Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

LHQ cảnh báo ba cuộc khủng hoảng môi trường đe dọa con người

Biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường trở thành “bộ ba” mối đe dọa đối với sức khỏe của con người và sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường trở thành “bộ ba” mối đe dọa đối với sức khỏe của con người và sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Con người chỉ có thể ngăn chặn những mối đe dọa này bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt và phương thức phát triển kinh tế.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo mang tên “Chung sống hòa bình với thiên nhiên” do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 18/2.

Dựa trên những bản đánh giá khác nhau của các nhóm chuyên gia quốc tế về khí hậu và đa dạng sinh học, báo cáo trên nhận định sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế khiến cho hành tinh phải trả giá đắt.

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 50 năm qua nhanh gần gấp 5 lần do hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tăng gấp 3 lần.

Dù thu nhập trung bình của người dân trên thế giới đã tăng gấp đôi trong hơn 5 thập kỷ qua, khoảng 1,3 tỷ người vẫn ở mức nghèo và 700 triệu người thiếu ăn.

Báo cáo nhấn mạnh suy thoái môi trường đang cản trở tiến bộ trong công tác xóa đói giảm nghèo, đồng thời cảnh báo các đại dịch như COVID-19 ngày càng có nguy cơ xảy ra trong tương lai khi con người tiếp tục phá hoại môi trường sống tự nhiên của các loài.

Mặc dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính năm ngoái đã giảm kỷ lục do đại dịch COVID-19 khiến con người hạn chế đi lại, song nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang tiến tới đến năm 2100 sẽ tăng ít nhất 3 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Mức tăng này cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Trong khi đó, thế giới chưa đạt được bất kỳ mục tiêu nào đề ra cách đây một thập kỷ nhằm ngăn đà suy giảm đa dạng sinh học. Hiện 1 triệu loài động, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Đáng chú ý, các chính phủ đã chi số tiền lớn từ 5,000 tỷ–7,000 tỷ USD để trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động canh tác quy mô lớn. Điều này góp phần gây ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của khoảng 8 triệu người mỗi năm.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Từ lâu, chúng ta đã tiến hành cuộc chiến vô nghĩa và tự sát với thiên nhiên. Hậu quả là 3 cuộc khủng hoảng môi trường liên kết với nhau: Biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đe dọa khả năng tồn tại của chúng ta.”

Ông Robert Watson, một trong số các tác giả của báo cáo, cho biết 3 cuộc khủng hoảng này không chỉ đe dọa tự nhiên mà cả an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và sức khỏe con người.

Trước thực trạng trên, các tác giả của báo cáo hối thúc chính phủ các nước, các doanh nghiệp và người dân trên thế giới khẩn trương hành động để ngăn chặn thiệt hại trước khi quá muộn.

Đồng tác giả Ivar Baste cho rằng việc giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch nên được xem là một ưu tiên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo cũng khuyến nghị chính phủ các nước nên mở rộng các khu bảo tồn để có thêm không gian sống cho các loài động, thực vật hoang dã, cũng như ngăn chặn nạn phá rừng.

Bên cạnh đó, các tác giả cho rằng thế giới cần nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và chấm dứt hành vi phá hoại môi trường sống tự nhiên để ngăn ngừa “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với các thế hệ tương lai./. (VN+)