Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lý do Ứng viên Tổng thống Mỹ đạt nhiều phiếu nhất chưa chắc đã thắng


Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 5/11, nhưng có khả năng ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ không phải là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

The candidate with the most votes won’t necessarily win the election | BBC News
Mỹ bầu cử tổng thống thông qua hệ thống đại cử tri. Hình BBC

Khi người Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 11, hầu hết sẽ chọn ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hoặc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, những lá phiếu đó không trực tiếp quyết định ai sẽ giành chiến thắng, BBC nhận định. Trên thực tế, chính đại cử tri mới nắm trong tay quyền này.

Theo New York Times, nói cách khác, người có số phiếu phổ thông cao nhất chưa chắc đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Mỹ đã duy trì hệ thống đại cử tri suốt 200 năm qua, và phần lớn người Mỹ mong muốn ứng viên giành được số phiếu nhiều nhất trên toàn quốc sẽ lên nắm quyền tổng thống.

Đại cử tri là gì và cách hoạt động

Xét trên khía cạnh đại cử tri bầu tổng thống, đây là cuộc đua theo từng tiểu bang. Số lượng đại cử tri của mỗi tiểu bang bằng với số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ tiểu bang đó đại diện trong Quốc hội Mỹ. Với tổng 538 đại cử tri, ứng viên thắng cần được đa số phiếu bầu, tương đương 270 phiếu trở lên.

Tiểu bang có số phiếu đại cử tri ít nhất (3 phiếu) là Alaska, Delaware, South Dakota, North Dakota, Vermont và Wyoming. Trong khi đó, California có nhiều nhất với 54 phiếu, theo sau là Texas (40) và Florida (30).

Nhìn chung, các tiểu bang trao toàn bộ phiếu đại cử tri cho ứng viên dẫn đầu về phiếu phổ thông. 48 tiểu bang áp dụng quy tắc “được ăn cả”, tức là chiếm được đa số ở một tiểu bang sẽ nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Còn tiểu bang Maine và Nebraska lại chia phiếu theo khu vực bầu cử.

Với cuộc bỏ phiếu đang diễn ra giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump trong một trong những cuộc đua khó đoán nhất trong lịch sử gần đây, có một số kịch bản có thể xảy ra.

Ví dụ, nếu một ứng cử viên vượt quá bán, chỉ 50.1% số phiếu bầu ở Texas, họ sẽ có toàn bộ 40 phiếu đại cử tri của tiểu bang. Trong khi đó, một ứng viên dù chiến thắng áp đảo cũng sẽ giành được từng đó phiếu.

Ở một số tiểu bang, về mặt lý thuyết, đại cử tri có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên nào họ thích, bất kể cử tri ủng hộ ai. Nếu một đại cử tri không bỏ phiếu giống cử tri phổ thông, họ sẽ bị coi là “bất trung”. Ở một số tiểu bang, đại cử tri “bất trung” có thể bị phạt tiền hoặc truy tố.

Các tiểu bang chọn đại cử tri 4 năm một lần, nhiều tháng trước ngày bầu cử. Một số tiểu bang chọn đại cử tri thông qua các đại hội đảng. Đạo luật Cải cách Số phiếu bầu, có hiệu lực vào năm 2022, chỉ định thống đốc là người chứng nhận đại cử tri của tiểu bang.

“Khi bỏ phiếu, mặc dù cử tri không nhìn thấy tên của họ, chúng ta vẫn bỏ phiếu cho những đại cử tri đó”, John F. Kowal – đồng tác giả cuốn sách The People’s Constitution – nhận định.

Các đại cử tri họp và bỏ phiếu bầu tổng thống cùng phó tổng thống vào giữa tháng 12. Sau đó, từng tiểu bang sẽ gửi giấy xác nhận tới Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ sẽ kiểm phiếu và chứng thực kết quả vào ngày 6/1.

Khi số phiếu đại cử tri hòa nha (269-269), Hạ viện được chỉ định bầu tổng thống, Thượng viện sẽ bầu phó tổng thống.

Số đại cử tri của từng bang. Đồ họa BBC

Tại sao Mỹ lại duy trì hệ thống này?

Mùa hè năm 1787, các đại biểu – đều là những người đàn ông da trắng – tham dự Hội nghị Hiến pháp tại Philadelphia bế tắc trong cách bầu ra tổng thống.

Thay vì bầu tổng thống bằng cách bỏ phiếu tại Quốc hội hoặc bỏ phiếu phổ thông, họ đồng tình xây dựng hệ thống đại cử tri. Các đại biểu tin rằng đại cử tri sẽ bảo đảm chỉ duy nhất một cá nhân đủ tiêu chuẩn mới trở thành tổng thống. Đại cử tri sẽ xác nhận đánh giá của công chúng có chính xác không, vốn là những người dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch, đặc biệt là từ thế lực nước ngoài.

Ý tưởng về đại cử tri đã thúc đẩy các tiểu bang ở miền Nam – vốn có nhiều nô lệ – được phân bổ thêm số phiếu đại cử tri. Trong khi đó, những tiểu bang nhỏ cũng có tiếng nói, khi các ứng viên không thể chỉ để mắt tới các thành phố lớn, tiểu bang đông dân mà phớt lờ những nơi khác.

Hệ thống đại cử tri có đang hoạt động hiệu quả?

Đại cử tri đoàn chủ yếu phản ánh nguyện vọng của người dân Mỹ, nhưng 2/6 cuộc bầu cử gần đây, các ứng viên thua phiếu phổ thông nhưng lại giành được phiếu đại cử tri và Nhà Trắng.

Năm 2016, ông Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton dù có ít hơn gần 3 triệu phiếu phổ thông. Năm 2000, ông George W Bush thắng ông Al Gore dù ứng viên đảng Dân chủ giành được hơn nửa triệu phiếu phổ thông. Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 3 tổng thống khác chiến thắng với kịch bản tương tự, tất cả đều ở thế kỷ XIX.

Cử tri ở các tiểu bang nhỏ, so với các tiểu bang lớn, có ảnh hưởng lớn đến đại cử tri hơn. Vì thế, các tiểu bang nhỏ ở vùng nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt. Hiện tại, các tiểu bang này thường ủng hộ đảng Cộng hòa, nên đảng có thể giành được phiếu đại cử tri dù thua phiếu phổ thông toàn quốc, giống như năm 2000 và 2016.

Khi có thể dễ dàng dự đoán kết quả ở một số tiểu bang “xanh” và tiểu bang “đỏ”, các ứng viên thường dồn nhiều nguồn lực vào một số tiểu bang dao động. Phần còn lại của đất nước bị bỏ qua, và điều này hoàn toàn trái ngược với mục đích ban đầu của đại cử tri đoàn.

Điểm mạnh và điểm yếu

Nhìn chung, hệ thống bầu cử qua đại cử tri tồn tại cả ưu lẫn nhược điểm.

Về ưu điểm, hệ thống cho phép các tiểu bang nhỏ hơn vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của các ứng viên. Ngoài ra, các ứng viên không cần dàn trải khắp cả nước mà có thể chỉ tập trung vào những tiểu bang then chốt. Việc kiểm phiếu lại cũng dễ dàng hơn, khi chỉ tiểu bang có tranh cãi mới làm vậy.

Về nhược điểm, có thể thấy người thắng phiếu phổ thông vẫn có nguy cơ thua bầu cử. Một số cử tri cảm thấy phiếu bầu của họ không quan trọng, trong khi các tiểu bang dao động nắm trong tay “quyền sinh quyền sát”.

Trong tương lai, Mỹ vẫn có thể thay đổi hệ thống này, thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. (T/H, Z/N)