Hoa Kỳ công bố chương trình bảo lãnh tư nhân để định cư tị nạn –Giai Đoạn 1
- BPSOS kêu gọi giới truyền thông Việt ngữ đưa tin chính xác, trong tinh thần trách nhiệm
Mạch Sống, ngày 18 tháng 1, 2023
Hôm nay, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố chương trình mệnh danh “Welcome Corps”, qua đó từng nhóm 5 công dân Hoa Kỳ trở lên có thể phụ đỡ người tị nạn mới đến về ổn định đời sống. Đây là công việc trước đây vẫn giao cho các tổ chức nhận ngân sách của chính phủ để định cư người tị nạn.
BPSOS đã cùng hơn 200 tổ chức ký thư chung bày tỏ sự ủng hộ chương trình Welcome Corps.
“Chúng tôi hoan nghênh chương trình này vì nó khuyến khích công dân Hoa Kỳ mở rộng vòng tay để đón tiếp người tị nạn,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Điều này mang ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt tị nạn chúng ta vì sau 1975 và mãi đến năm 1980, người Việt di tản và tị nạn đều được các nhóm hoặc tổ chức tư nhân của Hoa Kỳ bảo lãnh; lúc ấy chưa có chương trình bảo lãnh người tị nạn bởi chính phủ.”
Hạn chế lớn nhất của giai đoạn 1 của chương trình Welcome Corps là các nhóm tư nhân không được chọn người tị nạn mình muốn mà tuỳ thuộc vào chính phủ giới thiệu.
“Nghĩa là, vẫn chỉ có một cánh cửa cho người tị nạn định cư vào Hoa Kỳ: đó là cánh cửa của chính phủ, thay vì mở ra thêm cánh cửa thực sự của tư nhân như ở Canada,” Ts. Thắng giải thích. “Ở Canada, các nhóm gia đình được chọn người tị nạn mà họ muốn bảo lãnh; ở Hoa Kỳ thì không, ít ra trong giai đoạn hiện nay.”
Theo Ts. Thắng, Ông đã họp với Bộ Ngoại Giao nhiều lần để nêu điểm quan ngại này, và Bộ Ngoại Giao cho biết sẽ tháo gỡ hạn chế kể trên trong giai đoạn 2 của chương trình.
Về thời điểm bắt đầu giai đoạn 2, mục tiêu đề ra là giữa năm 2023. Tuy nhiên, có thể sẽ lâu hơn vậy vì chính phủ Hoa Kỳ cần thời gian phân tích số liệu của giai đoạn 1, điều chỉnh chương trình cho phù hợp trước khi mở giai đoạn 2.
“Lúc ấy chính phủ Hoa Kỳ sẽ công bố thể thức và thủ tục và người tị nạn ở Thái Lan hãy chờ thông tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ,” Ts. Thắng căn dặn. “Đưa thông tin cá nhân của mình cho những người không thuộc hệ thống của chính phủ Hoa Kỳ hoặc những tổ chức được chính phủ Hoa Kỳ chỉ định là điều hoàn toàn không nên.”
Trong giai đoạn 1, các người được chọn cho chương trình bảo lãnh tư nhân vẫn phải qua các thủ tục bao gồm: được cứu xét tư cách tị nạn bởi Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (UNHCR), vẫn phải chờ để được UNHCR giới thiệu định cư với chính phủ Hoa Kỳ, vẫn phải được chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách phỏng vấn định cư (nếu may mắn), vẫn phải qua mọi thủ tục phỏng vấn, xét lý lịch… của Sở Di Trú Hoa Kỳ. Mọi thể thức, thủ tục, tiến trình đều y như cũ.
Ở giai đoạn 2, có thể sẽ không cần phải chờ UNHCR giới thiệu mà chính phủ Hoa Kỳ tự lập danh sách. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang thương lượng với UNHCR khía cạnh này.
Nơi đây có một số hướng dẫn theo dạng hỏi đáp về chương trình Welcome Corps:
“Chúng tôi cũng kêu gọi giới truyền thông Việt ngữ đưa tin chính xác, sau khi đã phối kiểm với nguồn tin đáng tin cậy để tránh tạo xáo trộn trong cộng đồng người Việt tị nạn ở Thái Lan,” Ts. Thắng nói. “Tệ hơn, các thông tin thất thiệt có thể xúc tác một số người ở Việt Nam chạy sang Thái Lan vì nghĩ rằng có cơ hội định cư Hoa Kỳ.”
Thông tin liên quan:
Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng
Hơn 100 người Tây Nguyên vừa đến Thái Lan chỉ trong 2 tuần đầu năm: ảnh hưởng bởi tin đồn thất thiệt?