‘Giám đốc thẩm’ y án, Hồ Duy Hải vẫn còn ba cửa giải oan
Phiên tòa “giám đốc thẩm” mà gia đình Hồ Duy Hải và dư luận cả nước trông đợi 15 năm qua đã khép lại trong bàng hoàng hụt hẫng.
Luật sư trình thêm chứng cứ. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) kháng nghị và kiến nghị mạnh mẽ, chỉ ra rất nhiều điểm vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án, nhiều chứng cứ buộc tội mâu thuẫn cần đươc hủy án điều tra lại, nhiều vấn đề cần được giám định thực nghiệm lại để bảo đảm bản án tuyên có căn cứ pháp lý.
Thế nhưng với lập luận “có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án,” Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (TANDTC) đã biểu quyết 100% tuyên bác kháng nghị, y án sơ thẩm. Hơn thế nữa hội đồng còn biểu quyết cho rằng kháng nghị sai pháp luật.
Vậy là Hồ Duy Hải từ thân phận bị can sẽ trở lại thân phận tử tù.
Bà Nguyễn Thị Loan và cô Hồ Thị Thu Thủy là mẹ và em gái của Hồ Duy Hải, cùng bà Nguyễn Thị Rưỡi là dì út của Hải, ba ngày ròng rã đứng phơi nắng Hè trên con phố cạnh trụ sở Tòa Án Nhân Dân Hà Nội với tâm trạng phập phồng nửa mừng nửa lo trước diễn biến phiên tòa. Kết quả “giám đốc thẩm” với họ như thêm một lần sét đánh. Cả ba người gào khóc kêu oan giữa đường phố Hà Nội trong ánh mắt xót thương cảm thông của người Hà Nội.
Tòa mới khai mạc luật sư đã hoàn thành nhiệm vụ
Cộng đồng mạng xã hội cũng dậy sóng xót thương với nhiều cung bậc khác nhau. Người chia sẻ xót xa với gia đình bà Loan. Người thương tiếc cho Hồ Duy Hải. Người bình tĩnh thì nhìn lại những vấn đề pháp lý của phiên tòa và tìm lối thoát cho Hồ Duy Hải.
Luật Sư Trần Hồng Phong, người trợ giúp pháp lý cho anh Hồ Duy Hải, nói “giám đốc thẩm” chưa phải là cơ hội cuối cùng. Trước mắt vẫn còn một phiên xem xét lại án “giám đốc thẩm” theo một số điều kiện nhất định và Hồ Duy Hải vẫn còn có điều kiện để giải oan.
Trước khi bàn sâu về việc này, hãy điểm lại những vấn đề pháp lý nổi cộm của phiên “giám đốc thẩm.”
Việc Luật Sư Trần Hồng Phong được mời tham dự tòa “giám đốc thẩm” là chuyện chưa có tiền lệ, như là tín hiệu về tinh thần cải cách tư pháp của tòa.
Thế nhưng, chưa kết thúc phiên khai mạc, chỉ mới trình bày chứng cứ mới và nêu vài quan điểm bào chữa, Chánh Án Nguyễn Hòa Bình đã tuyên bố luật sư “hoàn thành nhiệm vụ” tòa sẽ làm việc nội bộ, làm nhiều thành viên tham dự, ngay cả vị đại diện VKSNDTC tại tòa cũng giật mình sửng sốt. Luật Sư Phong làm văn bản xin tiếp tục tham dự vẫn không được chấp nhận.
Ấy vậy mà đến chiều ngày làm việc thứ hai, khi về tới phi trường Tân Sơn Nhất, Luật Sư Phong lại bị ông Hòa Bình mời ra dự phiên tòa ngay hôm sau. Đã đành xưa nay tòa “giám đốc thẩm” không có luật sư, nhưng không mời thì thôi, mời tham dự cắt khúc nửa chừng như vậy pháp luật chừng như bất ổn.
Mọi chứng cứ có lợi cho Hải đều bị bác
Càng bất ổn hơn là tất cả những chứng cứ dữ liệu mới do Luật Sư Hồng Phong trình ra đều được đại diện VKSNDTC quan tâm, chấp nhận, xem là có giá trị, nhưng đều bị Hội Đồng Thẩm Phán bác bỏ. Văn bản của nhân chứng Vũ Đình Thường xác nhận chỉ thấy một thanh niên không biết là ai, không được tòa sơ thẩm mời tham dự phiên tòa cho thấy rằng cáo trạng sơ thẩm viết ông Thường nhìn thấy Hải ngồi trong Bưu Điện Cầu voi là sai trái, bất lợi cho Hải. Sai tiếp theo là tòa không mời nhân chứng. Dẫn sai lời nhân chứng, không mời nhân chứng dự tòa. Chỉ riêng hai yếu tố ấy đã đủ làm lệch lạc mơ hồ về chứng cớ Hải có mặt tại hiện trường vụ án.
Tòa chỉ chăm chăm vào các lời khai nhận tội của Hải có chữ ký của ông Võ Thành Quyết, luật sư do công an chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải ngay từ giai đoan điều tra, xem đó là chứng cứ khách quan và bằng chứng cho thấy Hải không bị bức cung.
Khi tham dự phiên tòa lần thứ hai, Luât Sư Phong đã trình chứng cứ mới về sự thiếu khách quan, gây bất lợi cho Hồ Duy Hải. Đó là đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì Hồ Duy Hải. Theo đơn thì khi ra tòa sơ thẩm, Hồ Duy Hải kêu oan, ông Quyết bào chữa theo hướng xin giảm án. Khi gia đình nhờ kháng cáo kêu oan thì ông Quyết không làm, ép ngược gia đình phải làm đơn xin giảm án. VKSNDTC chấp nhận tài liệu này nhưng Hội Đồng Thẩm Phán lại bác bỏ. Nếu nghiêm túc thẩm định tài liệu này biết đâu được sẽ cho ra kết quả những lời khai nhận tội của Hải không phải là bằng chứng nhận tội mà là bằng chứng dụ cung, ép cung. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án.
