Không, nghiên cứu của Đức không phát hiện vắc-xin ngừa COVID làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em
Kate Atkinson
Ngày 26 tháng 11 năm 2024
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Một nghiên cứu phát hiện vắc-xin ngừa COVID-19 mRNA làm tăng nguy cơ ung thư ở trẻ em.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Sai. Nghiên cứu đó không cho thấy vắc-xin ngừa COVID-19 làm tăng nguy cơ ung thư.
AAP FACTCHECK – Một nghiên cứu tìm hiểu phản ứng miễn dịch đối với vắc-xin ngừa COVID-19 ở trẻ em không thấy mũi chích này làm tăng nguy cơ ung thư, mặc dù có nhiều tuyên bố được đưa ra trên mạng.
Mặc dù nghiên cứu đó đã tìm thấy sự gia tăng của một kháng thể cụ thể sau các liều nhắc lại, nhưng không đưa ra kết luận nào về mối liên hệ giữa phản ứng đó với nguy cơ ung thư tăng cao, cũng như không cho biết rằng đây là trường hợp như vậy.
Tuyên bố này xuất hiện trong một bài đăng trên Facebook bao gồm ảnh chụp màn hình một bài viết trên Substack của một cựu bác sĩ, người trước đây đã đưa ra các tuyên bố phản đối chích ngừa.
“TIN MỚI NHẤT: Tất cả Trẻ em được Chích Vắc-xin mRNA đều có nguy cơ mắc Ung thư cao hơn – một nghiên cứu mới của Đức chứng minh rằng IgG4 tăng cao ở trẻ em từ 5-11 tuổi một năm sau khi chích vắc-xin ngừa COVID-19 mRNA của Pfizer!” tiêu đề bài viết trên Substack cho biết.
Bài viết đó đề cập đến một nghiên cứu của Đức năm 2024 về việc liệu một kháng thể cụ thể có tăng lên ở trẻ em sau khi chích vắc-xin ngừa COVID-19 hay không, được công bố trên The Pediatric Infectious Disease Journal (Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Nhi khoa).
Kháng thể, còn được gọi là immunoglobulin (Ig), được hệ thống miễn dịch sản xuất ra để tìm và chống lại các kháng nguyên như vi khuẩn và vi-rút.
Có năm loại kháng thể – IgM, IgA, IgD, IgE và IgG. Loại kháng thể IgG có thêm bốn phân nhóm nữa.
Nghiên cứu tập trung vào phân nhóm IgG ít phổ biến nhất, IgG4, và bao gồm 14 trẻ em khỏe mạnh từ năm đến 11 tuổi được chích hai liều vắc-xin của Pfizer.
Các mẫu máu được lấy vào ngày chích liều đầu tiên, năm tuần sau đó và một năm sau liều thứ hai (trang 1201).
Các nhà nghiên cứu phát hiện mức IgG4 tăng lên sau khi chích vắc-xin và kết luận rằng việc hiểu rõ hơn về phản ứng kháng thể là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh chích vắc-xin mRNA (trang 1202).
Tuy nhiên, họ không xác định hoặc điều tra xem liệu mức độ tăng cao này có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hoặc có thể dẫn đến ung thư hay không.
Bài viết trên Substack lập luận rằng “khi hệ miễn dịch bị chi phối bởi kháng thể IgG4, cơ thể có thể ít có khả năng chống lại ung thư hơn”.
Bài viết đó trích dẫn một bài viết của tạp chí Nature Reviews Immunology (Đánh giá Tự nhiên về Miễn dịch học) cho rằng IgG4 có thể ngăn chặn các phản ứng chống khối u từ các kháng thể khác, và một nghiên cứu của Bệnh viện Tưởng niệm Tôn Dật Tiên năm 2022 cho biết những người mắc bệnh liên quan đến IgG4 dường như có nguy cơ ung thư cao hơn.
“Tất cả trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chích vắc-xin ngừa COVID-19 mRNA của Pfizer đều có nồng độ IgG4 tăng cao sau 1 năm chích liều thứ 2, điều này nghĩa là nguy cơ mắc bệnh ung thư của trẻ tăng lên,” tác giả của tuyên bố kết luận.
Nhưng đồng tác giả của nghiên cứu về IgG4 năm 2024, Tiến sĩ Robin Kobbe, cho biết những phát hiện của ông đã bị hiểu sai.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ báo cáo về sự gia tăng của một loại kháng thể cụ thể, IgG4, ở trẻ em – sau khi loại kháng thể này đã được báo cáo là gia tăng ở người lớn! Hoàn toàn không có nghĩa là điều này là tệ,” ông nói với Logically Facts.
“Sự gia tăng nồng độ IgG4 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh khác bằng vắc-xin mRNA trong tương lai, đó chính là mục tiêu mà nghiên cứu muốn giải quyết.”
Shiv Pillai, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết IgG4 là một kháng thể kháng viêm được sản xuất sau khi tiếp xúc nhiều lần với các kháng nguyên, bao gồm một số loại vắc-xin.
“Không có dữ liệu thực tế nào cho thấy nồng độ IgG4 có liên quan đến ung thư,” ông nói với AAP FactCheck.
“Về mặt lý thuyết, nếu chúng có liên quan, chúng có thể làm giảm viêm sưng và do đó giảm nguy cơ ung thư, nhưng trên thực tế không có dữ liệu nào cho thấy việc có liên quan hoặc bất kỳ mối liên hệ nguyên nhân hậu quả hoặc mối liên hết nào hoặc nguyên do nào của bất kỳ loại globulin miễn dịch nào với ung thư.”
Maartje Huijbers, phó giáo sư về di truyền và thần kinh học tại Đại học Leiden, cho biết một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin COVID có thể làm tăng IgG4 ở cả trẻ em và người lớn sau khi chích liều nhắc lại.
Nhưng bà lưu ý rằng nghiên cứu của Tiến sĩ Kobbe không đề cập đến bất kỳ mối liên hệ nào với bệnh ung thư.
“Thành thật mà nói, với tôi đây là một tuyên bố vô lý và rất có hại cho sức khỏe cộng đồng vì nó gây hiểu lầm cho công chúng nói chung,” Tiến sĩ Huijbers nói với AAP FactCheck.
Bà cho biết đúng là nồng độ IgG4 cao thường được thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến IgG4, một tình trạng viêm sưng hiếm gặp – nhưng điều đó không có nghĩa là một người có nồng độ IgG4 cao sẽ mắc bệnh.
Tiến sĩ Huijbers cũng cho biết bà không biết có bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa việc chích vắc-xin COVID và bị hình thành bệnh liên quan đến IgG4.
Một số báo cáo cho thấy IgG4 có thể làm bệnh tiến triển nặng hơn ở bệnh nhân ung thư vì đặc tính chống viêm của nó có thể ngăn chặn phản ứng của các kháng thể khác – ví dụ IgG1 hoặc IgG3 – tốt hơn trong việc chống lại khối u.
Tuy nhiên,William Petri, giáo sư y khoa tại Đại học Virginia, cho biết điều này là không đi đến kết luận rõ ràng.
“Không có bằng chứng nào về tác dụng chống ung thư của kháng thể IgG4 ở người bị ung thư và không có bằng chứng nào cho thấy kháng thể IgG4 do vắc-xin tạo ra sẽ gây ung thư,” ông nói với AAP FactCheck.
Tiến sĩ Huijbers cho biết thêm rằng phản ứng IgG4 do vắc-xin COVID kích hoạt sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của khối u ở bệnh nhân ung thư vì các kháng thể được hướng đến một mục tiêu khác. (AAP)