Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lo phải trả giá vì phụ thuộc TQ, Úc xem xét đổi hướng

Sự phụ thuộc chặt chẽ vào Trung Quốc về thương mại nhiều năm qua đã đẩy Úc vào tình thế đầy rủi ro, nhất là khi Bắc Kinh muốn dùng cưỡng bách kinh tế để trả đũa chính trị.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 tàn phá nền kinh tế thế giới, Úc đã trông cậy vào xuất khẩu bùng nổ sang Trung Quốc. Trước thời điểm đó vài tháng, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Nhờ việc buôn bán nhộn nhịp các mặt hàng như quặng sắt và than đá, Úc đã nổi lên như một trong số ít các nước phát triển tránh được suy thoái kinh tế.

Hơn một thập kỷ trôi qua, sự phụ thuộc của Úc vào Trung Quốc dần dần được coi là chứa đựng nhiều rủi ro hơn thay vì lợi ích. Nỗi sợ đó đã bị phơi bày vào tuần trước sau khi Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với hàng nhập khẩu của Úc, đồng thái nhiều người xem là trừng phạt việc Canberra thúc đẩy điều tra nguồn gốc virus corona.

Thịt bò Australia trong một siêu thị Walmart ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Dùng kinh tế để trả đũa chính trị

“Khả năng tách bạch quan hệ kinh tế và quan hệ chính trị với Trung Quốc – nền tảng trong chính sách Trung Quốc của Úc kể từ giữa những năm 1990 – là không thể duy trì, như đã thấy trong những tuần gần đây”, Jeffrey Wilson, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth USAsia, nhận xét.

“Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược giống ông Trump, tức sử dụng cưỡng bách thương mại để trả đũa trong các cuộc đấu tranh ngoại giao”.

Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo Úc đã khẳng định nước này có thể gặt hái những lợi ích từ mối quan hệ thương mại béo bở với Trung Quốc, đồng thời không phải hy sinh các giá trị tự do phương Tây hoặc liên minh an ninh chặt chẽ với Mỹ.

Dù quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã căng thẳng trong những năm gần đây bởi cáo buộc Trung Quốc can thiệp chính trị, cũng như bất đồng trong các vấn đề như Biển Đông và tập đoàn công nghệ Huawei, quan hệ kinh tế song phương vẫn ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thế nhưng, sau khi Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu sản phẩm từ các 4 công ty giết mổ của Úc và áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc, Úc – với nền kinh tế định hướng xuất khẩu – buộc phải cân nhắc chi phí, theo nghĩa đen, của việc thách thức Bắc Kinh.

Trong năm 2018-2019, Trung Quốc đã mua hơn 1/3 ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc, trị giá 153 AUD (99 tỷ USD), tỷ lệ đã tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ.

Chỉ riêng xuất khẩu thịt bò và lúa mạch lần lượt mang về khoảng 2,6 tỷ AUD (1,6 tỷ USD) và 1,5 tỷ AUD (960 triệu USD) cho các nhà sản xuất Úc mỗi năm.

Động thái trả đũa của Trung Quốc diễn ra cảnh báo sau khi đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay thịt bò và rượu vang Úc vì Canberra thúc đẩy điều tra quốc tế về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona.

“Đây là cách thức hành động của Trung Quốc. Đây là cách họ gây ảnh hưởng, và đây là một loại bình thường mới”, ông John Blaxland, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế để trừng phạt các đối tác thương mại.

Năm 2017, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tẩy chay không chính thức đối với ngành du lịch Hàn Quốc, sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa trên đất của họ. Cuộc tẩy chay gây thiệt hại ước tính 7.500 tỷ won (6,7 tỷ USD), trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm đó. Các cửa hàng Lotte Mart cũng bị buộc phải đóng cửa tại Trung Quốc.

Đối với Úc, những diễn biến gần đây là “lời cảnh báo” về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, theo ông Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc.

“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ nghiêm túc nhìn lại các lỗ hổng của chúng ta do sự phụ thuộc quá mức vào các chuỗi cung ứng ở xa, đặc biệt là các chuỗi xuất phát từ Trung Quốc”, ông Davis nói.

“Điều này có dẫn đến việc tách khỏi các chuỗi cung ứng đó hay không? Chuyện đó sẽ phụ thuộc vào mức độ chúng ta có thể thay thế nguồn cung Trung Quốc bằng lựa chọn tương tự ở các nước khác, và mức độ Úc có thể tăng cường khả năng phục hồi thông qua việc thúc đẩy sản xuất trong nước”.

Hai luồng dư luận tại Úc

Mặc dù việc thúc đẩy điều tra nguồn gốc virus đã được hoan nghênh rộng rãi, việc chính phủ công khai kêu gọi điều tra trước khi tham vấn Trung Quốc đã bị một số chính trị gia đối lập, lãnh đạo doanh nghiệp và cựu quan chức ngoại giao chỉ trích.

“Chúng ta đã đạt được những gì?”, ông Bob Carr, cựu ngoại trưởng, chất vấn. “Chúng ta đã không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh khác của Mỹ. Còn Trump và [ngoại trưởng Mỹ] Pompeo chỉ xoa đầu an ủi chúng ta”.

“Tại sao chúng ta không chọn cách tốt hơn là thúc ép Trung Quốc bằng ngoại giao và bằng đối thoại với các đồng minh quốc tế khác về cuộc điều tra quốc tế, từ tốn và có lẽ đợi đến khi đại dịch đi qua?”

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra. Ảnh: Getty.

Cho đến nay, Canberra vẫn giữ vững lập trường về cuộc điều tra, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ muốn vướng vào một cuộc thương chiến với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Vì thế, họ đã kiềm chế việc trực tiếp cáo buộc Bắc Kinh trả đũa kinh tế.

“Nói chung, việc tách khỏi Trung Quốc là không thực tế vì nguyên liệu thô – quặng sắt, than đá và khí tự nhiên – chiếm phần lớn trong thương mại song phương”, theo ông Wilson.

Bất chấp những nguy cơ, Úc vẫn có thể ngày càng sẵn sàng chấp nhận một số tổn thất kinh tế khi cho rằng cần phải thách thức Trung Quốc.

Trong một bài tiểu luận được xuất bản bởi Hiệp hội Châu Á vào tuần trước, Richard Maude, một nhà ngoại giao cấp cao vừa nghỉ việc, cho biết chính phủ Úc trong những năm gần đây nhận ra rằng các mối quan hệ “sẽ được định hình bởi những điểm khác biệt một cách mạnh mẽ hơn trước đây”.

Tình cảm của công chúng cũng đang thay đổi theo hướng chống Bắc Kinh. Trong một cuộc thăm dò ý kiến do viện Lowy – trụ sở tại Sydney – công bố hôm 14/5, 68% người Úc được hỏi cho biết việc ứng phó với dịch bệnh của Bắc Kinh khiến họ cảm thấy không cảm tình với Trung Quốc. Chỉ 31% nghĩ rằng Bắc Kinh đã xử lý tốt đại dịch.

“Trước đây, chúng tôi vẫn sống mà không mua bán nhiều với Trung Quốc”, ông Blaxland nói. “Không nghi ngờ gì về việc nếu Trung Quốc muốn chơi thực sự, thực sự mạnh tay, Úc sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế, nhưng không phải chúng tôi không thể chống đỡ. Chúng tôi là đất nước rất thịnh vượng”. (Z/N)