Tương tự như vậy, tài liệu về chiếc xe Hải đi ra bưu điện cũng bị tòa bác bỏ.
Không chỉ Luật Sư Phong mà ngay cả những kiến nghị của VKSNDTC đề nghị phải giám định lại sáu vấn đề cũng bị bác bỏ. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.
Viện kiến nghị đúng, tòa vẫn phang ngang
Viện Kiểm Sát khẳng định có đủ căn cứ và đủ cần thiết để kháng nghị hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề này cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Ông Nguyễn Huy Tiến, phó viện trưởng Viện KSNDTC, dẫn lại bản án phúc thẩm có đoạn: qua thẩm tra tại phiên tòa, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu điều tra, có căn cứ để xác định “hành vi phạm tội vì động cơ cá cược bóng đá.” Theo ông Tiến, với những tình tiết khách quan của vụ án, đây là sự quy kết của bản án, hết sức thiếu thận trọng.
Ông Tiến cũng băn khoăn về việc thu thập ba vật chứng quan trọng nhất của vụ án là con dao, cái thớt, cái ghế.
“Việc con dao được thu thập, theo mô tả, được rửa sạch, sạch đến mức mà tưởng như là con dao mới. Khi thực hiện hành vi tại hiện trường, con dao được rửa rất sạch sẽ, được cất giấu kỹ càng, nhưng cái thớt, cái ghế thì không cất giấu. Theo phân tích về mặt tâm lý tội phạm, tôi rất băn khoăn. Chi tiết này cần thận trọng,” ông Tiến phân tích.
Cũng phân tích về mặt tâm lý tội phạm, theo lời khai trong hồ sơ bản án, Hồ Duy Hải chưa vào khu vực trong bưu điện trước đó, nhưng trong lời khai lại nhớ được và miêu tả rất tỉ mỉ, chi tiết căn phòng, đồ vật… Bên cạnh đó, dấu vân tay trong khoa học hình sự hết sức quan trọng nhưng khám nghiệm hiện trường lại có thiếu sót.
Chánh Án Nguyễn Hòa Bình thản nhiên giữ vững lập trường “có sai, có sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án,” đi ngược với nguyên tắc tố tụng là phải xem xét đầy đủ khách quan yếu tố buộc tội và gỡ tội. Với lập trường này thì ngay cả khi có tội phạm thật ra đầu thú cũng chưa chắc được ông chấp nhận hủy án.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Hòa Bình bộc lộ quan điểm này, mà năm 2014 khi là viện trưởng VKSNDTC ông Bình từng ký quyết định không kháng nghị vụ án. Điều này làm nhiều người băn khoăn khi ông ngồi chủ tọa Hội Đồng 17 Thẩm Phán Tối Cao đều là cấp dưới của ông để “giám đốc thẩm” án Hồ Duy Hải. Có người cho rằng chính việc này đã vi phạm nguyên tắc một người xử hai lần một vụ việc.
Có ý kiến giải thích việc ký quyết định trước đây là thực hiện thủ tục tố tụng chứ không phải là xét xử nên không phạm luật. Tuy nhiên ngay trong trường hợp ý kiến này là đúng thì việc ông thể hiện chính kiến qua quyết định không kháng nghị trước đó cũng sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan của phiên xử. Quả thật, tất cả kết quả biểu quyết đều 100% làm người ta e ngại tính khách quan của con số này.
Hai cửa giải oan, một cửa ân xá!
1-Trở lại số phận Hồ Duy Hải, theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, có hai cơ quan của Quốc Hội có khả năng can thiệp vào quyết định “giám đốc thẩm” của TANDTC là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội và Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội.
Việc can thiệp chỉ xảy ra “khi có căn cứ xác định quyết định của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội Đồng Thẩm Phán không biết được khi ra quyết định đó” (Điều 404).
Nếu Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội yêu cầu thì Hội Đồng Thẩm Phán phải tiến hành thẩm định hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và trong thời hạn bốn tháng phải mở phiên họp xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm.”
Nếu Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội kiến nghị thì Hội Đồng Thẩm Phán mở phiên họp xem xét kiến nghị đó trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết đồng ý với kiến nghị thì mở phiên họp xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày biểu quyết.
Đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.
2-Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị, chánh án TANDTC đề nghị Hội Đồng Thẩm Phán xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm.”
Hội Đồng Thẩm Phán sau đó phải mở phiên họp xem xét kiến nghị/đề nghị này trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết đồng ý xem xét lại quyết định “giám đốc thẩm” thì phiên họp xem xét lại đó sẽ phải diễn ra trong bốn tháng sau đó.
Cũng tương tự như phương án 1, đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Phương án này, nếu có thực hiện được, nhiều khả năng cũng phải chờ tới ít nhất là giữa năm 2021 khi Quốc Hội khóa mới nhóm họp và bầu các vị trí viện trưởng và chánh án mới.
3-Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình. Theo Điều 367 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: “Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội Đồng Giám Đốc Thẩm, Hội Đồng Tái Thẩm TANDTC quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TANDTC phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.”
Chủ tịch nước sau đó sẽ giải quyết đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải và ra quyết định. Nếu được ân giảm, Hải sẽ phải chịu hình phạt chung thân.
Long An (N/V)