Kịch bản nào nếu Tổng thống Trump không nhận thua?
Tổng thống Donald Trump không cam kết chấp nhận kết quả thua trong cuộc bầu cử 2020, trong khi cuộc đua đang trở nên gay cấn.
Khi một ứng viên thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, theo thông lệ, người đó nhanh chóng công khai thừa nhận thất bại trong bài phát biểu thua cuộc (concession speech). Nếu người thua là tổng thống đương nhiệm, bài phát biểu này sẽ là lời cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Điều này không dễ dàng với ứng viên thua cuộc, nhưng nó được coi như sự tôn vinh nền dân chủ Mỹ, theo USA Today. Báo giới Mỹ thường dẫn lại bài phát biểu thua cuộc của ứng viên tổng thống John McCain trước đối thủ Barack Obama vào năm 2008 như một truyền thống đúng đắn.
“Người dân Mỹ đã cho thấy tiếng nói, họ cho thấy một cách rõ ràng”, ông McCain phát biểu khi đó. “Cách đây ít lâu, tôi vinh dự được gọi điện cho Thượng nghị sĩ Barack Obama để chúc mừng ông ấy được bầu làm tổng thống tiếp theo của đất nước”.
Nhưng đó là một truyền thống thay vì điều Hiến pháp bắt buộc.
Không ai bắt buộc nhận thua
Bài phát biểu thua cuộc không nằm trong phạm vi quy định của Hiến pháp Mỹ, đó là một hành động tự nguyện được tôn vinh từ lâu đời, theo nhà bình luận tự do Van Jones.
Ông Trump trước đó đã khước từ cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và đang đối mặt cửa hẹp trong cuộc đua tái tranh cử.
Nếu không công khai nhận thua, những gì được giấu kín trong quá trình bầu cử, như các hoạt động nội bộ của cử tri đoàn, có thể bị phơi bày và sử dụng để đưa cuộc bầu cử đi theo hướng chưa từng có.
Điều này cũng có nghĩa cuộc đua có thể đi đến một kết quả do tòa án quyết định hoặc những điều ít ai ngờ tới. Phát biểu nhận thua sẽ báo hiệu cho các cử tri rằng không có điều nào như thế xảy ra và những người ủng hộ sẽ chấp nhận kết quả.
Trong khi nhiều người Mỹ quen với việc có kết quả bầu cử cũng đồng nghĩa sẽ có phát biểu thua cuộc, nhưng thực tế luật pháp không quy định việc này.
“Về mặt pháp lý, một ứng cử viên không muốn nhận thua có thể tranh cãi vào tháng 1”, theo báo cáo của Dự án Chuyển giao Liêm chính (TIP) – dự án gần đây của Mỹ nhằm nghiên cứu các kịch bản với cuộc bầu cử tổng thống 2020 và quá trình chuyển giao quyền lực.
Đã có ứng viên tổng thống Mỹ từ chối nhận thua chưa?
Điều này không xảy ra trong lịch sử Mỹ hiện đại, dù không phải ứng viên nào cũng phát biểu nhận thua ngay lập tức trước công chúng, theo The Hill.
Lội ngược lịch sử, quay trở lại năm 1800 trong cuộc bầu cử giữa Tổng thống John Adams và Phó tổng thống Thomas Jefferson, có thể nhìn thấy dấu hiệu vi phạm các tiêu chuẩn về thời gian nhận thua, cụ thể là ông Jefferson.
Trong thời hiện đại, bài phát biểu nhận thua công khai có thể được bắt nguồn từ năm 1896, khi ứng viên Dân chủ William Jennings Bryan gửi cho đối thủ thắng cử Cộng hòa William McKinley một bức điện thân mật.
Kể từ đó, các ứng cử viên tổng thống Mỹ đã tiếp nối truyền thống công khai thừa nhận thất bại và tôn vinh nền dân chủ trong các bài phát thanh hoặc bản tin truyền hình trực tiếp.
Có thể rút lại phát biểu nhận thua?
Có, và nó từng xảy ra trước đây trong một cuộc chạy đua tổng thống Mỹ.
Trong cuộc bầu cử lịch sử năm 2000, Phó tổng thống Al Gore đã nhận thua trước đối thủ George W. Bush, nhưng sau đó đã rút lại lời nói khi cuộc đua đến hồi căng thẳng.
“Ông ấy đã gọi một tiếng trước để nhận thua. Sau đó, ông ấy gọi lại cho chúng tôi để rút lại lời nói đó”, Karen Hughes, Giám đốc Truyền thông của ông Bush, cho biết vào thời điểm đó, theo AP.
Điều này cũng có thể xảy ra vì như đã nói ở trên, nhận thua không phải một phần bắt buộc của cuộc bầu cử tổng thống, theo Ryan Neville-Shepard, giáo sư Đại học Arkansas, chuyên gia về truyền thông chính trị, nói.
“Điều này không có bất kỳ ràng buộc nào. Ngược lại, nó do các ứng viên tự nguyện làm để thể hiện niềm tin vào các tiêu chuẩn bầu cử”, ông Ryan nói thêm. (Z/N)