Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Giới khoa học Úc: Cân nhắc tiêm phòng cúm gia cầm H5N1


Chuyên gia cho biết phương Tây luôn tránh tiêm chủng nhưng nếu H5N1 tồn tại và trở thành bệnh dịch ở một số quốc gia, việc tiêm chủng là cần thiết và không có bất kỳ giải pháp thay thế nào.

Giới khoa học Úc: Cần cân nhắc việc tiêm phòng cúm gia cầm H5N1.

Các nhà khoa học Úc hiện rất lo lắng về dịch cúm gia cầm H5N1 đang lan rộng khắp thế giới, với những “nạn nhân” mới là sư tử núi, gấu và chồn hôi.

Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và tư vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Ian Barr cho biết loại virus này rất phổ biến ở Bắc bán cầu và bắt đầu lan sang Nam Mỹ. Đây là điều chưa từng diễn ra. Tình hình nghiêm trọng đến mức các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang xem xét thử nghiệm tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm. Trong khi đó, phương pháp này đã được áp dụng ở châu Á.

Giáo sư Barr cho biết phương Tây luôn tránh tiêm chủng. Tuy nhiên, nếu loại virus này tồn tại và trở thành bệnh dịch ở một số quốc gia, việc tiêm chủng là cần thiết và không có bất kỳ giải pháp thay thế nào.

Nghiên cứu do ông thực hiện ở Bangladesh cho thấy việc tiêm vắc-xin giúp dập tắt các dấu hiệu cúm gia cầm ở các trang trại gia cầm, nhưng virus vẫn tiếp tục lây lan qua gia cầm không có triệu chứng và lan truyền ở mức độ cao tại các chợ gia cầm sống và chim hoang dã.

Tiến sỹ Michelle Wille của trường Đại học Melbourne cũng cho rằng việc tiêm phòng đã làm giảm số lượng tiêu hủy trong ngành chăn nuôi gia cầm và giảm sự lây lan sang các loài khác.

Tuy nhiên, theo bà, vắc-xin cần phải hiệu quả, có tác dụng bảo vệ và được sử dụng đúng cách, đồng thời cần phải thực hiện giám sát sau tiêm.

Cho đến nay, nhiều quốc gia – trong đó có Úc – tỏ ra miễn cưỡng trong việc tiêm phòng cho gia cầm.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Úc (DAFF) cho biết Chính phủ Úc đang theo dõi tình hình quốc tế và sẽ hỗ trợ tiêm phòng khi có vắc-xin hiệu quả, đồng thời kêu gọi các quốc gia đang bị thiệt hại đáng kể do bùng phát dịch cúm gia cầm tiến hành tiêm phòng.

Mặc dù việc tiêm phòng cúm gia cầm thông thường hiện bị cấm ở Úc, nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai.

Người phát ngôn của DAFF khẳng định nếu Úc đang phải gánh chịu hoặc đối mặt với những tổn thất do dịch cúm gia cầm gây ra thì cần phải đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin.

Trong khi đó, sự bùng phát dịch tại các trang trại chồn làm dấy lên lo ngại rằng lần đầu tiên virus đã tiến hóa để lây lan giữa các loài động vật có vú.

Theo Giáo sư Barr, nếu điều đó là đúng thì rất đáng lo ngại vì trước đây chưa từng có sự lây truyền từ động vật có vú sang động vật có vú.

Mặc dù vậy, ông cho rằng vẫn còn quá sớm để biết liệu có sự lây truyền từ động vật có vú sang động vật có vú hay không, hoặc những con chồn được nuôi trong chuồng mở có tiếp xúc với những con chim bị nhiễm bệnh hay không.

Mặc dù có tên là “cúm,” song các chủng cúm gia cầm độc lực cao không chỉ gây bệnh về đường hô hấp mà thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và não của động vật có vú.

Điều đáng lo ngại là nếu H5N1 trở nên phổ biến ở động vật có vú, nó có thể biến đổi và lây lan rộng rãi hơn sang con người.

Tuy nhiên, theo WHO, cho đến nay những nguy cơ mà H5N1 gây ra cho con người là thấp, tổng cộng có 868 trường hợp và 457 trường hợp tử vong kể từ năm 2003.

Hiện giờ, có một chủng cúm gia cầm độc lực cao khác được gọi là H7N9 gây ra nhiều nguy cơ hơn cho con người./. (T/H, VN+)