Jordan Peterson hiểu sai về hệ thống uy tín xã hội của Trung Quốc
Kate Atkinson
Ngày 8 tháng 7 năm 2024
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Hệ thống ID (nhận dạng) kỹ thuật số của Trung Quốc được liên kết với “điểm uy tín xã hội” của một người.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Gây hiểu lầm. Trung Quốc có các hình thức ID kỹ thuật số nhưng không có hệ thống uy tín xã hội được chuẩn hóa trên toàn quốc cho công dân.
AAP FACTCHECK – Nhà tâm lý học người Canada Jordan Peterson tuyên bố những người đi bộ sai luật ở bất cứ nơi nào ở Trung Quốc có thể được xác định bằng ID kỹ thuật số của họ và bị phạt theo hệ thống uy tín xã hội được liên kết.
Điều này gây hiểu lầm. Các chuyên gia nói với AAP FactCheck rằng mặc dù Trung Quốc có các hình thức nhận dạng kỹ thuật số, nhưng quốc gia này không có hệ thống uy tín xã hội được chuẩn hóa trên toàn quốc cho công dân.
Các tuyên bố xuất hiện trong một Thước phim (Reel) trên Instagram có một đoạn phim từ cuộc phỏng vấn dạng podcast (tệp âm thanh kỹ thuật số trên mạng) vào tháng 8 năm 2023 với Tiến sĩ Peterson.
Đoạn phim đã được chia sẻ lại sau khi quốc hội Australia thông qua các luật về ID kỹ thuật số vào ngày 16 tháng 5 năm 2024. “Nếu một máy chụp hình giao thông ghi lại được hình ảnh bạn đi bộ sai luật ở Trung Quốc, thì hệ thống ID kỹ thuật số sẽ phát hiện ra bạn, nắm giữ bạn ngay,” Tiến sĩ Peterson nói trong đoạn phim.
“Hệ thống đó có mã gen di truyền của bạn. Hệ thống đó có ảnh của bạn. Hệ thống đó có thể xác định cách bạn đi bộ. Vì vậy, ngay cả khi không thể nhìn thấy khuôn mặt bạn, bạn vẫn có thể bị phát hiện qua dáng đi.
“Hệ thống đó sẽ kết tội bạn đi bộ sai luật và trừ tiền khỏi tài khoản ngân hàng của bạn mà không cần bất kỳ cơ quan tư pháp trung gian nào, đồng thời hiển thị ảnh của bạn cho mọi người trong khu phố để họ biết rằng bạn đã đi bộ sai luật và làm giảm điểm uy tín xã hội của bạn.
“Và nếu điểm uy tín xã hội của bạn giảm xuống dưới một mức nhất định nào đó thì bạn không thể mua đồ uống từ máy bán hàng tự động, bạn không thể chơi trò chơi điện tử, bạn không thể lên xe lửa, bạn không thể ra khỏi thành phố 15 phút của bạn. Tất cả những điều đó đang được áp dụng ở Trung Quốc.”
AAP FactCheck đã gửi thư điện tử cho Tiến sĩ Peterson để yêu cầu ông cung cấp bằng chứng chứng minh cho các tuyên bố của mình, nhưng ông đã không trả lời.
Vincent Brussee của Đại học Leiden, một chuyên gia về uy tín xã hội ở Trung Quốc, cho biết đoạn phim đó chứa đựng một “đống lộn xộn những lời dối trá với một chút sự thật” để tạo ra một câu chuyện liên kết các thành phố 15 phút, điểm uy tín xã hội và ID kỹ thuật số. Không phải là ông Brussee đang cho rằng việc giám sát ở Trung Quốc là một huyền thoại.
“Điều này rất thật, và trong một số trường hợp rất gây khó chịu,” ông nói với AAP FactCheck, “nhưng nó hoạt động theo những cách hoàn toàn khác nhau.”
Công dân Trung Quốc bắt buộc phải có thẻ ID chứa một một số gồm 18 chữ số được cá nhân hóa và các chi tiết khác như tên, địa chỉ, giới tính, dân tộc, ngày sinh và ảnh của họ.
Jeremy Daum, một nhà nghiên cứu thâm niên tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Đại học Yale, cho biết nhóm máu của một người đã được đưa vào, và các số ID cũng được liên kết với số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng của người đó.
Các thẻ được cập nhật có một vi mạch mà có thể được quét để truy cập bản sao kỹ thuật số của các thông tin này.
