQVN hàng năm, và kết quả của GNQVN 2024, ba thành viên trong Ban Tuyển Chọn là Bà Quản Mỹ Lan, Ông Vũ Hoàng Hải, và TS Trương Minh Trí đã lần lượt trình bày thành tích của ba khôi nguyên GNQVN 2024.

Cô Phạm Thanh Nghiên, khôi nguyên GNQVN 2012, nhân dịp nầy, đã chia sẻ cảm nghĩ của một người đã nhận GNQVN khi cô mới ra khỏi tù sau bản án 4 năm với tội danh “tuyên truyền chống phá Nhà nước”.

Cuối cùng, Nha sĩ Chu Văn Cương, CT Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston và là Trưởng Ban Tổ chức Lễ Trao Giải NQVN 2024 trình bày sơ lược về việc tổ chức Lễ trao GNQVN 2024 vào ngày 15 tháng 12 sắp đến.

Được thành lập từ năm 2002, GNQVN được trao hàng năm cho cho các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho nhân dân Việt Nam. GNQVN còn là nhịp cầu nối kết giữa Việt ở hải ngoại với các tổ chức và và cá nhân đang dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam. Trong 22 năm qua đã có 58 cá nhân và 6 tổ chức được tuyên dương và trao GNQVN.

Sau đây là tóm lược thành tích đấu tranh cho nhân quyền của các người được trao GNQVN năm 2024.

Tù nhân lương tâm BÙI VĂN THUẬN

Nhà hoạt động nhân quyền Bùi Văn Thuận, sinh năm 1981 tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, là người dân tộc Mường.

Ông từng là sinh viên của Trường Cao đẳng Thương mại Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời còn là sinh viên ông đã quan tâm đến tình hình đất nước và tham gia một số hoạt động xã hội. Sau khi ra trường, ông dạy học tại một số trường trung học dân lập tại Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, ông tham gia một số cuộc biểu tình chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc đối với lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, và và phản đối thảm họa môi trường do Công ty Thép Formosa ở Hà Tĩnh hồi năm 2016.

Qua mạng xã hội ông thường xuyên lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền và các tù nhân chính trị như Mục sư Nguyễn Trung Tôn, gia đình bà Cấn Thị Thêu, Phạm Đoan Trang… và bênh vực những dân oan Đồng Tâm.

Ông công khai chỉ trích những tranh chấp trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN, những bất cập của chính quyền trong việc xử lý dịch bệnh COVID-19, và hô hào tẩy chay các cuộc bầu cử không dân chủ trên toàn quốc năm 2016 và 2021.

Ngoài ra Bùi Văn Thuận còn tham gia Hội Anh em Dân chủ và nhóm “Nghiên cứu Thể chế” với một số nhà hoạt động khác nhằm nghiên cứu và chuyển đổi thể chế Việt Nam từ độc tài toàn trị sang dân chủ pháp trị.

Vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ của ông, Bùi Văn Thuận và gia đình ông thường xuyên bị công an theo dõi. Trong năm 2016 và 2017, công an đã gây sức ép với các chủ nhà đuổi ông và gia đình ra khỏi nhà thuê đến ba lần. Liên tục bị sách nhiễu, Bùi Văn Thuận từ bỏ việc dạy học ở Hà Nội và chuyển vào tỉnh Thanh Hóa, ở đó ông kiếm sống bằng cách bán thực phẩm trên Facebook.

Facebook của ông Thuận thường xuyên bị báo cáo vi phạm và bị khoá từ 3 ngày cho đến 30 ngày, thậm chí là cấm hiển thị ở Việt Nam trong gần một năm trời, và bị xoá các bài viết chỉ trích chính quyền.

Cuối cùng, ngày 30/08/2021, ông Thuận bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều luật 117 của Bộ luật Hình sự.

Ngày 18/11/2022, Tòa án tỉnh Thanh Hóa trong phiên xử sơ thẩm đã tuyên án ông Bùi Văn Thuận 8 năm tù giam và 5 năm quản chế. Trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông Thuận luôn tuyên bố mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong bản cáo trạng. Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông tuyên bố: “Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn gởi lời cảm ơn đến ba luật sư đã giúp bào chữa cho tôi. Có thể nói tôi là nạn nhân của thứ pháp luật xôi lạc… Tôi bỏ quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử.”

