Liệu hiệp ước AUKUS có thể tồn tại dưới thời Trump?
Khi ông Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng thứ 47, tương lai của hiệp ước an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS), được ký vào năm 2021 dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trở thành câu hỏi cần lời giải đáp.
Theo hãng thông tấn AFP đưa tin ngày 7/11, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết, bà “rất tin tưởng” rằng việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ không phá hủy AUKUS – hiệp ước quốc phòng được thiết kế để củng cố an ninh của Úc.
Bà khẳng định, hiệp ước AUKUS trị giá hàng tỷ USD nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ và cả hai nước đều mong muốn chứng kiến một khu vực châu Á-Thái Bình Dương “ổn định” và “hòa bình”.
Phát biểu với truyền thông Úc, bà Wong nói rõ: “Chúng tôi đã hợp tác với cả hai phe chính trị ở Mỹ trong một thời gian rất dài về dự án này. Chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được với sự hỗ trợ từ cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ”.
Bà Wong cũng cho biết, bà đã gặp ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ thời chính quyền Trump nhiệm kỳ 2017-2021. Nhà ngoại giao nhấn mạnh: “Mỹ là đối tác chiến lược chính của chúng tôi. Chúng tôi chia sẻ các mục tiêu chiến lược rất, rất rõ ràng”.
Hiệp ước AUKUS được ký kết năm 2021 với sự tham gia của Mỹ, Anh và Úc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ hạt nhân, tên lửa và phòng thủ nhạy cảm khác. Theo thỏa thuận, Úc sẽ mua một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Một số người lo ngại ông Trump có thể vứt bỏ hoặc cố gắng viết lại hiệp ước, quay trở lại phong cách chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của ông.
Cũng trong ngày 7/11, theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã điện đàm trao đổi với ông Donald Trump về thỏa thuận AUKUS và quan hệ song phương Canberra-Washington.
Hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh an ninh và thương mại, đặc biệt là dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS. (T/H, TGVN)