Hiểu đúng về tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19
Sau Pfizer và Moderna, hôm 23/11, AstraZeneca – một liên doanh giữa Anh và Thụy Sĩ – đã tuyên bố vắc-xin ngừa COVID-19 do hãng này nghiên cứu, phát triển có hiệu quả 90%. Tỷ lệ này nghĩa là gì?
Khác với ngôn ngữ đời thường, con số này không mang khái niệm về tính hiệu quả, ít nhất là xét dưới khía cạnh khoa học. Nói cách khác, “hiệu quả 90%” không có nghĩa là vắc-xin có khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan lên đến 90%.
Theo định nghĩa do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra, “hiệu quả của vắc-xin” (VE-vắc-xin Efficacy) được đo lường trong những thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát và dưới những điều kiện lý tưởng. “Vắc-xin hiệu quả 90%” đồng nghĩa với việc người được tiêm vắc-xin giảm được 90% nguy cơ lây nhiễm so với người không tiêm vắc-xin.
Như trong trường hợp của Moderna, hãng dược này tiến hành theo dõi số ca mắc bệnh trên số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, với hai liều được tiêm ngừa cách nhau 28 ngày. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với vắc-xin do Moderna nghiên cứu, phát triển được tiến hành trên khoảng 30,000 người ghi danh.
Số này sẽ được chia thành hai nhóm theo tỉ lệ 50/50: Nhóm tiêm vắc-xin (nhóm vắc-xin) và nhóm không tiêm vắc-xin (nhóm giả dược), mỗi nhóm có 15.000 người. Kết quả do Moderna công bố cho thấy có tổng số 95 người mắc trong cả hai nhóm. Trong đó, nhóm tiêm vắc-xin có 8 người nhiễm, với xác suất là 5/15,000 = 0.033%; nhóm giả dược có 90 người nhiễm, với tỉ lệ 90/15,000=0.60%. Hiệu quả của vắc-xin khi đó được tính theo công thức: VE=1- (0.033/0.60) = 94.5%.
Tuy nhiên, thu thập, đánh giá dữ liệu về tính hiệu quả của vắc-xin không dừng lại sau thử nghiệm lâm sàng. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi khả năng vắc-xin ngừa COVID-19 ngăn chặn các triệu chứng, các ca ốm nặng, tử vong nhiều năm sau đó. Nói cách khác, tính hiệu quả của vắc-xin chỉ có thể đo lường được khi toàn bộ dân số được tiêm ngừa.
Để được cấp phép sử dụng, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ quy định rằng các mẫu vắc-xin nói chung phải có hiệu quả ở mức ít nhất 50% trong thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra mức tối thiểu này đối với vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng khuyến khích mức tối thiểu là 70%.
Có rất ít vắc-xin hiệu quả trên 90%, trường hợp hãn hữu đó rơi vào vắc-xin phòng sởi, ho gà. Vắc-xin ngừa cúm mùa chỉ có tỉ lệ hiệu quả ở ngưỡng 40%-60%, nhưng cũng đã cứu sống được hàng triệu mạng người. Vậy nên những con số, tỉ lệ mà Pfizer, Moderna hay AstraZeneca công bố là đáng để ăn mừng. (BTT)