Hiện ông Thuận đang bị giam tại trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, một trong những trại nổi tiếng về sự khắc nghiệt. Hơn thế nữa, ông còn bị ngược đãi với những hình phạt dã man, điển hình là bị giam trong “chuồng cọp.”

Trong tháng 10 năm nay ông Thuận cùng hai tù nhân lương tâm khác là Trịnh Bá Tư và Đặng Đình Bách đã tuyệt thực ba tuần lễ để đòi hỏi cãi thiện chế độ giam giữ  và thả các tù nhân chính trị.

Không quản ngại gian nguy và tù đày, tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận đã thể hiện lý tưởng vì nhân quyền, vì công bằng xã hội, và vì sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương. Ông xứng đáng được tuyên dương và trao Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2024.

Tù nhân lương tâm ĐẶNG ĐĂNG PHƯỚC

Ông Đặng Đăng Phước, sinh năm 1963 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, sau đó làm giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ông từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam và đóng quân tại Lào trong 4 năm. Sau khi rời quân ngũ, ông trở lại nghề dạy nhạc.

Trong thời gian nầy ông bắt đầu dấn thân hoạt động cho nhân quyền và dân chủ. Phương tiện chính là mạng Internet. Ông có 2 tài khoản Facebook, qua đó ông lên tiếng đòi quyền đất đai cho các nhóm dân tộc thiểu số Cao nguyên và tố cáo tình trạng tham nhũng. Ông đòi hỏi chính quyền bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân, bao gồm quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, lập hội, hội họp và tôn giáo.  Ông công khai phản đối luật An ninh mạng năm 2018 và thảm họa ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung do công ty Formosa gây ra.

Ông tham gia một số kiến ​​nghị ủng hộ dân chủ, như Bản kiến ​​nghị 72 vào tháng 1 năm 2013, kêu gọi thay đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng, và Tuyên ngôn Công dân Tự do vào tháng 2 năm 2013, nhằm bãi bỏ điều 4 của hiến pháp Việt Nam thiết định quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông cũng thường xuyên tham gia các hội nhóm và diễn đàn trên mạng xã hội để ủng hộ hoạt động của các nhóm bất đồng chính kiến như “No U”, “Phổ biến Hiến pháp”, và lên tiếng bênh vực các nhà hoạt động bị giam giữ như Nguyễn Lân Thắng, Phạm Chí Dũng và Bùi Tuấn Lâm…

Ngoài hai trang Facebook của mình, ông còn có một blog Thư viện âm nhạc giá trị, có 3,5 triệu lượt xem, gồm các bài viết về âm nhạc, giáo dục và chính trị. Ông Phước cũng đã biểu diễn trên Facebook các bài hát yêu nước của các nhà hoạt động, như “Con đường Việt Nam” của ca nhạc sĩ Việt Khang, và “Đoàn xiếc lớn trên quê hương nhỏ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Vì những hoạt động cho nhân quyền và dân chủ, ông đã nhiều lần đối diện với sức ép của nhà trường, sở giáo dục và cơ quan an ninh nhà nước.

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2022, công an Đắk Lắk đã bắt giữ ông với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, theo điều 117 của bộ luật hình sự

Ngày 6 tháng 6 năm 2023 tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã xử sơ thẩm và kết án Đặng Đăng Phước 8 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh nêu trên. Ông Phước kháng cáo bản án. Ngày 26 tháng 9 năm 2023, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đã giữ nguyên bản án trong một phiên phúc thẩm kéo dài chỉ hai giờ. Trong cả hai phiên tòa ông Phước phản đối bản án và tuyên bố mình vô tội.

Hiện nay ông Phước đang bị giam tại Nhà tù Xuân Phước, tỉnh Phú Yên. Trong tháng 5, 2024, ông Phước bị giam tại buồng kỷ luật 10 ngày vì cho đã “vi phạm nội quy cơ sở giam giữ,” và chỉ được gặp thân nhân hai tháng một lần thay vì mỗi tháng một lần cho đến khi “được công nhận cải tạo tiến bộ.”

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền (HRW), kêu gọi Việt Nam huỷ bỏ cáo buộc và trả tự do cho ông.

