Lý do vì sao bệnh nhân mắc Covid-19 dù đã khỏi nhưng vẫn mệt mỏi kéo dài
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Emory, Atlanta vừa phát hiện 50% bệnh nhân mắc Covid-19 sản sinh ra các “tự kháng thể” tấn công tế bào người, thay vì tấn công virus.
Theo đó, các nhà nghiên cứu từ Đại học Emory, Atlanta, xét nghiệm bệnh phẩm 52 bệnh nhân Covid-19 nặng, không có tiền sử rối loạn tự miễn.
Họ phát hiện cơ thể gần 50% bệnh nhân sản sinh ra các “tự kháng thể” tấn công vật chất di truyền từ tế bào người, thay vì tấn công virus. Hiện tượng này tương tự với bệnh lupus ban đỏ hay viêm khớp dạng thấp.
Nhóm nghiên cứu lo ngại phản ứng miễn dịch sai hướng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng Covid-19. Điều này giải thích tại sao nhiều bệnh nhân trên thế giới trải qua tình trạng mệt mỏi kéo dài sau khi khỏi Covid-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, nếu tự kháng thể nCoV tồn tại lâu dài như đối với các rối loạn tự miễn khác, các vấn đề sức khỏe sau khi nhiễm bệnh có thể kéo dài suốt đời.
Song, nghiên cứu này cung cấp một gợi ý quan trọng đó là những bệnh nhân sản sinh kháng thể tự động đáp ứng tốt hơn với thuốc điều trị. Khi đó, tùy từng đối tượng, ta có thể kê thuốc liều mạnh hơn và chờ đợi bệnh tiến triển tốt hơn.
Các nhà khoa học khác, không thuộc nhóm nghiên cứu cho biết, virus có xu hướng tạo kháng thể tự động. Rất có thể những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, trung bình cũng có thể tạo phản ứng kháng thể này.
Nghiên cứu cho thấy số người Anh mang kháng thể chống lại nCoV giảm 27% trong 3 tháng mùa hè, dấy lên lo ngại miễn dịch không thể duy trì. Tuy nhiên, một vài chuyên gia cho rằng điều này đang bị thổi phồng và có phần vô lý. Việc số lượng kháng thể giảm sau khi cơ thể đã loại bỏ viêm nhiễm là điều bình thường.
Các tế bào miễn dịch có thể ghi nhớ thông tin của loại virus đó và sản xuất kháng thể mới khi cần.
Kết quả cũng làm dấy lên nghi hoặc về khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua việc sử dụng vắc-xin. Còn quá sớm để biết kháng thể với nCoV có thể kéo dài bao lâu và liệu những người từng mắc bệnh có thể tái nhiễm hay không. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng nỗi lo ngại về vắc-xin là không có căn cứ.
Chuyên gia virus tại Trung tâm nghiên cứu miễn dịch La Jolla, Shane Crotty, cho biết vắc-xin không nhất thiết bắt chước hoặc tái hiện y hệt nhiễm trùng thông thường. Vì thế kết quả này không đáng báo động.
Công trình cũng chỉ ra sự tồn tại kháng thể trên quy mô cộng đồng hơn là từng cá nhân. Vài nghiên cứu khác đã cho thấy lượng kháng thể ở một số bệnh nhân duy trì ổn định sau khi suy giảm và có thể kéo dài từ 4 đến 7 tháng.
Báo cáo của Anh dựa trên kết quả test nhanh của 350.000 người. Trong ba tháng, số người có dấu vết của kháng thể trong máu giảm từ 6% xuống 4,8%. Nhóm có lượng sụt giảm lớn nhất là trên 75 tuổi và nhỏ nhất là khoảng 18-24 tuổi.
Mặc dù vậy, phân tích theo hướng khác, 73% số người có kháng thể trong lần xét nghiệm đầu tiên vẫn duy trì kết quả dương tính sau nhiều tháng. Theo tiến sĩ Antonio Bertoletti, chuyên gia virus tại Đại học Duke NUS (Singapore), sự sụt giảm này không phải là quá lớn.
Hiện tiến trình phát triển và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 vẫn đang gấp rút. Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca Plc (trụ sở tại Anh) cho biết, các nhà quản lý y tế của Vương quốc Anh đã bắt đầu đánh giá vắc-xin tiềm năng của hãng này.
Trong quá trình thử nghiệm, vắc-xin của hãng tạo ra được phản ứng miễn dịch ở cả người già và người trưởng thành, cũng như gây ra ít phản ứng phụ có hại ở người cao tuổi.
Israel cũng thông báo bắt đầu những thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin tiềm năng ngừa Covid-19. Vắc-xin do Viện Nghiên cứu sinh học Israel (IIBR) phát triển đã bước vào giai đoạn mới khi 2 tình nguyện viên được thử vắc-xin ngày 1/11.
Theo kế hoạch, ban đầu Israel sẽ thử nghiệm vắc-xin này trên 80 người, trước khi mở rộng lên 980 người ở giai đoạn 2 và 25.000 người ở giai đoạn cuối dự kiến vào giữa năm sau.
Theo WHO, hiện có khoảng 40 “ứng viên vắc-xin” được thử nghiệm trên toàn thế giới. 10 trong số đó đang ở giai đoạn cao nhất, với tính hiệu quả được đo lường trên quy mô hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. (V/Q)