Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Lịch sử không do “Bên Thắng Cuộc” viết.

Nguyễn Quang Duy

Vào dịp 30 tháng 4 năm 2020 tôi có cho biết là khoảng 4 giờ chiều ngày 30/4/1975, khi đó tôi đang ở Chợ Sài Gòn thì nghe nhiều tiếng nổ lớn như đạn súng cối, từ phía Dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại…

Năm nay trang BBC đăng bài viết “Xét lại vai trò Tướng Giáp: Một quan điểm viết sử mới tại Việt Nam” từ một quyển sách viết bởi Tiến sĩ Lê Trung Nguyệt là con gái của ông Lê Đức Thọ từng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, người mà quyền lực chỉ đứng sau Tổng Bí Thư Lê Duẩn.

Quan điểm xét lại của bà Lê Trung Nguyệt đã bị Facebooker Huy Đức tác giả “Bên Thắng Cuộc” cho là không đúng sự thật về Tướng Võ Nguyên Giáp, có đoạn ông Huy Đức viết:

“… Cho đến giờ này ít ai biết là ngay chiều 30/4/1975, đã có những loạt súng giận dỗi trong khuôn viên Dinh (Độc Lập) của những người lính thuộc đơn vị được Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ chọn ‘cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập’.

“Cũng trong chiều hôm đấy, Lữ 203 của trung tá Bùi Văn Tùng phải rút về Long Thành nhường Dinh Độc lập cho Sư 7. Lữ 203 thuộc Quân đoàn II, nằm trong đội hình của ‘Cánh quân phía Đông’ dưới quyền tướng Lê Trọng Tấn, vị chỉ huy trung thành với tướng Giáp.”

Trên trang wikipedia về Sư đoàn 7 có viết: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư 7 do (Trung Tướng) Lê Nam Phong làm Sư đoàn trưởng, ưu tiên nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Ngày 30/4/1975, Sư 7 được Quân đoàn 2 bàn giao tiếp quản Dinh Độc Lập.”

Quả là mỉa mai khi “bên thắng cuộc” không tốn một viên đạn để chiếm Dinh Độc Lập, nhưng ngay sau đó hai phe cánh, một theo tướng Võ Nguyên Giáp và một theo tướng Văn Tiến Dũng, ông Lê Đức Thọ, lại tranh giành công trạng nổ súng vào nhau. 

Mất chính danh…

Theo báo chí trong nước Trung Tướng Lê Nam Phong Sư Đoàn 7 đến Dinh Độc Lập chỉ trễ chừng 30 phút khi đó Đại Tướng Dương Văn Minh đã được “hộ tống” đến Đài Phát Thanh để đọc tuyên bố đầu hàng do Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng soạn.

Những chi tiết nhỏ này có thể giải thích được lý do là ngay từ khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1975, Đài phát thanh Sài Gòn đã liên tục phát đi lời Tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngừng bắn để sửa soạn bàn giao cho phía bên kia.

Nhưng sau đó chỉ có lời tuyên bố đầu hàng của Tướng Minh được phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn mà không có lấy một buổi lễ bàn giao đơn giản hay một biên bản ký kết bàn giao chính quyền.

Về Công Pháp Quốc Tế biên bản bàn giao là văn bản phía cộng sản được sở hữu đầy đủ giấy tờ chuyển giao quyền lực, quyền tài phán, quan hệ ngoại giao với 77 quốc gia, quyền thừa kế Việt Nam Cộng Hòa về phương diện quốc tế.

Không có biên bản bàn giao nhà cầm quyền cộng sản không thể chứng minh được quyền thừa kế nên đã mất quyền đòi lại những máy bay, tầu thuyền sở hữu của Việt Nam Cộng Hòa sang Thái trong biến cố 30/4/1975, mất đi những sở hữu về bất động sản và những khoản tiền được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ký gửi tại các ngân hàng nước ngoài.

Nhà báo Phạm Cao Phong cho biết hiện Pháp còn giữ khoảng 40 triệu đô la từ thời điểm 1975, giá trị lãi suất và tỷ suất hiện nay gấp nhiều lần con số đó, chưa kể những tài khoản khác của Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ phong tỏa.

Việc tranh giành công trạng giữa tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Văn Tiến Dũng, ông Lê Đức Thọ còn ảnh hưởng lâu dài đến thế chính danh thừa kế các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa trước quốc tế.

Hiệp Định Geneve 1954 và Hiệp Định Paris 1973 là những tài liệu vẫn được Quốc Tế cộng nhận, nên nếu Hà Nội có đưa Trung cộng ra tòa án quốc tế để đòi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ khó có thể chứng minh được tính hợp pháp và hợp lý của họ đối với hai quần đảo thuộc Việt Nam Cộng Hòa. 

Đại tướng hay Tổng thống …

Cũng theo báo chí trong nước khi đọc lời tuyên bố đầu hàng do Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng viết Tướng Minh bị yêu cầu phải bắt đầu là: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn…”

Nhưng ông Minh chỉ muốn đọc là: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh…”

Phía cộng sản không chịu buộc ông Minh phải đọc là: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn…”.

