Kinh doanh thời COVID-19: Các nhà hàng ‘tìm hướng đi mới để tồn tại’
WESTMINSTER, California – Nhiều cơ sở thương mại của người Việt Nam, đặc biệt là các nhà hàng tại khu vực Orange County, Nam California và nhiều nơi khác, đang thay đổi cách thức kinh doanh, tìm hướng đi mới để tồn tại sau khi được “mở cửa trở lại” vì đại dịch COVID-19.
Gánh nặng tiền thuê cửa tiệm
“Chưa bao giờ làm ăn lại khó khăn như hiện nay.” Chị Hồng Lê, chủ tiệm nail tại thành phố Long Beach cho biết, khi được hỏi về tình hình kinh doanh của tiệm sau khi tiểu bang cho phép tiệm nail mở cửa lại.
“Tôi đang muốn sang tiệm nên không muốn tên tiệm lên báo, nhưng nếu hỏi thì tôi xin nói thẳng là tôi chịu hết nổi, nên phải buông thôi. Mấy tháng nay mỗi tháng phải đóng gần chục ngàn đô la tiền ‘rent,’ sắp được mở tiệm lại nhưng tôi thấy tình hình cũng không mấy sáng sủa.”
Chị Hồng cho rằng nơi chị mướn tiệm, chủ phố có suy nghĩ “sống chết mặc bay” chứ không như một số chủ phố khác, sẵn sàng chịu đựng chung với cơ sở kinh doanh khi bớt 50% tiền mướn cho đến khi tiệm được mở cửa lại.
“Họ không có chút lòng nhân nào, nói thiệt là như thế. Mỗi tháng thu tiền đều đều, mặc dù họ biết chúng tôi có làm ra được đồng nào đâu? Mượn tiền của chính phủ trả cho họ một tháng tiền nhà là sạch trơn.”
Không rơi vào tình trạng khó khăn như chị Hồng, trong khu thương mại trên đường Warner, gần Euclid thuộc thành phố Fountain Valley, chị Hải Hồ vừa khai trương nhà hàng Hạt Ngò 3, nhờ sự hỗ trợ của chủ phố.
Chị Hải cho biết: “Nhà hàng được xây trước đại dịch COVID-19. Tình hình khó khăn chung, tôi vẫn quyết định khai trương vì chủ phố đồng ý giảm tiền thuê trong giai đoạn khó khăn này.”
Sự so sánh giữa tiệm nail và nhà hàng có thể khập khiễng, tuy nhiên, vai trò hỗ trợ của chủ phố ở đây, quyết định sự sống còn của cơ sở kinh doanh, hoặc giúp họ có tinh thần làm ăn, hoặc buộc họ phải rút lui để tránh phá sản.
Việc khai trương một nhà hàng trước tình hình đại dịch vẫn diễn tiến phức tạp là một điều đáng lo.
Thay đổi “chiến lược” kinh doanh
Chị Hải giải thích: “Theo quy định giãn cách, số ghế cho khách phải giảm 50% điều đó sẽ làm doanh thu giảm đáng kể, thế nên tôi phải có một chiến lược kinh doanh tốt.”
“Chiến lược kinh doanh” của chị Hải nằm trong thực đơn. Ở Hạt Ngò 3, dù chỉ có vài chục món thôi, nhưng lại là những món đã được chị và gia đình nghiên cứu và thử nghiệm nhiều năm, mang bản sắc ẩm thực ba miền, đặc biệt là Miền Bắc.
Chị cho hay: “Nhiều người đã từng thưởng thức và yêu thích món phở Hạt Ngò, nay ở Hạt Ngò 3, tôi giới thiệu thêm một số món ăn Miền Bắc, như nem rán cua bể được chế biến bằng nguyên liệu tốt nhất, đặc biệt bánh tráng được đặt riêng, giòn tan nhưng không cứng, không dính răng. Hay các loại nước dùng đều có bí quyết riêng tạo cho nước có mùi vị thanh tao, ngọt dịu, làm tăng phần thơm ngon của các món bún cá thì là, bún thang, hay bún mọc.”
Chỉ một tuần khai trương, chị Hải cho biết đã có khách đến ăn thường xuyên, và nhiều khách đến mua togo về nhà. “Tôi thấy mua togo cũng tốt trong giai đoạn hiện nay,” chị Hải cho biết “Thứ nhất, điều đó giúp gia đình khách giữ gìn sức khỏe. Thứ hai nhân viên phục vụ cũng đỡ mệt hơn, nên nhà hàng đang có chương trình giảm giá 10% cho khách mua togo về.”
hưng áp dụng đúng thời điểm cũng sẽ tạo được những bước tiến đáng kể trong kinh doanh.
Anh Phillip Đỗ, chủ nhân Phở Hồng ở Las Vegas cũng cùng chung suy nghĩ này: “Cố gắng tạo uy tín, giữ khách lâu dài chứ không dựa vào khách vãng lai là cách kinh doanh của gia đình tôi từ bao năm nay.”
