Khối tài sản khổng lồ 28 tỷ USD của Nữ hoàng Anh được thừa kế ra sao?
Phần lớn tài sản được cho là thuộc sở hữu của Nữ hoàng trên thực tế thuộc về Công ty Hoàng gia, đế chế trị giá 28 tỷ USD mà các thành viên Hoàng gia Anh như Vua George VI hay Hoàng thân Philip từng gọi là “doanh nghiệp gia đình”.
Nữ hoàng Elizabeth II để lại cho tân vương Charles hơn 500 triệu USD tài sản cá nhân, cùng số bất động sản trị giá khoảng 28 tỷ USD.
Nữ hoàng Elizabeth II được coi là một trong những quân vương giàu có nhất thế giới, với khối tài sản đồ sộ gồm các bộ sưu tập nghệ thuật, lâu đài, dinh thự… Phần lớn những tài sản này sẽ được trao lại cho tân vương Charles III sau khi bà qua đời hôm 8/9.
Dù có vẻ đơn giản, trên thực tế, tài sản của Nữ hoàng và những gì sẽ xảy ra với chúng sau khi bà qua đời rất phức tạp. Phần lớn tài sản được cho là thuộc sở hữu của Nữ hoàng trên thực tế thuộc về Công ty Hoàng gia, đế chế trị giá 28 tỷ USD mà các thành viên Hoàng gia Anh như Vua George VI hay Hoàng thân Philip từng gọi là “doanh nghiệp gia đình”. Ngoài ra, bà còn có khoảng 500 triệu USD tài sản cá nhân, theo Forbes.
Thu nhập của Nữ hoàng đến từ một quỹ trích từ ngân sách được gọi là trợ cấp Hoàng gia, chuyên trả “lương” cho các thành viên Hoàng gia Anh hàng năm.
Quỹ có nguồn gốc từ một thỏa thuận dưới thời Vua George III, khi ông từ bỏ khoản thu nhập của mình từ Nghị viện Anh để nhận một khoản trợ cấp cố định hàng năm cho bản thân và các thế hệ tương lai trong hoàng gia. Khoản tiền này được gọi là Trợ cấp Hoàng gia từ năm 2012.
Số tiền tài trợ được ấn định là gần 99.5 triệu USD vào năm 2021 và 2022. Khoản tiền trên được sử dụng cho việc đi lại, bảo trì tài sản và chi phí vận hành hay bảo trì Điện Buckingham, dinh thự của Nữ hoàng.
Nhưng thu nhập của Nữ hoàng không chỉ đến từ khoản trợ cấp hàng năm, mà còn có một phần đáng kể lợi nhuận từ Công ty Hoàng gia.
Công ty Hoàng gia là một nhóm các thành viên cấp cao của Hoàng tộc Windsor, dòng tộc mà Nữ hoàng là người đứng đầu. Họ cùng nhau vận hành một thực thể được coi là đế chế kinh doanh toàn cầu, bơm hàng trăm triệu USD vào nền kinh tế Anh mỗi năm thông qua các sự kiện truyền hình và du lịch.
Nữ hoàng và 7 thành viên hoàng gia khác là thành viên của Công ty, gồm Thái tử Charles (hiện là Vua Charles III) và Vương hậu Camilla, vợ chồng Thái tử William; Vương nữ Vương thất Anne, con gái Nữ hoàng, cùng Hoàng tử Edward, con trai út của Nữ hoàng và vợ ông, Sophie, nữ bá tước xứ Wessex.
Tính đến năm 2021, số tài sản mà Công ty Hoàng gia nắm giữ là 28 tỷ USD bất động sản, song chúng không thể bị đem bán. Nổi bật trong số này có Crown Estate, tập hợp các vùng đất và tài sản ở Vương quốc Anh thuộc về Nữ hoàng, trị giá 19.5 tỷ USD, Cung điện Buckingham, trị giá 4.98 tỷ USD, Công quốc Cornwall, trị giá 1.3 tỷ USD, Công quốc Lancaster, trị giá 748 triệu USD hay Cung điện Kensington, trị giá 630 triệu USD.
Hoàng gia Anh không thu lợi nhuận cá nhân từ các hoạt động kinh doanh của Công ty Hoàng gia. Thay vào đó, Công ty thúc đẩy nền kinh tế Anh thông qua hiệu ứng truyền thông, khi các sản phẩm dán nhãn “bảo đảm hoàng gia” được bày bán, từ đó đem lại thịnh vượng cho Hoàng tộc Windsor. Tem “bảo đảm hoàng gia” là dấu hiệu để chứng nhận các mặt hàng được cung cấp cho hoàng gia, nhằm thể hiện chất lượng của sản phẩm.
Dù là tập hợp các bất động sản và tài sản thuộc về Nữ hoàng, Crown Estate không phải tài sản riêng của bà, mà nó được điều hành bởi một hội đồng bán độc lập. Hồi tháng Sáu, Crown Estate công bố doanh thu ròng 312.7 triệu USD cho năm tài khóa 2021-2022, cao hơn 43 triệu USD so với năm trước đó. (T/H, D/V)