Tuesday, November 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Luật An ninh Quốc gia -Mối đe dọa đối với quyền tự do báo chí của Hong Kong

Cùng với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị áp dụng luật an ninh quốc gia (ANQG) ở Hong Kong, vấn đề tự do báo chí trong tương lai theo đó cũng đang được quan sát và theo dõi sát sao.

Trong một tuyên bố vào ngày 19/6, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris đã đề cập đến các rủi ro mà các nhà báo ở Hong Kong sẽ phải đối mặt sau khi luật ANQG được ban hành. Một ngày trước đó, tổ chức thương mại Hiệp hội Nhà báo Hong Kong (HKJA) cho biết hầu hết các thành viên của nhóm đều phản đối điều luật này.

Ông Cédric Alviani, người đứng đầu văn phòng RSF khu vực Đông Á cho biết: “Một điều luật như vậy (luật ANQG) sẽ là cái cớ để ĐCSTQ sách nhiễu và trừng phạt một cách “hợp pháp” bất kỳ nhà báo Hong Kong nào họ không thích”.

Ông Alviani nói thêm rằng: “Phần lớn trong số 114 nhà báo hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc [đại lục] bị cáo buộc liên quan đến các tội danh về ANQG”. Trung Quốc đứng thứ 177 trên 180 quốc gia trong bảng đánh giá chỉ số tự do báo chí thế giới hàng năm của RSF.

Ngày 28/5, Trung Quốc đã thông qua quyết định áp đặt luật ANQG tại Hong Kong sau cuộc bỏ phiếu theo nghi thức của cơ quan lập pháp Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC). Điều luật này sẽ cho phép quy tội và tố tụng hình sự những người tham gia vào các hoạt động liên quan đến lật đổ chính quyền, ly khai, khủng bố và can thiệp nước ngoài.

Ngày 18/6, Bắc Kinh tuyên bố rằng Ủy ban Thường trực của NPC đang cân nhắc việc soạn thảo điều luật ANQG đối với Hong Kong.

RSF cảnh báo rằng, những nhà báo đưa tin về phong trào biểu tình rầm rộ tại Hong Kong nhằm chống lại sự can thiệp của Bắc Kinh, có thể “bị truy tố theo luật ANQG với tội khủng bố”, do bà Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thường xuyên gọi  phong trào này của người dân Hong Kong là “khủng bố”.

Các nhà báo cũng có nguy cơ bị buộc tội “ly khai” nếu viết về bản sắc văn hóa hay phong trào Hong Kong, RSF cho biết.

RSF chỉ ra rằng, người từng bị chính phủ Hong Kong từ chối gia hạn thị thực  năm 2018 sau khi tổ chức một hội thảo về một nhà hoạt động xã hội thúc đẩy độc lập chính thức của Hong Kong, ông Victor Mallet, sẽ bị buộc tội ly khai pháp luật.

Tội danh “kích động nổi loạn” có thể được gán cho các nhà báo chuyên đưa tin về các phong trào ủng hộ Hong Kong độc lập, hoặc trích dẫn lời phát biểu của các nhà hoạt động ủng hộ quyền độc lập của Hong Kong.

Một chuyên gia RSF phân tích về cáo buộc “nổi loạn” rằng: “Hình phạt có thể vươn tầm kiểm soát tới các tờ báo có đăng các [bài viết mang] ý kiến ​​chỉ trích chính phủ Trung Quốc hoặc các tin tức điều tra liên quan đến các hành vi bất hợp pháp của các quan chức Trung Quốc”,”.

Theo RSF, nhân viên các hãng truyền thông nước ngoài và các nguồn tin của họ ở Hong Kong có thể bị buộc tội “phục vụ các thế lực nước ngoài”, đặt họ vào nguy cơ phải chịu sự “giám sát, quấy rối, bạo lực hoặc trừng phạt”.

Ngày 18/6, ông Chris Yeung, chủ tịch HKJA, đã công bố kết quả khảo sát của 150 thành viên được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 8/6 đến 11/6.

Tại một cuộc họp báo, chủ tịch Yeung tuyên bố rằng 147 đối tượng khảo sát (98%) phản đối luật ANQG, trong khi 2 người khác không có ý kiến ​​và 1 người ủng hộ luật này.

Khi được hỏi liệu điều luật có ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí của Hong Kong hay không, có 131 người được hỏi (87%) cho biết luật này sẽ có tác động nghiêm trọng, trong khi chỉ có 1 người cho biết sẽ không có bất kỳ tác động nào.

71% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giảm số lượng đưa tin và 87% đối tượng khảo sát nói họ sẽ ngừng đưa tin về một số chủ đề nhạy cảm nhất định, như vấn đề độc lập của Đài Loan, độc lập của Hong Kong, hay cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tất cả những chủ đề này đều bị cấm ở Trung Quốc, bởi vì chúng thách thức yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ đối với các lãnh thổ đó.

122 người được hỏi, tức 81% số người cho biết họ tin rằng các công ty truyền thông sẽ bắt đầu chế độ tự kiểm duyệt một khi luật này được ban hành.

Về tương lai của nền tự do báo chí tại Hong Kong, 95 người được hỏi (63%) cảm thấy “cực kỳ bi quan”, 53 người (35%) cho biết họ thấy “rất bi quan”, trong khi chỉ có 1 người được hỏi trả lời “rất lạc quan”.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Yeung cho biết, nhiều người biểu tình gần đây đã giơ cao những tấm biển có ghi: “Trời sẽ hủy diệt ĐCSTQ”. Ông nói rằng sau khi điều luật ANQG được áp dụng tại Hong Kong, các công ty truyền thông có thể sẽ cảm thấy lo lắng về việc liệu họ có thể sử dụng bất kỳ bức ảnh có hình của tấm biển này mà phóng viên của họ vô tình chụp được hay không.

NTD, Theo The Epoch Times