Thừa hưởng kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng của gia đình từ thành phố Rosemead, California, một mình Phillip đến Las Vegas lập nghiệp khoảng hai năm nay. Nếu chị Hải Hồ khai trương nhà hàng vì tự tin với thực đơn của mình và có sự hỗ trợ của chủ phố thì hai năm mở tiệm của Phillip vẫn chưa đủ để anh “lấy lại vốn.”
Anh nói: “Ngay sau khi thành phố Las Vegas đóng cửa, doanh thu lập tức giảm từ 70% đến 80% trong Tháng Ba, vì tiệm chỉ được bán togo thôi, mà khách cũng hạn chế đi lại nên lại càng giảm.”
Hiện nay, lượng khách quen đã bắt đầu trở lại, nhưng “chưa biết đến bao giờ mới trở lại như xưa.”
Phillip cho biết thêm: “May là nhà hàng của tôi bán cho khách địa phương nhiều, đó cũng là một lợi thế. Một số nhà hàng nằm trong khu vực đón khách du lịch vẫn chưa mở cửa lại, vì chẳng có bao nhiêu khách du lịch quay lại Las Vegas trong thời gian này.”
Chưa biết tình hình sẽ thay đổi như thế nào, nhưng để tồn tại, chủ doanh nghiệp phải tự tạo cho mình một hướng đi mới để lôi kéo khách hàng, Phở Hồng của Phillip cũng hướng tới điều đó.
Anh nói: “Một mặt, tôi phải làm tốt những món ăn truyền thống, nhiều người ăn như phở, cơm thịt heo nướng, bò nướng, chả giò, tàu hũ ky,… những món nổi tiếng của gia đình từ xưa đến nay. Ngoài ra tôi sẽ có một số chương trình khuyến mãi, tạo thêm ưu đãi cho khách. Tôi phải nghĩ cách phục vụ khách hàng tốt hơn như giao đồ ăn tận nơi, thêm ưu đãi nếu họ đến tiệm.”
Togo và qua online
Anh Quan Trần, chủ nhân tiệm Phở Vegas, thành phố Las Vegas, lại nghĩ khác. Anh chưa muốn đón khách đến tiệm và chỉ bán togo thôi, vì vẫn còn lo dịch bệnh lây lan.
“Tôi tính đầu Tháng Bảy mới mở cửa đón khách. Mấy tháng nay đã chịu đựng rồi, giờ chịu thêm cho hết tháng này cũng không sao.”
Phở Vegas đã hoạt động gần 5 năm, vừa phục vụ khách địa phương và đón khách du lịch. Điều đặc biệt của tiệm phở này là anh Quan tham gia vào một số mạng lưới giao đồ ăn qua online như Uber Eats, Postmates, Grubhub,… Khách đặt hàng qua các mạng lưới này, họ order anh, anh làm xong họ đến lấy giao cho khách. “Tuy nhiên, huê hồng họ lấy khá cao, từ 20% đến 30%, mà mình cũng không nhận được tip từ khách hàng, nên cũng chẳng còn lời bao nhiêu,” anh Quan cho biết.
Dù sao, dịch vụ này cũng giúp tiệm duy trì hoạt động, chứ theo anh Quan, không nhờ đó mà sống được. “Thôi thì cũng coi như nương tựa nhau vậy. Có tháng lời chút đỉnh xem như được trả công nấu nướng, có tháng phải bù lỗ.”
Điều khó khăn chung cho các doanh nghiệp là tiền mướn cơ sở thương mại. Người thuê cũng cần chủ phố… nương tay như những doanh nghiệp khác.
Anh Phillip chia sẻ: “Tiền mướn nhà không đổi, khách lại bị giảm một nửa nên nhà hàng rất khó khăn. Tôi nghĩ chúng tôi phải thương lượng với chủ phố, nếu họ giảm được phần nào thì tốt, còn không thì cho trả giãn ra. Chúng tôi và chủ phố phải hiểu nhau. Cả hai bên đều cần sống, nhưng nếu chúng tôi khó khăn quá phải đóng cửa tiệm thì khu thương mại của họ cũng ế ẩm thôi.”
Cùng suy nghĩ trên, nhưng anh Quan còn mạnh dạn hơn: “Chủ phố không giảm tiền nhà, nên tôi chưa trả vì mấy tháng nay tôi đâu có làm ăn gì được đâu. Họ hỏi tại sao, tôi nói đáng lý họ phải giảm tôi phân nửa chứ, nhưng họ không chịu giảm. Tôi nói với chủ phố là đầu Tháng Bảy tôi mở cửa tiệm lại, tôi sẽ trả đủ tiền nhà từ đó, nhưng ba tháng đóng cửa nếu bớt cho tôi 50% thì tôi sẽ trả liền, còn không bớt thì tôi phải trả góp mỗi tháng, có nhiều trả nhiều, có ít trả ít đến hết thì thôi. Chứ không làm ra tiền thì lấy tiền đâu mà trả?”
Chưa biết anh Quan sẽ thỏa thuận với chủ phố như thế nào. Chủ phố cũng có những khó khăn riêng, không phải ai cũng biết. Chỉ mong rằng hai bên cùng chia sẻ, và nương nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này. (N/V)