Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Khi nào tàu ngầm Úc tuần tra Biển Đông?

Úc – Mỹ bước vào giao đoạn đàm phán về một dự án tàu ngầm nguyên tử nhằm « bảo đảm luật pháp quốc tế trên biển và trên không ». Thay thế kế hoạch trang bị tàu ngầm quy ước bằng tàu ngầm hạt nhân cho phép Hải quân Úc tiến hành những đợt tuần tra « xa bờ và dài ngày ». Canberra thay đổi chiến lược hàng hải để « hướng tới Biển Đông ».

Cuộc họp báo trực tuyến hôm 15/09/2021 khai sinh liên minh AUKUS, chiến lược mới chống Trung Quốc trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Cuộc họp báo trực tuyến hôm 15/09/2021 khai sinh liên minh AUKUS, chiến lược mới chống Trung Quốc trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. (Hình AFP).

Trong bài tham luận mạng tựa đề « Ấn Độ-Thái Bình Dương : sự chọn lựa của Úc và tương lai chiến dịch răn đe Trung Quốc » đăng trên blog cá nhân hôm 21/09/2021, giám đốc chương trình nghiên cứu về Châu Á của viện Montaigne, Paris, Mathieu Duchâtel đặt câu hỏi « khi nào tàu ngầm Úc tuần tra Biển Đông » ?

Thả mồi bắt bóng?

Tác giả tham luận nhắc lại tháng 2/2021, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly thông báo triển khai tàu ngầm nguyên tử của Hải Quân Quốc Gia Pháp, chiếc Emeraude – lớp Barracuda, đến Biển Đông trong khuôn khổ một « cuộc tuần tra ngoại hạng » và đó là « bằng chứng rõ rệt nhất về khả năng của Hải Quân Pháp hoạt động ở xa, trong một thời gian dài cùng với các đối tác của Pháp là Úc, Mỹ hay Nhật Bản ». Tàu ngầm nguyên tử đời mới nhất của Pháp, Barracuda, đã bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2020. Úc đặt mua tàu ngầm Pháp lớp Attack là phiên bản của Barracuda, nhưng chạy bằng điện và diesel.

Khi Úc tuyên bố hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để quay sang trang bị « ít nhất 8 tàu ngầm » sử dụng năng lượng hạt nhân của Anh, Mỹ, giám đốc viện nghiên cứu Montaigne nhắc lại : 5 năm trước đây khi bắt đầu đàm phán với Paris về hợp đồng tàu ngầm, thủ tướng Úc khi đó là Malcom Turnbull đã nhấn mạnh : « Một trong những lợi thế của đối tác Pháp là nếu như trong tương lai, Úc cần chuyển từ công nghệ tàu ngầm quy ước sang tàu ngầm nguyên tử thì tập đoàn Pháp đã sẵn sàng » bởi vì Naval Group –khi đó mang tên là DCNS, đã « có kinh nghiệm về tàu ngầm nguyên tử ».

Hợp đồng của Canberra với Paris liên quan đến lớp tàu Attack, đó là phiên bản từ tàu ngầm Barracuda sử dụng năng lượng hạt nhân do DCNS/Naval Group chế tạo. Cũng thủ tướng Turnbull khi đó đã giải thích rằng, vỏ tàu đã được kiến thiết để có thể « thích nghi » trong trường hợp Canberra đổi ý, dùng năng lượng nguyên tử, thay vì điện và diesel.

Nhưng tháng 9/2021, thủ tước Scott Morrison đã quyết định « làm lại từ đầu » với Mỹ và gạt tập đoàn Pháp Naval Group ra ngoài dự án trang bị tàu ngầm cho Canberra. Giám đốc chương trình nghiên cứu về Châu Á của Viện Montaigne đặt câu hỏi : « Đến bao giờ Hải Quân Úc có khả năng điều tàu ngầm nguyên tử tuần tra Biển Đông như Pháp đã làm hồi tháng 2/2021 ? »

Hiện tại không thể giải đáp câu hỏi này, bởi trước mắt, Canberra, Washington và Luân Đôn mới chỉ « đồng ý về một thỏa thuận khung về mặt chính trị trong khuôn khổ liên minh quân sự và an ninh AUKUS ». Giờ đây mở ra một giai đoạn 18 tháng « tham khảo ». Chỉ sau thời hạn đó, Anh, Mỹ và Úc mới bắt đầu phác thảo ra một số những chi tiết về những « đòi hỏi cụ thể về mặt kỹ thuật » của chương trình trang bị tàu ngầm nguyên tử cho Hải Quân Úc. Kèm theo đó là một « lộ trình » về mặt công nghiệp.

Mục tiêu Biển Đông quá rõ ràng

Canberra phải có những lý do để « chấp nhận làm lại từ đầu ». Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel nhấn mạnh đến một « sự thay đổi về mặt chiến lược » của chính quyền Úc. Theo ông, mua tàu ngầm của Pháp nhằm « đáp ứng một tầm nhìn về mặt an ninh quốc gia tập trung vào khả năng phòng thủ các vùng lãnh hải của nước Úc, đặc biệt là bảo vệ những tuyến đường biển dẫn vào phía bắc Úc châu ». Thay đổi lớn ở đây là « với đội tàu ngầm nguyên tử, chính phủ Úc đã bày rỏ rõ ràng ý định hoạt động xa các bờ biển của nước Úc ».

