Làm việc và chăm con khi nghỉ dịch Covid-19: Đừng quá lo lắng, luôn có cách tuyệt vời để cân bằng
“Có con có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, trừ khi chúng cứ ở suốt ngày bên cạnh bạn”, điều này được trải nghiệm chính xác trong thời gian nghỉ dịch Covid-19 này, vì con không thể đến trường, nên các ông bố, bà mẹ phải vừa chăm con vừa làm việc online… Vậy, làm cách nào chúng ta có thể vừa đảm bảo hiệu quả công việc, vừa làm tròn trách nhiệm với gia đình?
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội này, không phải cha mẹ nào cũng được ở nhà toàn tâm toàn ý trông con. Có thể lâu nay bạn đã phải bận bịu từ sáng sớm tới tối mịt, thì giờ với việc con nghỉ ở nhà, áp lực trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình càng trở nên lớn hơn.
Những ‘đồng nghiệp bất đắc dĩ’
Điều này giống như bạn bỗng dưng có thêm những “đồng nghiệp mới” nhỏ bé ở nhà và họ cần bạn hơn bất kỳ đồng nghiệp nào ở công ty.
Những “đồng nghiệp bất đắc dĩ” này có các cuộc gọi video riêng với giáo viên, yêu cầu bạn hỗ trợ họ in “tài liệu cho cuộc họp”, cần hỗ trợ đăng nhập máy tính… Rồi lại cần bạn dành thời gian “họp” với họ rất nhiều lần trong ngày.
Bạn bất ngờ đảm nhận thêm vai trò mới khác nữa, như là: người phục vụ bữa ăn, quản trị viên văn phòng, chuyên gia tâm lý và trợ lý của các giám đốc điều hành nhỏ tuổi. Mỗi ngày đều khiến bạn cảm thấy như là “ngày thứ Hai” vậy.
Dù là chủ doanh nghiệp hay nhân viên, điều quan trọng vẫn là bạn phải đảm bảo được hiệu suất và kết quả của công việc hiện tại để có thu nhập. Nhiều bạn không biết phải làm sao khi hạn hoàn thành công việc đã đến, mà con lại cứ mè nheo bên cạnh, nên đã lựa chọn cách cho con sử dụng 1 thiết bị điện tử nào đấy để mình “yên thân” làm việc. Còn nếu con đang ở độ tuổi mầm non thì việc này còn nan giải hơn khi bạn vừa phải làm việc, vừa trông con, dù “bận ơi là bận”, nhưng lũ trẻ vẫn cần cha mẹ chăm sóc và chơi cùng.
Nhiều bậc phụ huynh nhờ đến họ hàng, ông bà trông cháu giúp vào ban ngày hoặc phải gửi các con về quê. Nếu không có ông bà hỗ trợ, thì anh chị lớn hơn được giao tự trông em với sự theo dõi sát sao của cha mẹ “từ xa”. Một số người không có sự lựa chọn nào khác, đành phải đưa con đến công ty hoặc xin nghỉ không lương, thậm chí nghỉ việc để có thể vượt qua được thay đổi này. Đúng là khổ trăm bề!
Trẻ con cũng khổ
Không chỉ cha mẹ vất vả, thật ra chính bọn trẻ cũng có thể cảm thấy chán ngán với “kỳ nghỉ dài đặc biệt” này, khi không được đến trường cùng bạn bè hay tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào. Chúng dường như chỉ có thể ở suốt ngày trong nhà và phụ thuộc khá nhiều vào cha mẹ. Nếu cha mẹ bận, không ở bên cạnh chăm sóc hay quản lý thì bọn trẻ không biết làm gì mà chỉ lên mạng hoặc xem tivi cả ngày.
Ai cũng biết là trẻ được chơi nhiều với cha mẹ sẽ có tác dụng tích cực như thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, tình cảm hơn… Tuy nhiên, do không thể sắp xếp được thời gian chơi cùng con, nhiều bậc cha mẹ chọn cách mua thật nhiều đồ chơi xịn cho con. Tuy nhiên hiện nay, khi các con bị “giam chân” trong nhà lâu, năng lượng không được giải tỏa nên việc chúng sẽ buồn chán hay quấy phá là điều không thể tránh khỏi.
Vậy làm cách nào để bạn cân bằng giữa công việc và gia đình trong giai đoạn này? Chúng ta hãy cùng tham khảo những cách sau nhé!
1. Xây dựng thời gian biểu cho cả gia đình
Trẻ em cần sinh hoạt quy củ. Do vậy, bạn hãy nhanh chóng đưa ra một thời gian biểu mới cho mỗi thành viên trong gia đình:
- Những giờ làm việc của cha mẹ;
- Giờ tự học của con;
- Giờ trò chuyện với bạn bè/người thân qua điện thoại;
- Giờ vui chơi không tiếp xúc với đồ công nghệ;
- Thời gian giúp cha mẹ làm việc nhà và thời gian cùng nhau tập thể dục.
Hãy suy nghĩ về những giá trị bạn trân trọng và xây dựng một thời gian biểu có thể thực hiện được những điều đó.
Các con sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi có cảm giác chắc chắn, biết trước trong ngày sẽ có những hoạt động gì, biết khi nào học bài và khi nào được chơi, cũng như những lúc nào cần phải “tự thân vận động”.
