Wednesday, December 4, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hàng triệu con CHUỘT đang xâm chiếm nước Úc, nhà chức trách phải ra quyết định hủy diệt gây nhiều tranh cãi

Suốt 40 năm qua, đây là lần đầu tiên người Úc phải chứng kiến nhiều chuột đến như vậy. Được biết, 1 đôi chuột có thể sản sinh ra 500 con nữa vào mỗi mùa sinh sản.

“Con chuột tốt đẹp nhất phải là một con chuột chết,” -đây là lời tuyên bố của Phó Thủ tướng Michael McCormack, sau khi chính thức tuyên chiến với đội quân chuột đang hoành hành tại nước Úc.

Nhiều tháng qua, đội quân chuột với số lượng lên đến hàng triệu con đã càn quét khắp những cánh đồng và hộ gia đình phía đông nước Úc, từ biên giới tiểu bang Victoria cho đến tận Queensland. Ước tính, thiệt hại chúng gây ra (cho hoa màu và máy móc) lên tới hàng triệu dollar.

Nhưng thảm họa vẫn chưa hết. Tại Úc, mùa đông đang đến gần. Những con chuột đói ăn lúc này sẽ ồ ạt tràn vào những nơi trú ẩn an toàn – chính là nhà của con người.

Sue Hodge -người dọn nhà chuyên nghiệp -đã phải mất nhiều ngày để dọn xác chuột trong bẫy đặt tại nhà khách hàng của mình. Cô cũng tốn khá nhiều thời gian để giải quyết đống phế thải mà chuột để lại trong bếp, phòng khách, phòng ngủ của họ nữa.

Còn tại căn nhà của mình, Hodge phải chặn mọi ngóc ngách, kẽ hở bằng len thép để ngăn chuột bò vào. “Tôi có thể xử lý lũ chuột,” – Hodge quả quyết, đồng thời cho biết mình đặt bẫy quanh nhà vào mỗi tối. Cô thậm chí dùng loại bẫy kẹp với lực mạnh, để đảm bảo chuột đã dính bẫy là không thể thoát ra.

Nhưng tại tiểu bang New South Wales, chính quyền địa phương quyết định áp dụng biện pháp mạnh hơn thế. Hôm 20/5, họ công bố sẽ sử dụng 5,000 lít hóa chất diệt chuột thuộc vào hàng “mạnh nhất thế giới”, với độc lực đủ để giết chết chuột trong vòng 1 liều. Và đây là một quyết định gây ra rất nhiều tranh cãi.

Chuột nhiều như sao trời, Úc cấp 5.000 lít thuốc kịch độc để người dân tiêu diệt tận gốc - Ảnh 2.
Kho cỏ của ông Michael Payten trở thành “khách sạn chuột”. (Hình CNN)

Tại sao lại nhiều chuột như vậy?

2020 là một năm đáng quên với toàn nhân loại. Nhưng với nông dân, và chuột, tại New South Wales thì không.

Năm qua, lượng mưa rơi xuống bang này bằng tổng lượng mưa 2 năm trước đó cộng lại. Điều này khiến đất đai trở nên màu mỡ hơn, mùa màng cũng bội thu. “Chúng tôi có những năm dài hạn hán tồi tệ, thế rồi 2020 trở nên thật đẹp, và năm nay có vẻ cũng vậy. Nhưng luôn có gì đó cản trở. Đó là chuột,” -nông dân Michael Payten than thở.

Mưa lớn, mùa màng bội thu, tất cả tạo ra điều kiện hoàn hảo để chuột sinh sôi. “Năm ngoái thu hoạch rất tốt, rất nhiều ngũ cốc. Chúng tôi đặt nhiều cỏ khô còn thừa, và nó tạo ra những ‘khách sạn khổng lồ’ cho chuột,” -Paytern cho biết, tay chỉ vào đống cỏ khô. Bên dưới nó là hàng ngàn con chuột.

Binh đoàn chuột hàng triệu con đang xâm chiếm nước Úc, nhà chức trách phải ra quyết định hủy diệt gây nhiều tranh cãi - Ảnh 3.
Chuyên gia diệt chuột Sue Hodge.

800-1,000 con chuột trên mỗi hecta là mức được đánh giá là “dịch hại”, theo số liệu của Cơ quan Khoa học Quốc gia Úc CSIRO. Nhưng số chuột đang xâm chiếm các bang phía đông nước Úc lúc này thì “nhiều như sao trời” -nhận định của Steve Henry từ CSIRO.

Một cặp chuột có thể sinh sản thêm 500 con nữa mỗi mùa, với mỗi lần sinh sản là 3 tuần. Dĩ nhiên, càng nhiều chuột, chúng càng cần thêm nhiều thức ăn. Đàn chuột nhà Paytern đã tàn phá kho cỏ khô vốn dùng để nuôi cừu vào mùa đông. Chưa kể, kho lương thực cũng bị xâm nhập.

Việc các kho ngũ cốc và thức ăn gia súc bị tấn công đã để lại tổn hại lớn cho ngành nông nghiệp Úc. Một khảo sát cho thấy 1/3 nông dân bị thiệt hại dao động từ $38,000 đến $116,000 đô. Tổng thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu đô.

Để bảo vệ “nồi cơm” của mình trước cơn bão dịch hại chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, Paytern đã phải tìm đến Sue Hodge. “Chúng tôi đốt rơm để hun khói đuổi chúng. Hy vọng rằng chúng sẽ chết cóng khi mùa đông tới. Nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng cơn ác mộng cần phải chấm dứt.”

Biện pháp mạnh và tranh cãi về tính nguy hiểm

Chính quyền tiểu bang New South Wales quyết định sẽ sử dụng vũ khí hạng nặng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Adam Marshall thông báo họ sẽ sử dụng thuốc độc để diệt chuột, với hàng ngàn lít bromadiolone -một dạng thuốc chống đông máu thế hệ hai.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Maggie Watson -nhà sinh thái học từ ĐH Charles Sturt, loại độc chất này là quá nguy hiểm đối với môi trường. Bromadiolone có thể ngấm vào đất, tích tụ trong côn trùng trước khi lọt vào chuỗi thức ăn của hệ sinh thái. Các loài chim tại Úc đều có nguy cơ tử vong nếu ăn phải chuột chết vì độc. Ngoài ra, còn có nguy cơ đầu độc cho chính thực phẩm của con người nữa.

Các khu vực phía đông Australia đã bị chuột phá hoại.

“Dùng độc hoàn toàn có khả năng khiến số lượng chim săn mồi giảm hẳn xuống,” – Watson cho biết. “Sẽ phải mất 15 – 20 năm để chúng quay trở lại, nghĩa là chúng ta sẽ mất đi thiên địch của chuột nếu một đợt dịch hại khác xuất hiện.”

Bromadiolone là hóa chất có độc tính cao, có thể giết chết cả các loài chim săn mồi. Tuy nhiên, một số ý kiến biện hộ rằng loại độc này là bắt buộc phải sử dụng, vì số lượng các loài chim là không đủ để kìm hãm chuột sinh sôi. Trong khi đó, chuột đang đông đến mức bất thường, và nông dân đã không còn thời gian để thu hoạch nữa.

Với Hodge -người từng trải qua 2 đợt dịch hại khác vào thập niên 1980, mọi chuyện không đến nỗi tệ. “Thực sự là một vinh dự cho tôi khi được tự mình dọn dẹp nhà cửa và đuổi chuột, giúp khách hàng được nghỉ ngơi, cho đến khi chúng quay lại.” (T/H, K14)