Lừa đảo kiểu ‘Brush Scam’ qua hạt giống hay quà tặng là gì?
Mấy tuần gần đây, nước Mỹ cũng như tại Melbourne, Úc Châu và thế giới lại nháo nhào với loạt gói hạt giống hoặc các sản phẩm linh tinh gửi ào ạt từ Trung Quốc. Đây là một chiến dịch thuộc kiểu lừa đảo gọi là ‘Brush Scam’.
Những công ty bán hàng trên mạng như Amazon và eBay đều sử dụng thuật toán để đánh giá mức độ ưu tiên của một người bán hàng và từ đó, quyết định cho phép họ được hiển thị hàng hóa ở mức độ nào, mỗi khi khách hàng muốn tìm kiếm một món hàng trong hàng tỉ mặt hàng với hàng trăm ngàn người bán khác nhau.
Thí dụ, khi bạn cần mua một cây kéo, bạn sẽ vào Amazon hay eBay và đánh từ “kéo” vào ô tìm kiếm. Với hàng ngàn người bán khác nhau cùng bán một mặt hàng, thuật toán của Amazon hay eBay sẽ ưu tiên cho ra kết quả với những cửa hàng nào đã có được nhiều đánh giá cao nhất từ khách hàng, xếp hạng theo số lượng ngôi sao (từ 1 đến 5 sao). Nếu bạn bán một món hàng trên eBay hay Amazon, nhưng có được rất ít những lời nhận xét hay khen ngợi từ khách hàng thì cơ may mà bảng hiệu hoặc món hàng của bạn được hiện ra khi khách hàng muốn kiếm sẽ là rất thấp.
Từ sự cạnh tranh này, thị trường mua bán qua mạng internet xuất hiện Brush Scam. Tức là cách thức làm gia tăng những lời nhận xét và đánh giá cao (giả mạo) từ khách hàng (thật – nhưng lại không thật). Amazon hay eBay đều có các chính sách nhằm chống lại việc các nhà buôn tự mình tạo tài khoản giả mạo để tự khen. Họ luôn kiểm tra và đối chiếu những nhận xét với hồ sơ mua bán, để chắc chắn rằng những lời khen tặng và đánh giá là thật sự xuất phát từ các đơn đặt hàng có thật. Người ta gọi những khách hàng này là “Verified Buyer” hay “Verified Purchase”.
KẼ HỞ KHÓ TRÁNH
Một trong những cách thông thường để một nhà buôn có thể gia tăng lời khen tặng đối với sản phẩm của mình là gửi tặng sản phẩm cho khách hàng với lời yêu cầu xài thử và đánh giá giúp họ. Khách hàng luôn có cảm tình với nhà buôn sau khi nhận được quà tặng và kết quả là người ta sẽ viết lên những lời nhận xét thiên kiến. Dù sao thì bạn cũng khó mà chê trách một sản phẩm nếu nó miễn phí.
Để đối phó với các phương pháp gia tăng những lời khen không thật, Amazon ban hành quy luật, buộc các nhà buôn và khách hàng phải viết rõ trong phần đánh giá sản phẩm, rằng họ đã nhận được sản phẩm như một thứ quà tặng và đổi lại là lời khen tặng, đánh giá. Quy tắc này tỏ ra hiệu quả và nó mau chóng bị các nhà buôn từ bỏ, ít dùng đến nữa. Về phần những khách hàng đang phân vân và chọn lựa để mua một món hàng, người ta cũng không tin tưởng nhiều lắm đối với những lời đánh giá đến từ những người nhận được quà tặng. Người ta chỉ tin vào những lời đánh giá đã được Amazon chứng nhận là “Verified Buyer” hay “Verified Purchase”.
BRUSH SCAM HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Trước hết, kẽ hở này đến từ một khế ước ưu đãi của Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) dành cho Trung Quốc và Hong Kong và sau đó là Singapore và Hàn Quốc. Khế ước này cho phép các quốc gia kể trên được gửi các gói bưu phẩm nhỏ đến Mỹ với cái giá rẻ gần như là không tưởng. Nó còn rẻ hơn cả cước phí mà người dân của các nước trên phải trả khi gửi hàng trong nội địa. Hình thức này có tên chính thức là ePacket. Một gói hàng nặng dưới 4,4 pound (gần 2 kg) gửi từ Thượng Hải qua Mỹ có giá cước phí rẻ hơn cả khi gửi nó sang Hong Kong hay một tỉnh lân cận nào đó ngay trong nội địa Trung Quốc.