Qua đó, theo ông Duchâtel, Canberra đã « thay đổi tầm nhìn » về chiến lược an ninh : Hải Quân Úc giờ đây đang hướng về kịch bản can thiệp ở Biển Đông và ở eo biển Đài Loan, Bắc Kinh « trong những tính toán chiến lược tới đây, phải quan tâm đến vai trò của nước Úc ». Nói cách khác, vẫn theo quan điểm của giám đốc chương trình châu Á Viện nghiên cứu Montaigne, việc Canberra mua tàu ngầm nguyên tử « sẽ đặt Hải Quân Úc vào trung tâm chiến lược răn đe mà Hoa Kỳ đang kiến tạo trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương ».

Một trung tâm nghiên cứu của Mỹ được tác giả trích dẫn, tàu ngầm quy ước có khả năng hoạt động trong vòng 11 ngày, kể từ khi rời cảng Perth (bờ tây nước Úc), trong khi đó tàu ngầm nguyên từ có khả năng độc lập đến 70 ngày.  

Tiềm năng hải quân Trung Quốc: Mục tiêu cần nhắm tới

Quyết định của Canberra trang bị tàu ngầm nguyên tử là một vố đau đối với Pháp, nhưng điều hiển nhiên là liên minh AUKUS nhắm vào Trung Quốc. Tựa đề bài viết « Ấn Độ-Thái Bình Dương : sự chọn lựa của Úc và tương lai chiến dịch răn đe Trung Quốc » đã cho thấy ngay điều đó. Hậu quả từ sự chọn lựa của Úc quá rõ.

Canberra đứng về phía Washington vào lúc mà « quyền kiểm soát tuyệt đối các hoạt động trên biển và trên không không còn được bảo đảm là thuộc về Hoa Kỳ ». Chuyên gia Pháp nhắc lại, năm 1995-1996 chính quyền Clinton từng điều hai hàng không mẫu hạm đến eo biển Đài Loan để đáp trả vụ Trung Quốc bắn tên lửa đạn đào gần các bờ biển Đài Loan. Giờ đây, « một động thái tương tự không chắc tránh gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng ».

Mỹ đang lo ngại trước khả năng hải quân của Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh đã trang bị tên lửa chống hạm tầm xa. Trung Quốc đã và đang tiếp tục trang bị thêm tàu chiến đa năng và có sức tấn công lợi hại. Trung Quốc cũng có khả năng đóng tàu ngầm nguyên tử trong 15 tháng. Với đà này, theo chuyên gia Pháp, Mathieu Duchâtel, đến năm 2030, sẽ có đến 13 chiếc tàu nguyên tử của Trung Quốc hoạt động. Đó là mối đe dọa trực tiếp nhắm vào các hoạt động trên biển của Hoa Kỳ. Bài toán càng thêm nan giải khi biết rằng quân đội Trung Quốc đã được trang bị một hệ thống phòng không hiện đại, đủ sức đe dọa những chiến dịch của Không Quân Mỹ.

Sức mạnh để răn đe

Trong bối cảnh đó giám đốc Viện Montaigne của Pháp, Mathieu Duchâtel kết luận, « do thế thượng phong của Mỹ bị đe dọa ở bên trong chuỗi đảo thứ nhất, nên Hoa Kỳ bắt buộc phải rà soát lại tiềm lực và mở rộng chu vi về mặt địa ký để tránh hiểm họa tên lửa đạn đạo Trung Quốc ». Vì thế, tuyên bố của tổng thống Biden về vị trí then chốt của Úc đối với Hoa Kỳ không chỉ là những lời nói suông.

Hơn nữa, trong một môi trường mà các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc đã dày đặc, thì việc trang bị tàu ngầm nguyên tử cho Úc là một tính toán khôn ngoan, nhưng hy vọng rằng đó là những phương tiện răn đe : « Thách thức đặt ra đối với Hoa Kỳ là làm thế nào để thuyết phục Trung Quốc rằng Bắc Kinh không thể đạt được những mục tiêu  chính trị bằng sức mạnh quân sự », bởi vì « trong trường hợp xảy ra xung đột, Hải Quân Trung Quốc có nguy cơ hứng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng ».

Theo Mathieu Duchâtel, « đây chính là sợi chỉ đỏ trong chiến lược triển khai sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và của đồng minh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là Úc ». Nếu như sức mạnh của Hải Quân Hoa Kỳ trong khu vực không chỉ là con cọp giấy, liệu rằng Trung Quốc có chấp nhận rủi ro khi quyết định xâm lược Đài Loan hay không ?

Câu hỏi kế tiếp về phía Hoa Kỳ là liệu rằng « lực có tòng tâm » ? Washington muốn tái lập lại thế thượng phong của Hải Quân Mỹ trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, thế nhưng các kế hoạch đầu tư cho US Navy liệu có đủ để đáp ứng tham vọng đó hay chưa ? Theo quan điểm của giám đốc chương trình nghiên cứu Á Châu Viện Montaigne, Paris, câu trả lời có lẽ là « chưa đủ ». Chính vì vậy mà Mỹ lôi kéo thêm Úc vào liên minh, thành lập một một lực lượng « răn đe » Trung Quốc. Washington muốn tận dụng những lợi thế của Úc trong mục tiêu đó. (RFI)