Một số thành phố, bao gồm Thâm Quyến, Sơn Đông và Giang Tô, đã cố gắng xác định những người đi bộ sai luật qua cách nhận dạng khuôn mặt và hiển thị khuôn mặt của họ trên bảng quảng cáo như một hình thức bêu xấu công khai. Nhưng ông Daum cho biết việc nhận dạng theo thời gian thực đã không thành công vì phần mềm nhận dạng khuôn mặt không đủ hiệu quả.
Ông Brussee xác nhận rằng một số máy chụp hình giao thông được trang bị công nghệ này, mặc dù nó không được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.
“Chắc chắn là các máy chụp hình đó không kết nối với cơ sở dữ liệu có chứa ADN, dáng đi, v.v.” ông nói.
Tuy nhiên, ông Brussee nói rằng chính quyền Trung Quốc duy trì các cơ sở dữ liệu riêng biệt về thông tin ADN để giám sát.
Ví dụ: Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) đã báo cáo rằng chính quyền Trung Quốc đã đối chiếu hơn 40 triệu hồ sơ ADN cho một cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm trên toàn quốc, và vào năm 2022, tổ thức này phát hiện cảnh sát ở Tây Tạng tùy tiện thu thập các mẫu ADN, kể cả của trẻ em.
Giáo sư Ariane Ollier-Malaterre, người nghiên cứu các công nghệ kỹ thuật số ở Trung Quốc tại Đại học Quebec, không biết bất kỳ trường hợp nào mà tiền bị tự động trừ khỏi tài khoản ngân hàng của họ. “Nếu bạn đi bộ sai luật hoặc lái xe vượt giới hạn tốc độ, bạn có thể bị phạt, sau đó bạn phải nộp tiền phạt,” bà nói với AAP FactCheck.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói với AAP FactCheck rằng Trung Quốc không có hệ thống uy tín xã hội được chuẩn hóa trên toàn quốc để xếp loại mọi công dân và chấm điểm cho họ.
“Ở Trung Quốc có một thứ gọi là shehui xinyong tixi thường được dịch là ‘hệ thống uy tín xã hội’ nhưng thực tế nó chẳng giống chút nào với bất kỳ điều gì được thảo luận trong đoạn phim này,” ông Brussee giải thích.
Ông cho biết shehui xinyong tixi là một tập hợp các cơ sở dữ liệu về mức độ uy tín và tuân thủ pháp luật của các cá nhân và công ty.
Các nhà chức trách có thể sử dụng thông tin đó để đưa những đối tượng vi phạm nghiêm trọng vào danh sách đen và áp đặt các hạn chế đối với việc kinh doanh hoặc khả năng họ có được các khoản cho vay.
Ông Daum cho biết hệ thống này không nhằm mục đích xếp hạng cá nhân mà nhằm mục đích chia sẻ hồ sơ về các hành vi vi phạm pháp luật và giấy phép của công ty.
Công dân vẫn có thể bị xử phạt theo các hệ thống uy tín xã hội khác nhau ở Trung Quốc, nhưng Alex Trauth-Goik, một nhà nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Đông Á của Đại học Vienna, cho biết tâm điểm là nhắm đến những người vỡ nợ. “Những người đã được tòa án chính thức ra lệnh trả nợ hoặc trả tiền lương mà họ nợ nhưng họ từ chối làm theo lệnh. Họ chiếm phần lớn trong số các cá nhân nằm trong danh sách đen theo uy tín xã hội,” Tiến sĩ Trauth-Goik nói với AAP FactCheck.
Giáo sư Ollier-Malaterre cho biết những cá nhân bị đưa vào danh sách đen có thể không được mua vé xe lửa cao tốc hoặc các mặt hàng xa xỉ khác.
Minxin Pei, một giáo sư về quản trị tại Đại học Claremont McKenna, đã viết rằng 62 địa phương đã được chọn cho các dự án thí điểm về uy tín xã hội như tại thời điểm năm 2021 như một phần của kế hoạch cho một hệ thống uy tín xã hội quốc gia sau cùng.
“Dựa trên kiến thức của tôi về cách hệ thống này đang được triển khai, không có một tiêu chuẩn quốc gia nào,” ông nói với AAP FactCheck.
“Do đó, chính quyền địa phương nắm quyền quyết định rất lớn về những gì cần đưa vào hoặc loại ra khi tính điểm uy tín xã hội.”AAP FactChecktrước đây đã bác bỏ các tuyên bố của Tiến sĩ Peterson về năng lượng tái tạo. (AAP)