Với lòng nhân ái bao la dành cho dân nghèo thấp cổ bé miệng và tinh thần đấu tranh kiên trì cho lý tưởng nhân quyền, Ông Đặng Đăng Phước xứng đáng được tuyên dương và nhận Giải NQVN 2024.

Tù nhân lương tâm ĐỖ NAM TRUNG

Ông Đỗ Nam Trung sinh năm 1981 tại tỉnh Nam Định. Do hoàn cảnh khó khăn về tài chánh nên sau khi học xong phổ thông, ông không thể học đại học. Sau đó, ông làm tài xế xe khách của công ty vận tải Hoàng Long trên tuyến Bắc-Nam.

Đầu năm 2011, Đỗ Nam Trung bị ngồi tù 9 tháng vì một tai nạn giao thông mà ông không phải là người có lỗi. Trong tù ông suy nghĩ rất nhiều về bản án oan đó cũng như những bất công trong xã hội Việt Nam.

Sau khi ra tù ông bước vào còn đường đấu tranh chống lại những sai trái trong xã hội. Ông tham gia nhiều phong trào hoạt động, trong đó có “đánh BOT”, một hình thức phản đối ôn hòa những trạm thu phí trên các trục lộ giao thông đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá mức, và các cuộc biểu tình ôn hoà khác để phản đối nhà cầm quyền phá hạ cây xanh không lý do chính đáng.

Ông Đỗ Nam Trung bắt đầu sử dụng mạng xã hội facebook từ năm 2012 và thường xuyên thể hiện quan điểm cá nhân về đời sống xã hội – chính trị trên không gian mạng này.

Là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, ông tham gia việc đưa tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam vào tháng 5 năm 2014. Ông và hai nhà hoạt động khác bị công an tỉnh Đồng Nai bắt ngày 15-05-2014 khi đang ghi lại hình ảnh cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Đồng Nai. Cả ba bị kết án hơn một năm tù vì tội ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự 1999 vào ngày 12-02-2015.

Mãn án tù, Trung trở lại tiếp tục các hoạt động đấu tranh của mình. Ông tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân như cuộc biểu tình phản đối Formosa năm 2016, cuộc biểu tình phản đối Dự luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu kinh tế năm 2018.

Không chỉ lên tiếng phê phán chính quyền và tham dự các cuộc biểu tình, ông Đỗ Nam Trung còn tham gia các nhóm nhân đạo để hỗ trợ các nạn nhân bị thiên tai và ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền.

Tháng Mười năm 2019, Đỗ Nam Trung tham dự Hội nghị về Nhân quyền tại Ireland theo lời mời của tổ chức Frontline Defenders. Tại diễn đàn này, ông đã trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam và vận động cho hai tù nhân lương tâm Hà Văn Nam và Trần Thị Nga.

Chính những hoạt động của Đỗ Nam Trung đã khiến nhà cầm quyền bực tức, và tìm cách loại trừ ông. Ngày 06-7-2021, Đỗ Nam Trung bị bắt ở Hà Nội.  Ngày 16-12-2021, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xử sơ thẩm Đỗ Nam Trung 10 năm tù giam và 4 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ngày 24/3/2022 Toà án cấp cao Hà Nội xử phúc thẩm và y án sơ thẩm.

Theo luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh, trong quá trình xử án, ông Trung luôn giữ quan điểm rằng những phát ngôn của ông trong các clip, bài viết là thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Hiến Pháp quy định và vì vậy ông cho rằng xét xử có tội là bị oan.

Cao Ủy Nhân quyền LHQ cho rằng việc bắt giữ và kết án ông Đỗ Nam Trung là tuỳ tiện, vi phạm nhiều quyền cơ bản của con người quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền và Ân xá Quốc tế đã  lên tiếng bênh vực cho ông Trung, nói rằng “ông không làm gì sai”, và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông.

Hiện nay Đỗ Nam Trung đang bị gian giữ tại trại giam số 5, tỉnh Thanh Hóa.

Với ý thức và nhiệt huyết đấu tranh cho nhân quyền, công bằng xã hội, và sự vẹn toàn lãnh thổ, ông Đỗ Nam Trung đã bất chấp tù đày, can đảm đương đầu với bạo quyền. Vì thế ông xứng đáng được tuyên dương và trao Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2024.