Có thể cho con tham gia vào việc xây dựng thời gian biểu hàng ngày. Đối với trẻ trên 10 tuổi, hãy cho con tự thiết kế thời gian biểu của mình dựa trên những gợi ý của bạn. Còn đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, bạn hãy thiết kế những việc cần làm cho trẻ, ví như: dọn giường sau khi ngủ dậy rồi mới đi ăn sáng, xếp quần áo rồi mới chơi lego…
Bạn vẫn có thể cho phép gia đình bắt đầu một ngày muộn hơn một chút, rồi cả nhà cùng nhau ăn sáng. Bạn có thể tận dụng được buổi sáng dậy sớm khi con còn ngủ để làm được nhiều việc. Nếu không thể trông con vào ban ngày, hãy cùng với người giữ trẻ thiết kế một thời gian biểu hiệu quả nhất cho con.
2. Tạo cho mình một không gian làm việc
Tạo ra một không gian làm việc là điều cần thiết để tạo ra sự cân bằng và phân chia rõ ràng giữa giờ làm việc và thời gian rảnh của bạn. Nơi này có thể là một phần của bàn bếp hoặc một phòng cụ thể trong nhà. Hãy đảm bảo rằng những thành viên khác trong nhà biết đây là “văn phòng” của bạn để không phiền nhiễu đến ranh giới ấy.
Không gian làm việc này cũng có thể giúp bạn tập trung hơn và giải quyết công việc được hiệu quả, nhanh chóng hơn. Nếu ở trong nhà quá ồn, bạn có thể đóng cửa phòng hoặc mua tai nghe chống ồn để có thể tập trung trong thời gian làm việc ấy.
Tuy nhiên, đừng để công việc chiếm lấy cuộc sống gia đình của bạn. Hãy kết thúc giờ làm việc như ngày đi làm bình thường. Hết giờ làm thì đi ra khỏi bàn của bạn. Tham gia hoạt động với gia đình và bạn bè. Một khoảng nghỉ để phục hồi tâm lý từ công việc là rất quan trọng để bạn đủ năng lượng làm việc cho ngày hôm sau.
Ngoài ra, nếu có thể, bạn hãy cho con một không gian đủ an toàn, thoải mái và có sẵn những đồ chơi hay chất liệu để con cũng có thể thỏa sức chơi và sáng tạo trong chính không gian của mình.
3. Làm gương cho con về thái độ sống
Con cái luôn dựa vào cha mẹ để có cảm giác an toàn và được bảo vệ. Chúng ta cần nhớ rằng, các con là hành khách, còn chúng ta là người lái xe. Vì thế, ngay cả khi chúng ta đang cảm thấy lo lắng vì đại dịch hay cảm thấy stress vì bộn bề công việc, bạn cũng nên học cách kiểm soát những xúc của mình, luôn bình tĩnh và có cái nhìn lạc quan về mọi việc. Con cái sẽ học hỏi thái độ tích cực này từ bạn và cũng cảm thấy được bình an, con sẽ ít quấy phá hơn.
Vào cuối mỗi ngày, hãy dành vài phút để nói về ngày hôm đó. Nói với con bạn về một điều tích cực hoặc vui vẻ mà chúng đã làm. Khích lệ con vì con đã làm rất tốt những việc nào đó trong ngày.
4. Cả nhà cùng thiền định
Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, thiền định giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật của cơ thể.
Trong giai đoạn này, khi chúng ta không thể ra ngoài nhiều hoặc đến các trung tâm thể dục vì giãn cách xã hội, thì việc tất cả thành viên trong gia đình ngồi thiền cùng nhau sẽ giúp gia đình thêm gần gũi, giảm bớt căng thẳng, đồng thời nâng cao hệ miễn dịch và trở nên tích cực hơn trong cuộc sống.
5. Chia sẻ gánh nặng với vợ/chồng
Nếu cả hai vợ chồng bạn đều phải làm việc tại nhà, hãy trao đổi cùng nhau để có thể đưa ra lịch trình hoán đổi, sao cho mỗi người đều có những khoảng thời gian được tập trung hoàn toàn cho công việc của mình; trong khi người kia sẽ giúp trông con và làm việc nhà. Nhờ thế, người lớn chúng ta có thể tránh khỏi cảm giác bực bội vì công việc cứ bị gián đoạn và kéo dài lê thê cả ngày mà không thể hoàn thành.
Ngoài ra, những chia sẻ thường xuyên với vợ/chồng về những áp lực hay niềm vui trong công việc, những lo nghĩ về con hay dịch bệnh… sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và cân bằng được cuộc sống trong giai đoạn này tốt hơn.
6. Chơi những trò chơi ngắn và đơn giản với con
Có khá nhiều những trò chơi đơn giản và chỉ chiếm 3-5 phút để chơi cùng con như: chi chi chành chành, nhảy dây, truy tìm kho báu, liệt kê những nhóm vật dụng trong nhà, trốn tìm… Bạn có thể tranh thủ những giờ nghỉ giải lao trong công việc để chơi cùng con. Điều này vừa giữ được kết nối thường xuyên với con, vừa giúp bạn thư giãn rất hiệu quả.
Đồng thời, khi con nhận đủ sự quan tâm và tương tác của cha mẹ, chúng sẽ bớt quấy nhiễu và tiếp tục tự học, tự chơi tốt hơn. Thay vì cố gắng “giam cầm” con trong vòng an toàn khi chơi một mình, bạn hãy dành cho con những khoảng thời gian chơi thật sự chất lượng.
Hãy xem đây là dịp tốt để bạn và con cái gắn kết tình cảm với nhau hơn. Vậy nên, bạn hãy trân quý khoảng thời gian này để nó trở thành một kỉ niệm đẹp của cả gia đình, xem đây là cơ hội để củng cố sức mạnh tinh thần của chính mình, hướng đến sự lạc quan trong nghịch cảnh và xây đắp tình yêu thương.
Chúc bạn an toàn và hạnh phúc nhé! (NTD)