Monday, November 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Giảm 0.5%: Fed kích hoạt làn sóng hạ lãi suất trên toàn cầu


Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức hạ lãi suất 50 điểm cơ bản xuống phạm vi 4.75 – 5%, một loạt các ngân hàng trung ương lớn khác đã ‘nối gót’ Fed hoặc thận trọng đánh giá tác động từ quyết định này.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trong cuộc họp báo công bố quyết định cắt giảm lãi suất tại Washington DC., ngày 18/9/2024.

Hầu hết các ngân hàng trung ương tại các quốc gia vùng Vịnh ngày 18/9 đã cắt giảm lãi suất chủ chốt tương tự động thái của Fed trước đó cùng ngày.

Cụ thể, Ngân hàng trung ương của Saudi Arabia – nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh giảm lãi suất thỏa thuận mua lại (repo) và lãi suất repo đảo ngược 50 điểm cơ bản, lần lượt xuống còn 5.5% và 5%. Ngân hàng trung ương Các Tiểu vương quốc Arâp thống nhất (UAE) cũng hạ lãi suất cơ bản ở mức tương tự xuống còn 4.9%. Đây cũng là mức cắt giảm của Ngân hàng trung ương Bahrain, trong khi Ngân hàng trung ương Qatar cắt giảm lãi suất 55 điểm cơ bản, còn Ngân hàng trung ương Kuwait cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, từ 4.25% xuống còn 4%.

Lâu nay, các ngân hàng trung ương ở vùng Vịnh thường có xu hướng hành động theo các quyết định của Fed về lãi suất do hầu hết các đồng tiền trong khu vực đều gắn với đồng USD, trừ đồng dinar của Kuwait.

Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9 ( giờ địa phương), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất 0.5%, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Hình Marketwatch

Ông Damian Hitchen, Tổng Giám đốc điều hành của Ngân hàng Saxo tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi, cho rằng việc Fed cắt giảm lãi suất báo hiệu môi trường thuận lợi hơn cho các mục tiêu đầu tư dài hạn và đa dạng hóa kinh tế của vùng Vịnh.

Với chi phí đi vay thấp hơn, các khoản đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch, năng lượng tái tạo và công nghệ… sẽ trở nên hấp dẫn hơn, phù hợp với các mục tiêu chiến lược của khu vực nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Tại Hàn Quốc, phát biểu tại cuộc họp chính thức cấp cao của các quan chức phụ trách chính sách kinh tế ngày 19/9, Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Choi Sang Mok cho biết thị trường tài chính toàn cầu vẫn tương đối ổn định vì động thái trên của Fed đã được dự đoán trước.

Tuy nhiên, biến động thị trường có thể gia tăng trong quá trình chuyển hướng chính sách tiền tệ. Ngoài ra, những bất ổn về địa chính trị, bao gồm các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới vẫn còn đáng kể. Bộ trưởng Choi Sang Mok cam kết rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ thận trọng theo dõi để ứng phó những thay đổi tiềm ẩn trong tình hình kinh tế trong và ngoài nước”.

Các nhà đầu tư hiện đang dồn sự chú ý của họ sang hai cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào ngày 19/9 (giờ địa phương) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào một ngày sau đó. Dự kiến cả hai ngân hàng sẽ “án binh” tại cuộc họp tháng này, sau khi BoJ đã khiến thị trường hỗn loạn hồi cuối tháng Bảy với một đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007. BoE cũng đã hạ lãi suất từ mức cao nhất 16 năm là 5,25% xuống 5% trong tháng trước.

Thị trường cũng theo dõi sát sao các động thái của Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), ngân hàng trung ương) trước nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tại nước này gia tăng. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3%, giới quan sát nhận định khả năng Úc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm sẽ gia tăng. Thời điểm điều chỉnh lãi suất trong năm nay cũng có thể được đẩy sớm hơn, từ tháng 12 sang tháng 11. (T/H, tintuc)