Không rõ lý do ông Minh từ chối nhận vai trò Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, nhưng “danh có chính thì ngôn mới thuận” bấy lâu nay đã có rất nhiều tranh cãi về tính hợp hiến của ông Minh trong vai trò tổng thống và tính hợp pháp của lời tuyên bố đầu hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có bài viết “Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam.” ông lập luận rằng Tướng Minh được “lên ngôi” Tổng thống là nằm trong khuôn khổ Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng nhiều người có quan điểm trái ngược ông Hưng đã cho rằng Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa vội vàng trao chức vụ tổng thống cho tướng Minh, hành động này là vi phạm Hiến pháp.

Điều 56 Hiến pháp qui định rõ: a) Tổng thống nếu từ nhiệm trước khi dứt nhiệm kỳ, Phó tổng thống sẽ trở thành Tổng thống; b) Nếu Phó tổng thống cũng từ nhiệm, chức vụ Tổng thống sẽ do Chủ tịch Thượng viện đảm nhiệm, trong thời hạn 3 tháng để tổ chức bầu cử tân Tổng Thống và Phó Tổng Thống.

Khi Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, theo điều 56 của Hiến pháp, Chủ tịch Thượng viện bấy giờ là ông Trần Văn Lắm sẽ phải giữ vai trò Tổng thống, và ông Lắm không được giao chức vụ Tổng thống cho ai khác.

Tổng thống chính thức chỉ có thể được quyết định qua một cuộc phổ thông đầu phiếu, các Nghị Sĩ và Dân Biểu Quốc Hội không có thẩm quyền bỏ phiếu quyết định giao chức Tổng thống cho tướng Minh.

Có lập luận khác cho rằng Quốc Hội có quyền sửa Hiến Pháp để công nhận tướng Minh làm Tổng thống, nhưng lập luận này cũng bị cho là vi phạm Hiến Pháp.

Theo Điều 105 quyết định tu chính Hiến Pháp phải hội đủ hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ. Quốc Hội ở thời điểm đó gồm 60 Nghị Sĩ và 159 Dân Biểu, muốn đạt được 2/3 số phiếu thì phải cần ít nhất 146 người đồng ý. Nhưng khi ấy chỉ có 136 người tham dự các buổi họp nên mọi quyết định sửa đổi Hiến Pháp là vi hiến.

Như vậy trên nguyên tắc ông Trần Văn Lắm hay Tổng thống Trần Văn Hương có thể vẫn là những người có thẩm quyền để ký kết bàn giao hay đầu hàng.

Ngay sau khi họp Quốc Hội ông Trần Văn Lắm rời Việt Nam, sau này chính ông Lắm phủ nhận tính hợp hiến của quyết định Tướng Minh làm tổng thống.

Vì ông Lắm không nhận quyền tổng thống nên ông Trần Văn Hương vẫn là Tổng thống, với ông Hương cho đến lúc lìa đời ông vẫn nhất quyết không công nhận nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội và không nhận quyền “công dân” do họ muốn trao cho ông.

Đại Tướng Dương Văn Minh ở thời điểm 30/4/1975 chỉ là một tướng về hưu, nên nhiều người miền Nam vẫn tin rằng Việt Nam Cộng Hòa không đầu hàng cộng sản và vẫn tiếp tục chiến đấu không chịu bỏ cuộc.

Trước ngày 30/4/1975 phía cộng sản tung tin chỉ nói chuyện với Đại Tướng Dương Văn Minh, Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa quyết định đưa ông Minh ra làm “bức bình phong” thương thuyết với phía cộng sản, ít ra nếu có bàn giao đàng hoàng thì biên bản bàn giao cũng có giá trị đối với quốc tế.

Thật mỉa mai các phe cánh trong đảng Cộng sản vì mải lo tranh giành chiến công, chạy đua chiếm Dinh Độc Lập, đến độ phải bắn nhau nên phía cộng sản không lo nhận bàn giao theo đúng thủ tục quốc tế.

Lịch sử là sự thật, bởi thế mới nói lịch sử không đứng về phía Tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Văn Tiến Dũng, Tướng Lê Đức Anh, ông Lê Đức Thọ hay không như “bên thắng cuộc” đã viết.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

30/4/2021

Các bài viết có liên quan:

Nguyễn Quang Duy “30/04/1975: Giờ Sài Gòn khác giờ Hà Nội và cái nhìn lịch sử cũng khác” (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52458508)

BBC tiếng Việt “Xét lại vai trò Tướng Giáp: Một quan điểm viết sử mới tại Việt Nam” (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56900934)

Facebook Huy Đức “Vạn cốt khô” (https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3797599926941827)

Wikipedia về Sư đoàn 7 (https://vi.m.wikipedia.org/wiki/S%C6%B0_%C4%91o%C3%A0n_7,_Qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BB%99i_nh%C3%A2n_d%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam)

Nguyễn Tiến Hưng “Tổng thống Minh và văn thư yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam.”  (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52471319)

Phạm Cao Phong “30/04/1975: Dinh Độc Lập và cuộc chuyển giao không ký văn bản” (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52485111)

Nguyễn Quang Duy “30/04: Nhắc lại cuộc đời cố tổng thống VNCH Trần Văn Hương (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-56891301)