Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hàng chục nghìn người Israel mắc Covid-19 sau khi đã tiêm vắc-xin

Bộ Y tế Israel cho biết, hơn 12,400 người ở Israel đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech, trong đó có 69 người đã tiêm liều thứ hai.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tại Israel. (Hình Reuters).

Báo cáo của Bộ Y tế Israel nêu rõ, có khoảng 189,000 người đã được xét nghiệm virus sau tiêm chủng, kết quả cho thấy có 6.6% dương tính. Theo đó, phần lớn bị nhiễm bệnh sau mũi tiêm đầu tiên – thời điểm việc kích hoạt cơ chế miễn dịch trong cơ thể chưa thực sự bắt đầu. Tuy nhiên, 1,410 người đã có kết quả dương tính sau hai tuần kể từ lần tiêm đầu tiên, lúc này, khả năng miễn dịch đã có hiệu lực một phần. Đáng chú ý, 69 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 dù đã được tiêm đủ cả 2 mũi.

Israel đã bắt đầu tiêm mũi thứ hai cho các bệnh nhân cách đây gần hai tuần và Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người đầu tiên được tiêm đủ 2 mũi. Theo Pfizer, sự gia tăng đột biến khả năng miễn dịch xảy ra trong khoảng từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 21 sau lần tiêm đầu tiên, khi hiệu quả của vắc-xin tăng từ 52 lên 89%.

Các thử nghiệm trước đó cho thấy, hiệu quả phòng ngừa của vắc-xin do Pfizer/BioNTech sản xuất có thể đạt mức 95% sau 1 tuần kể từ khi tiêm liều vắc-xin thứ 2. Phải lưu ý rằng, kết quả thử nghiệm lâm sàng của bất kỳ loại vắc-xin nào cũng có thể khác so với kết quả tiêm chủng thực tế bởi nó được tiêm cho số lượng người lớn hơn rất nhiều.

Hôm 19/1, Chủ tịch Hội đồng chống dịch Covid-19 của Israel, ông Nachman Ash đã lên tiếng phàn nàn với các bộ trưởng trong chính phủ về việc tiêm vắc-xin không đủ để bảo vệ sức khỏe của người dân. Theo ông Ash, loại vắc-xin đầu tiên được phê duyệt của Mỹ này “kém hiệu quả hơn chúng ta nghĩ” và cũng “không được như Pfizer giới thiệu”.

Tuy nhiên, Gili Regev-Yohai, người đứng đầu Trung tâm Y tế Sheba – nơi Thủ tướng Netanyahu được chủng ngừa, lại trả lời báo chí cho rằng vắc-xin của Pfizer “hoạt động tuyệt vời” sau 2 mũi tiêm. Giáo sư Gili Regev-Yohai cho biết, 102 nhân viên y tế tại trung tâm này đã được lấy mẫu xét nghiệm sau một tuần được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Ngoại trừ 2 trường hợp, còn lại tất cả đều có mức độ kháng thể cao hơn từ 6-20 lần so với 7 ngày trước đó.

Israel hiện là quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm vắc-xin phòng ngừa SARS-CoV-2. Trong những tháng qua, đã có khoảng 2,15 triệu người Israel được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech, trong đó có 300,000 người đã được tiêm cả 2 mũi.

Dù đã tiêm chủng cho hơn 20% dân số, Israel dường như không có ý định chia sẻ vắc-xin cho người Palestine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hôm qua (20/1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về khả năng tiếp cận vắc-xin bình đẳng giữa người Israel và người Palestine.

Một đại diện của WHO tại Palestine cho biết, cơ quan của Liên Hợp Quốc này đã thảo luận với giới chức Irsael về khả năng phân bổ vắc-xin cho Dải Gaza và khu Bờ Tây. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein nói rằng, họ chỉ có thể chia sẻ vắc-xin sau khi người Israel nhận được đủ số liều cần thiết./. (VOV)