Thursday, November 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

JN.1: Báo động làn sóng Covid-19 mới


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trên toàn thế giới và tình hình dự kiến sẽ không được cải thiện trong thời gian tới. Hiện Covid-19 vẫn đang cướp đi sinh mạng của khoảng 1,700 người mỗi tuần trên toàn cầu.

Mẫu xét nghiệm dương tính với biến thể JN.1. Hình Getty

Nguy cơ xuất hiện các biến thể nghiêm trọng

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Giám đốc Phòng chống và chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh và đại dịch của WHO, cho biết “dữ liệu từ hệ thống giám sát của chúng tôi trải rộng khắp 84 quốc gia cho thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã tăng lên trong vài tuần qua”.

WHO cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể nghiêm trọng hơn ngày càng tăng khi virus tiếp tục lây lan và tiến hóa, có thể dẫn đến một biến thể kháng lại sự can thiệp của y tế.

Theo bà Maria, ở châu Âu, tỷ lệ xét nghiệm dương tính là hơn 20%. Tuy nhiên, bà Kerkhove cho rằng tỷ lệ lây nhiễm trên thực tế có thể cao hơn, vì việc theo dõi nước thải cho thấy mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trong một số trường hợp có thể cao hơn tới 20 lần so với kết quả xét nghiệm.

WHO cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện các biến thể nghiêm trọng hơn ngày càng tăng khi virus tiếp tục lây lan và tiến hóa, có thể dẫn đến một biến thể kháng lại sự can thiệp của y tế.

Bà Kerkhove nhấn mạnh: “Với mức độ lây lan đáng kể như vậy, nếu có một biến thể nghiêm trọng hơn, thì nguy cơ những người dân mắc bệnh nghiêm trọng là rất đáng kể”. Tỷ lệ nhập viện vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm dịch, song WHO kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, bảo đảm các nhóm có nguy cơ cao nhất sẽ được nhắc nhở tiêm chủng 12 tháng/lần.

JN.1: Báo động làn sóng Covid-19 mới.

Tại Nhật Bản, các nhân viên y tế đang cảnh giác với “làn sóng thứ 11” của các ca mắc Covid-19 và cái nóng mùa hè dữ dội đồng thời tấn công đất nước, khiến việc phân biệt ngay lập tức giữa say nắng và các triệu chứng Covid-19 trở nên khó khăn. Tính đến cuối tháng 7, chủng virus đột biến KP.3 đã chiếm khoảng 80% các trường hợp. KP.3 có khả năng trốn tránh miễn dịch và khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng thông thường.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, số bệnh nhân Covid-19 tăng gấp 6 lần trong một tháng khi virus bùng phát trở lại vào mùa hè. Hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết báo cáo từ 220 bệnh viện trên toàn quốc cho thấy số người nhập viện vì Covid-19 trong tuần đầu tiên của tháng 8 đã lên tới 861 người, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2.

Giới chức y tế dự báo số ca bệnh sẽ duy trì xu hướng tăng cho đến cuối tháng này. Làn sóng Covid-19 mới nhất bắt nguồn từ biến thể phụ KP.3 của biến thể Omicron lây lan nhanh, chiếm 45,5% tổng số ca mắc, tính đến tháng 7. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ nối lại chiến dịch tiêm phòng Covid-19 vào tháng 10, trong đó các nhóm có nguy cơ cao sẽ được tiêm vaccine miễn phí.

Thiệt hại lớn do triệu chứng hậu Covid-19

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 9/8, khoảng 400 triệu người trên toàn thế giới gặp các triệu chứng và di chứng hậu Covid-19 kéo dài. Nghiên cứu chỉ ra rằng phí tổn kinh tế ước tính từ các yếu tố như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người mắc Covid-19 kéo dài không thể quay lại làm việc… là khoảng 1,000 tỷ USD trên toàn cầu mỗi năm, tương đương 1% GDP toàn cầu.

Bên cạnh đó, khoảng 6% người trưởng thành trên toàn thế giới đã mắc các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài; nhiều người vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và việc điều trị căn bệnh này vẫn là một trong những thách thức lớn nhất.

Giới chuyên gia Australia đánh giá Covid-19 sẽ còn gây ảnh hưởng tới thể chất của người dân nước này trong nhiều năm tới, với nhiều trường hợp có nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và chứng mất trí nhớ sau khi mắc Covid-19. Trong năm 2023, Úc ghi nhận khoảng 4,600 ca tử vong được cho là trực tiếp do Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 9 tại nước này hồi năm ngoái.

Theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, điều quan trọng là người dân phải thực hiện các bước để giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả việc bảo đảm rằng họ đã được tiêm một liều vaccine phòng Covid-19 trong 12 tháng qua nếu thuộc nhóm có nguy cơ. Việc sản xuất vaccine đã giảm trong 18 tháng qua và số lượng nhà sản xuất cũng giảm. Người ta hy vọng rằng vaccine vẫn đang được phát triển có thể giúp giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, nhiễm trùng và bệnh nghiêm trọng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về tình trạng giảm tỷ lệ tiêm vaccine và kêu gọi những nhóm dân số có nguy cơ tiếp tục tiêm vaccine phòng ngừa căn bệnh này.

Ông nêu rõ dù số người tử vong vẫn tiếp tục tăng, các dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine đang giảm ở hai nhóm có nguy cơ cao nhất là nhân viên y tế và người trên 60 tuổi. WHO khuyến cáo những người trong nhóm có nguy cơ cao nhất nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong vòng 12 tháng kể từ liều cuối cùng.

WHO đã ghi nhận hơn 7 triệu ca tử vong do Covid-19 trên thế giới. Dịch bệnh này cũng tàn phá nền kinh tế và làm tê liệt các hệ thống y tế. Hơn 3 năm sau khi phát hiện virus SARS-CoV-2, tháng 5/2023, WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19.

Tuy nhiên, tổ chức này vẫn kêu gọi các chính phủ duy trì giám sát và giải trình tự virus, đồng thời bảo đảm tiếp cận các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine đáng tin cậy với giá cả phải chăng.

Thế giới đang đối mặt thách thức gay gắt về an ninh truyền thống với các cuộc chiến đáng lo ngại tại châu Âu và Trung Đông. Trong khi đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 vẫn luôn rình rập đe dọa sự phục hồi kinh tế và tính mạng của người dân. Bối cảnh nêu trên đòi hỏi mọi chính phủ, người dân phải luôn chủ động đối phó, chủ động thích ứng và đề cao cảnh giác trước “bóng ma đại dịch” có thể quay trở lại bất kể lúc nào. (T/H, N/D)