Phó Chủ tịch về chính sách quốc tế của công ty Amazon, Paul Misener, từng chỉ ra rằng, một gói hàng hóa nặng một pound (gửi từ tiểu bang South Carolina sang tiểu bang New York tốn gần 6 USD cước phí; trong khi cũng gói hàng đó, nếu gửi từ Bắc Kinh sang New York chỉ tốn 3,66 USD. Cùng lúc, nếu gói hàng đó gửi từ New York sang Bắc Kinh thì cước phí sẽ là khoảng 50 USD. Từ sự ưu đãi của Bưu điện Hoa Kỳ – mà tốn phí và thiệt hại sẽ do người đóng thuế ở Mỹ gánh chịu – các nhà buôn ma giáo từ Trung Quốc “sáng tạo” ra Brush Scam, một phương thức giúp nâng cao mức độ khen tặng/đánh giá/và nâng khống tầm mức uy tín (giả mạo) của họ trên các mạng lưới bán hàng qua internet.
Các nhà buôn sẽ mua tên tuổi và địa chỉ của các khách hàng trên mạng, dùng thông tin đó để tạo ra những tài khoản giả rồi dùng chúng để tự mua hàng (rẻ tiền) của chính mình, sau đó thì họ gửi hàng đi. Sau khi Bưu điện Hoa Kỳ gửi thông báo “đã giao hàng” thì họ bắt đầu tự viết lời khen. Khen phẩm chất món hàng và khen luôn cả sự lịch sự hay lòng tốt của người bán khi đã gửi kèm thêm vài món quà tặng. Dĩ nhiên, toàn bộ những lời đánh giá này đều là 5 sao. Kiểu này thì thuật toán của Amazon hay eBay đành bó tay vì đơn đặt hàng là có thật, hóa đơn gửi hàng là có thật, có cả chứng nhận của Bưu điện Hoa Kỳ rằng hàng hóa đã giao đến tay người mua.
Mấy tuần gần đây, nước Mỹ lại nháo nhào với loạt gói hạt giống hoặc các sản phẩm linh tinh gửi ào ạt từ Trung Quốc. Chỉ có khách hàng, những người không hề đặt mua nhưng lại tự nhiên nhận được những gói quà từ trên trời rơi xuống, là ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hầu hết đều là những món hàng rẻ tiền như dây thun buộc tóc, dây chuyền hay bông tai mạ bạc, pin đồng hồ, dây điện sạc điện thoại… Những món hàng thường được bán với giá mỗi lố một USD.
Brush Scam không phải là hiện tượng mới. Những tờ báo lớn về kinh tế (Forbes) hay chuyên về tiêu dùng (Digital Commerce, eCommerce) đã điều tra và viết các phóng sự về việc này từ nhiều năm nay. Nó không chỉ xảy ra ở Mỹ mà ở Anh và vài quốc gia khác cũng có Brush Scam. Con buôn Trung Quốc còn dùng đến nó để lừa gạt các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, kê khống doanh thu hàng năm để nâng giá cổ phiếu công ty. Tháng 5-2016, công ty Shanghai Aishang flowers Co. Ltd. ở Thượng Hải đã phải nhận tội cho hành động này. Hồ sơ điều tra cho thấy, trong 7 tháng đầu của năm 2015, họ đã bỏ ra 739.268 tệ để thuê người và đặt mua 163.676 đơn hàng từ cửa hàng của chính họ trên Alibaba. Số đơn hàng kể trên đại diện cho 42,02% toàn bộ đơn đặt hàng của công ty. Năm 2014 trước đó thì họ đã chi ra đến 989.165 tệ cho việc này và số tiền đã chi cho năm 2013 là 26.234 tệ.
Brush Scam vẫn hiện diện ở Mỹ nhiều năm qua. Số người nhận hàng từ trên trời rơi xuống này nhiều đến mức chính quyền các tiểu bang phải điều tra. Kết quả là chẳng thể làm gì cả. Giả sử truy tố ra tòa thì người gửi chỉ việc nói rằng họ gửi nhầm địa chỉ là xong. Chưa kể chuyện không có khung pháp lý nào để có thể tiến hành bất cứ cuộc điều tra nào đối với những thương vụ xuyên quốc gia với trị giá hàng hóa chỉ vài chục xu hay một hoặc hai đồng. Cách duy nhất mà chính quyền các tiểu bang có thể làm để trấn an dân Mỹ là ra một thông báo, với nội dung rằng, nếu bạn nhận được một món hàng mà không hề đặt mua thì bạn có toàn quyền sở hữu nó mà không có trách nhiệm phải hoàn trả lại.
Đáng buồn là có vài “đài TV” lá cải trên YouTube đã tận tình khai thác và vẽ thêm chân cho rắn, biến nó thành chuyện “Tàu gửi virus Covid-19” qua những gói hàng như thế. Mục tiêu những đài lá cải chỉ đơn giản là thu hút thêm người xem, dựa vào sự căm tức của người Việt đối với Trung Quốc. Những ai không rõ vấn đề sẽ trở thành hoang mang và sợ hãi không cần thiết.
KHĐ/ThenewViet