Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 làm gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Trang tin tức Hoa ngữ creaders.net ngày 1/5 đã đăng lại bài của tác giả Michael R. Auslin, cây bút nổi tiếng về các vấn đề châu Á tại Viện Hoover, ĐH Stanford bàn về quan hệ Mỹ – Trung trong đại dịch COVID-19 và trong thời gian tới đây.

Ông Michael R. Auslin, tác giả của bài viết (Ảnh: Hoover.org).

Bài báo của Michael R. Auslin, nghiên cứu đặc biệt về châu Á hiện đại, được đăng tải trên trang web của Viện Hoover, Đại học Stanford ở Hoa Kỳ, cho biết, trước khi dịch bệnh Viêm phổi do virus Corona mới (COVID-19) bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái, quan hệ Mỹ – Trung đã đang biến đổi.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào năm 2017, ông đã tái cấu trúc quan hệ Mỹ-Trung làm cốt lõi trong chính sách ngoại giao của mình. Ông đã phản ứng mạnh mẽ với những hành động của Bắc Kinh như buôn bán không công bằng, gián điệp mạng, đe dọa quân sự và các chiến dịch tuyên truyền toàn cầu trong suốt thời gian dài trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu hiện nay có thể khiến mối quan hệ Mỹ – Trung trong tương lai gần trở nên thù địch hơn và đặt ra những vấn đề cơ bản hơn cho mối quan hệ này.

Michael R. Auslin cho rằng, hiện nay ngày càng có nhiều người tin rằng chính phủ Trung Quốc và các quan chức địa phương đã ra lệnh che đậy sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở Vũ Hán. Họ đe dọa các bác sĩ đã lên tiếng phơi bày dịch bệnh, buộc các nền tảng mạng xã hội phải im lặng, tiêu hủy các mẫu virus trong phòng thí nghiệm và thu gom hàng trăm triệu khẩu trang, găng tay và các thiết bị phòng hộ cá nhân khác từ khắp nơi trên thế giới. Thế giới tin rằng Trung Quốc ưu tiên bảo vệ bộ mặt của mình và “tiên phát chế nhân” chống lại mọi sự chỉ trích từ trong và ngoài nước. Tác hại gây ra bởi các thủ đoạn che đậy này rất giống như trong dịch SARS năm 2003.

Theo ông Michael R. Auslin, điều gây sốc nhất là Bắc Kinh đã nói dối Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tính chất của tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, cho rằng không có chứng cứ virus corona mới lây truyền từ người sang người. Báo cáo sai lệch này và việc không cấm người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết Nguyên đán đã phá hủy mọi khả năng ngăn chặn dịch bệnh ở trong lãnh thổ Trung Quốc, khiến dịch bệnh hoành hành tàn phá khắp thế giới và trở thành thảm họa của thế kỷ.

Trung Quốc đã ngay lập tức dày công tổ chức một chiến dịch tuyên truyền trên toàn thế giới để khoe khoang về thành công của Bắc Kinh trong chiến dịch chống dịch và vô tư giúp đỡ các nơi khác trên thế giới, như quyên tặng vật tư y tế và chia sẻ thông tin khoa học. Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn tuyên bố rằng dịch bệnh là do Hoa Kỳ gây ra và truyền bá sang Trung Quốc.

Mặc dù chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc nhằm chuyển hướng mọi sự sự chỉ trích Trung Quốc, nhưng nó đã đầu độc mối quan hệ (của Trung Quốc) với Hoa Kỳ và các nước khác. Do Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận mọi thiếu sót trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, nên có thể hiểu được tại sao tất cả các nơi trên thế giới đều đặt câu hỏi nghi ngờ liệu Trung Quốc có thực sự là một thành viên quốc tế đáng tin cậy hay không.

Một tác phẩm của Michael Auslkin (Ảnh: Hoover.org).

Đầu tiên Bắc Kinh tìm kiếm các vật tư y tế cần thiết trên thế giới, sau đó bán khẩu trang và bộ xét nghiệm virus thứ phẩm cho nhiều quốc gia, có lúc thậm chí còn bán cả các mặt hàng được nước ngoài quyên tặng. Giờ đây, chính phủ các nước châu Âu và châu Á đang trả lại hàng chục triệu USD thiết bị kém chất lượng và thiết bị xét nghiệm không hợp lệ đã mua, điều này đã làm sâu sắc thêm sự ngờ vực của các quốc gia này đối với Trung Quốc và Bắc Kinh được coi là một đối tác không đáng tin cậy.

Michael R. Auslin nhận định, dù có hay không xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới sau đại dịch COVID-19, thì quan hệ Mỹ – Trung và quan hệ Trung Quốc với thế giới sẽ không thể khôi phục trạng thái ban đầu. Hậu quả địa chính trị chủ yếu sẽ là giảm sự phụ thuộc chính trị và kinh tế đối với Trung Quốc. Toàn cầu hóa không bị ràng buộc hiện đang bị chỉ trích rộng rãi, Mỹ và các quốc gia khác sẽ phải tăng cường năng lực sản xuất độc lập trong các lĩnh vực có tầm quan trọng về an ninh quốc gia như sản xuất thiết bị y tế quan trọng và khai thác, chế biến đất hiếm. Điều này tự nhiên dẫn đến sự tách rời giữa các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Trong một khoảng thời gian, tốc độ và phạm vi tách rời là không xác định.

Xét từ góc độ chính trị, cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ thúc đẩy Mỹ và các nước khác từ bỏ chính sách đối ngoại không phê phán Trung Quốc trong 40 năm qua. Mỹ có thể chuyển sang tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị với các nước khác. Do chính sách của Mỹ ưu tiên xem xét quan hệ với các quốc gia dân chủ khác, nên các đồng minh dài hạn như Nhật Bản, Vương quốc Anh, Australia và Canada sẽ được hưởng lợi từ nó.

Tác giả Michael R. Auslin kết luận, dựa quá nhiều vào Trung Quốc và ảo tưởng rằng với việc tiếp xúc ngày càng nhiều sẽ thay đổi tính chất của chính quyền Trung Quốc, hậu quả nguy hiểm hiện đã quá rõ ràng. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này cho thấy lợi ích quốc gia của Mỹ cần phải giữ khoảng cách thận trọng với chính quyền Trung Quốc và áp dụng thái độ hoài nghi đối với Trung Quốc có liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Các nhà quan sát trong phe đối lập Mỹ đều thừa nhận mối quan hệ Mỹ – Trung sớm phải “thay đàn đổi dây” (sửa đổi lại quy chế, cách chơi). Cuộc khủng hoảng dịch bệnh này chỉ làm trầm trọng thêm xu hướng vốn đã rõ ràng và cho thấy sự nguy hiểm khi cứ chìm đắm trong những kỳ vọng không thực tế. (V/T)