Kyrgios muốn Sinner bị cấm 2 năm vì doping, dàn sao tennis bức xúc với số 1 thế giới
Tay vợt người Úc Kyrgios muốn siêu sao tennis đang xếp số 1 thế giới phải nhận án phạt thích đáng vì từng nhiễm doping.
Jannik Sinner, tay vợt số 1 thế giới, hiện đang vướng vào một cuộc tranh cãi nảy lửa sau khi thoát khỏi án phạt cấm thi đấu, dù anh 2 lần thất bại trong các xét nghiệm doping. Quyết định này đã gây ra sự phẫn nộ từ nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là Nick Kyrgios, người công khai chỉ trích và cho rằng Sinner nên bị cấm thi đấu ít nhất 2 năm.
Nhiều ngôi sao tennis bức xúc
Theo Cơ quan Liêm chính Quần vợt Quốc tế (ITIA), Sinner có 2 lần xét nghiệm dương tính với chất clostebol, một loại steroid bị cấm, sau khi tham dự giải Masters 1000 tại Indian Wells vào tháng 3/2024.
Tuy nhiên, một ủy ban độc lập đã chấp nhận lời giải thích của Sinner rằng chất này xuất hiện trong cơ thể anh là do vô tình nhiễm bẩn từ một loại xịt chữa lành vết thương được sử dụng bởi chuyên gia vật lý trị liệu của anh, Giacomo Naldi, trong quá trình massage.
Dù đã bị tước 400 điểm xếp hạng và mất số tiền thưởng tại Indian Wells 2024, Sinner vẫn thoát khỏi án phạt cấm thi đấu kéo dài 2 năm. ITIA xác nhận rằng Sinner không có lỗi, hoặc thiếu sót trong trường hợp này, và lượng clostebol trong cơ thể anh không đủ để cải thiện hiệu suất thi đấu. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều.
Nick Kyrgios không ngần ngại bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội, gọi quyết định của ITIA là “nực cười” và kêu gọi cấm thi đấu Sinner trong 2 năm. Kyrgios phát biểu: “Dù là vô tình hay cố ý, bạn bị xét nghiệm dương tính với chất cấm 2 lần… bạn nên bị cấm thi đấu 2 năm. Hiệu suất của bạn đã được cải thiện. Kem massage… Thật nực cười”.
Denis Shapovalov cũng bày tỏ sự bất bình khi nhận định rằng “có những quy tắc khác nhau dành cho những tay vợt khác nhau”.
Lucas Pouille, cựu số 10 thế giới, đã đặt câu hỏi: “Còn những tay vợt bị cấm chỉ vì 3 lần vắng mặt kiểm tra doping và không bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính thì sao?”.
Không chỉ có Kyrgios, Liam Broady của Anh cũng chỉ trích quyết định của ITIA: “Dù Sinner có dùng doping hay không, điều này không đúng. Nhiều tay vợt khác phải chờ đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để chứng minh mình vô tội. Đây không phải là điều tốt”.
Còn Taro Daniel của Nhật Bản thẳng thắn: “Điều này rõ ràng là không bình thường. Dù có là vô ý, khi một tay vợt bị dương tính, họ nên bị treo vợt ít nhất 6 tháng. Việc không bị treo vợt, mà thông báo này lại đến sau 4 tháng, trong khi họ tiếp tục thi đấu, hoàn toàn khác với các quy trình trước đây”.
So sánh với trường hợp của Simona Halep, sự ưu ái với Sinner hay quy trình hợp lý của cơ quan chống doping?
Sự bất mãn còn tăng lên khi so sánh với vụ việc của Simona Halep, cựu vô địch Wimbledon, người bị cấm thi đấu tạm thời vào tháng 10/2022 và gần 1 năm sau đó bị cấm thi đấu 4 năm. Dù Halep kháng cáo và án phạt được giảm xuống, nhưng quá trình giải quyết trường hợp của cô kéo dài và phức tạp hơn nhiều so với Sinner, người chỉ mất 4 tháng để được minh oan và tiếp tục thi đấu.
Khi bị tình nghi dính doping, Halep lập tức phải nghỉ thi đấu và tới 1 năm sau mới được xét xử. Điều này trái ngược hoàn toàn với Sinner, người vẫn được thi đấu dù dương tính doping
Nhiều người cho rằng Sinner nhận được sự ưu ái đặc biệt từ ITIA vì vị thế số 1 thế giới và là biểu tượng mới của làng quần vợt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Marco Bortolotti, một tay vợt đôi người Ý được xử lý sớm. Anh này bị cáo buộc vi phạm doping với chất clostebol vào tháng 2 năm nay nhưng sau khi giải thích sự nhiễm bẩn vô ý, anh không bị treo vợt và được minh oan sau một tháng.
Có cách giải thích khác về vụ Sinner rằng anh chấp nhận chi nhiều tiền để thuê đội ngũ pháp lý vào cuộc ngay tức thì. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông báo về kết quả xét nghiệm dương tính sau khi kết thúc giải Miami Open, nơi Sinner giành chiến thắng, đội ngũ pháp lý của anh nhanh chóng liên hệ với cơ quan điều tra để minh oan cho anh.
Họ đã tham gia vào cuộc họp khẩn cấp với Ủy ban Giải quyết Tranh chấp Thể thao để giải thích tình huống và yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm thi đấu tạm thời, tránh làm gián đoạn lịch thi đấu của Sinner.
Mặc dù Sinner nhận được sự ủng hộ từ một số đồng nghiệp như John Millman, người cho rằng lượng chất cấm trong cơ thể Sinner quá nhỏ để bị phạt nặng, nhưng sự việc này đã gây ra những rạn nứt niềm tin trong cộng đồng quần vợt.
Những cáo buộc về sự thiên vị đối với các tay vợt hàng đầu đang làm dấy lên câu hỏi liệu cơ quan chống doping có thực sự công bằng và minh bạch hay không. Sau vụ việc này, niềm tin của người hâm mộ với sự minh bạch trong công tác phòng chống doping của ITIA lại bị đặt dấu hỏi. (T/H, TCDL)